Chuyển đến nội dung chính

Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn Thi đua Quyết thắng ở Quân đoàn 2

Những năm gần đây, nhất là 6 tháng đầu năm 2020, công tác thi đua-khen thưởng (TĐKT) và Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) ở Quân đoàn 2 có sự đổi mới toàn diện với nhiều nội dung, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Khen-phê là công việc hằng ngày
Giờ điểm danh tối chủ nhật theo chế độ ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) cán bộ, chiến sĩ hàng ngũ chỉnh tề, tập trung theo dõi chỉ huy đơn vị đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong tuần. Đại úy Bạch Văn Luyện, Đại đội trưởng Đại đội 6 chủ trì điểm danh, nhận xét chất lượng công việc của từng trung đội, biểu dương, khuyến khích từng tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc một số ít cán bộ, chiến sĩ còn biểu hiện ngại học, ngại rèn, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chưa cao. Gắn biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích với phê bình, nhắc nhở những tồn tại, hạn chế là chủ trương chung của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua-khen thưởng (TĐKT) và Phong trào TĐQT.
Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn Thi đua Quyết thắng ở Quân đoàn 2
Lãnh đạo Quân đoàn 2 gắn hoa bắn giỏi tặng chiến sĩ mới năm 2020.
Tìm hiểu ở các đơn vị trong quân đoàn, chúng tôi nhận thấy việc khen-phê hằng ngày, hằng tuần của chỉ huy các đơn vị đối với tập thể, cá nhân luôn bảo đảm công tâm, khách quan, nhất là những trường hợp có thành tích xuất sắc, đột xuất. Ví như trường hợp Đại úy Trần Xuân Tiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 421, Sư đoàn 306, đã có hành động dũng cảm cứu người gặp nạn; Đại úy QNCN Nguyễn Thị Ngân, nhân viên Ban Tham mưu-Hành chính, Trường Quân sự Quân đoàn 2 có 17 lần tham gia hiến máu nhân đạo; Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Hùng, thợ sửa chữa Đại đội 26, Lữ đoàn 203 có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị; Đại úy QNCN Bùi Văn Hào, Trường Quân sự Quân đoàn 2 cùng đồng chí cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang trả lại gần một tỷ đồng cho người bị đánh rơi. Hay trường hợp Thượng úy Nguyễn Thanh Thảo, Phó đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 bất chấp nguy hiểm, lao vào dập lửa cứu dân... Những cán bộ, chiến sĩ có thành tích nêu trên đều được cấp ủy, chỉ huy đơn vị khen thưởng, biểu dương kịp thời và hành động của họ tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị của quân đoàn cũng như địa phương nơi đóng quân và công tác.
Theo Đại tá Đỗ Xuân Tụng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 2: Trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ, hằng ngày chỉ huy các đơn vị đều chấm điểm, biểu dương kịp thời những cán bộ, chiến sĩ có thành tích tiêu biểu, nhất là tấm gương, hành động cụ thể trong sinh hoạt và công tác mà không chờ đến sơ kết, tổng kết phong trào thi đua (PTTĐ). Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc, nhất quán chủ trương của Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn là việc xét, đề nghị khen thưởng phải bảo đảm phù hợp với các hình thức, tính chất từng loại thành tích, tương ứng với kết quả đạt được trong PTTĐ hoặc mức độ, công lao đóng góp, cống hiến của từng tập thể, cá nhân, trong đó chú trọng tập thể, cá nhân có thành tích, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Song song với đó, không có “vùng cấm” đối với cơ quan, đơn vị có khuyết điểm, hoặc chất lượng thực hiện các nội dung, chỉ tiêu thi đua đạt thấp. Mục đích chính của việc phê bình các tập thể, cá nhân là để bộ đội tiến bộ, tiếp tục phấn đấu, đua đẩy vượt lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xây dựng điển hình thực chất
Những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Quân đoàn 2 luôn xác định đúng nội dung trọng tâm của công tác TĐKT và Phong trào TĐQT gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) trên các mặt công tác, bảo đảm việc thực hiện các nội dung, chỉ tiêu PTTĐ đúng hướng, thực chất và hiệu quả.
Kết quả thực hiện PTTĐ ở Lữ đoàn 673 là một ví dụ. Là đơn vị pháo phòng không nên điều kiện thời tiết tác động lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ canh trực của bộ đội. Bằng hình thức đẩy mạnh PTTĐ trong canh trực, SSCĐ, cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung xây dựng những trận địa điển hình: “Trận địa thanh niên” với các tiêu chí: Ý thức cảnh giác cao; thuần thục về hành động, động tác, nhanh về thời gian, nghiêm về kỷ luật”, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn lữ đoàn. Theo Thượng tá Đoàn Huy Đăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 673, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng ĐHTT. Để bảo đảm thực chất, thuyết phục trong lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng ĐHTT cũng như tạo sự lan tỏa, sức thu hút, dễ nhân rộng, đơn vị chủ trương phát hiện, lựa chọn các điển hình từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ và Phong trào TĐQT tại đơn vị. Từ các ĐHTT này, lữ đoàn tiến hành bồi dưỡng, xây dựng theo phương pháp: Lấy đơn vị điển hình một mặt bồi dưỡng đơn vị chưa điển hình; lấy điển hình nhiều mặt bồi dưỡng điển hình từng mặt; điển hình mặt này bồi dưỡng điển hình mặt khác... Bằng cách thức đó, các tổ mẫu, đội mẫu được thành lập để bồi dưỡng lẫn nhau. Ngoài ra, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn còn chú trọng xây dựng các tiêu chí điển hình bảo đảm sát với chức trách, nhiệm vụ và thực tế đơn vị, thường xuyên giao nhiệm vụ mới và khó nhằm thử thách ĐHTT, đồng thời gắn với chọn đơn vị làm điểm.
Đột phá vào nội dung mới, việc khó
Kinh nghiệm phát hiện, lựa chọn tập thể, cá nhân để xây dựng ĐHTT, có sức thuyết phục cao ở Quân đoàn 2 là tổ chức tốt các phong trào, hội thi, hội thao; tập trung đột phá vào nội dung mới, nhiệm vụ khó, gắn với thực hiện các cuộc vận động. Theo Đại tá Đỗ Xuân Tụng: Để Phong trào TĐQT phát huy hiệu quả, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, chiến sĩ, thông qua hoạt động thực tiễn, cấp ủy, chỉ huy các cấp lựa chọn chính xác tập thể, cá nhân để bồi dưỡng, xây dựng ĐHTT, trong đó chú trọng ở đơn vị cơ sở và sĩ quan trẻ. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chí sát với chức trách, nhiệm vụ và đặc điểm của đơn vị; giao nhiệm vụ mới, khó để thử thách ĐHTT, gắn với thực hiện chọn đơn vị làm điểm; qua đó rút kinh nghiệm, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, tích cực phổ biến cách làm sáng tạo, mô hình mới trong toàn quân đoàn; từng tập thể, cá nhân phải có kế hoạch phấn đấu cụ thể, gắn với cương vị, chức trách được giao.
Kế thừa kết quả công tác TĐKT và Phong trào TĐQT giai đoạn 2014-2019, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 xác định, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực cho bộ đội phấn đấu vươn lên, thì việc phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì là điều kiện tiên quyết. Cùng với đó, quân đoàn chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức Phong trào TĐQT, tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, việc khó, việc mới, khắc phục khâu yếu, mặt yếu; gắn Phong trào TĐQT với các PTTĐ, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đại tá Đỗ Xuân Tụng khẳng định: "Với sự đổi mới toàn diện, phát triển mạnh mẽ, Phong trào TĐQT thực sự là động lực to lớn động viên cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong quân đoàn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tô thắm thêm truyền thống của Binh đoàn Hương Giang anh hùng: “Thần tốc-Táo bạo-Quyết thắng”.
(nguồn qdnd)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến