TÓM TẮT: Bài viết này tổng kết, phân tích một số công trình tiêu biểu liên quan đến phong cách và phong cách tư duy. Từ đó, đưa ra quan niệm về phong cách và phong cách tư duy đầy đủ hơn, chỉ ra bản chất, những yếu tố cấu thành của phong cách tư duy và mối liên hệ giữa các yếu tố đó. Trên cơ sở phân tích các yếu tố cấu thành phong cách tư duy, bài viết gợi mở một số vấn đề có tính chất phương pháp luận trong xây dựng phong cách tư duy cho một cá nhân hay lớp người trong xã hội.
Từ khóa: Phong cách; phong cách tư duy; phương pháp; tư duy.
1. Đặt vấn đề
Khái niệm phong cách nói chung và phong cách tư duy nói riêng đã được đề cập từ rất lâu, nhưng thời gian gần đây mới được nhiều công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, tùy theo cách tiếp cận, hướng nghiên cứu và vận dụng mà quan niệm về phong cách và phong cách tư duy được nhìn nhận và làm rõ ở những góc độ khác nhau. Vậy quan niệm tổng quát và đầy đủ về phong cách và phong cách tư duy là gì? những yếu tố nào tạo nên phong cách tư duy? từ việc nghiên cứu phong cách tư duy rút ra những vấn đề gì đặt cơ sở cho việc xây dựng phong cách tư duy cho một cá nhân hay lớp người trong xã hội. Trong bài viết này, tác giả cố gắng luận giải rõ các vấn đề nêu trên.
2. Quan niệm tổng quát về phong cách
Khái niệm phong cách đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ở phương Tây, khái niệm phong cách được đề cập từ rất lâu và được hiểu như là một hiện tượng độc đáo, cá biệt trong văn học, nghệ thuật. Phong cách thường được tiếp cận trên những nội dung cơ bản sau: “Là tổng thể những dấu hiệu đặc trưng nghệ thuật của một thời đại, một xu hướng hoặc một bút pháp cá nhân của người nghệ sĩ… Là tổng thể các phương pháp sử dụng công cụ ngôn ngữ đặc trưng của một nhà văn, một tác phẩm nào đó…”[1]. Cũng đồng nhất với quan điểm coi phong cách chỉ gắn với văn học, nghệ thuật, trong Đại từ Tiếng Việt, trình bày khái niệm phong cách: “Là phiên dạng của ngôn ngữ có những đặc điểm trong lựa chọn kết hợp và tổ chức các phương pháp ngôn ngữ liên quan tới giao tiếp… Là toàn bộ những thủ pháp sử dụng phương tiện ngôn ngữ đặc trưng cho từng nhà văn, tác phẩm thể loại… Là việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ theo nguyên tắc tu từ” [2].
Qua hai cách hiểu về khái niệm nêu trên, đã chỉ ra phong cách luôn gắn với những chủ thể là những nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.  Đó là những đặc điểm có tính chất hệ thống về tư tưởng và nghệ thuật, những đặc trưng thẩm mỹ ổn định về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên, những giá trị độc đáo của một nghệ sĩ. Phong cách được tạo ra trên cơ sở thực hiện các phương pháp nhất định, biểu hiện của phong cách là những nét riêng, độc đáo của từng cá nhân so với những cá nhân khác. Nghệ thuật sử dụng các phương pháp của từng cá nhân khác nhau sẽ tạo nên những phong cách khác nhau, gắn với cá nhân đó. Tuy nhiên, khái niệm phong cách chỉ giới hạn trong những mặt hoạt động nhất định của con người, chủ yếu là văn học nghệ thuật, chưa bao quát được các phạm vi hoạt động của con người. Vì vậy, phong cách mới chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp, phong cách không phải là hiện tượng phổ biến, mà là hiện tượng cá biệt và chỉ những tài năng lớn, nghệ sĩ lớn  mới có phong cách.
Phong cách nếu truy theo nguồn gốc từ tiếng Hán Việt, thì Phong có nghĩa là phong thái, Cách có nghĩa là cách điệu. Phong cách nghĩa là phong thái và cách điệu. Từ cách truy theo nguồn gốc này, các nhà ngôn ngữ học trong Từ điển Tiếng Việt đã nêu ra 2 nghĩa cơ bản của từ phong cách, một nghĩa về phong cách ngôn ngữ, một nghĩa về phong cách nghệ thuật. Ở đây quan tâm đến nghĩa thứ nhất có tính tổng quát về phong cách. Đó là “Những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên vẻ riêng của một người hay một loại người nào đó”[3]. Theo cách hiểu này, phong cách đã bao quát được tất cả phạm vị hoạt động của con người, phong cách gắn với hoạt động của con người, ở đâu có hoạt động của con người thì có phong cách ở lĩnh vực hoạt động đó. Đúng như các tác giả của công trình “Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh” cũng cho rằng, phong cách không chỉ hiểu trong phạm vi hẹp, giới hạn trong một lĩnh vực nào đó, mà còn cần phải hiểu theo phạm vi rộng. Theo đó, phong cách “là lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ, phẩm cách…đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt (nói và viết)… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó”[4].
Với cách quan niệm nêu trên, theo mục đích tiếp cận để làm rõ biểu hiện của phong cách, nên chưa đề cập đến cơ sở tạo nên phong cách, nhưng đã chỉ ra khá đầy đủ biểu hiện của phong cách. Theo đó, phong cách không chỉ giới hạn trong phạm vi văn hóa nghệ thuật mà bao quát được đầy đủ các mặt hoạt động của con người, trong tất cả các hoạt động của con người đều có những phong cách riêng. Khi xem xét phong cách của con người phải có cách nhìn toàn diện và biện chứng, phải xem xét trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đa dạng và phong phú mà người đó tham gia. Đồng thời, khái niệm cũng đặt ra những yêu cầu khi những cái riêng biệt, cái độc đáo đó phải mang những giá trị, phải là phong thái, phong độ, cung cách tạo nên những vẻ riêng biệt của chủ thể hoạt động.
Như vậy, có thể đi tới khẳng định: Phong cách là những cái riêng, độc đáo có tính hệ thống, ổn định và đặc trưng của chủ thể trên cơ sở cách thức thực hiện các phương pháp hoạt động nhất định của chủ thể. Phong cách có quan hệ chặt chẽ với cách thức thực hiện các phương pháp hoạt động với nội dung và kết quả của hoạt động. Bất cứ lĩnh vực hoạt động nào mang dấu ấn cá nhân, thể hiện cái riêng, cái độc đáo của một con người nào đó trong hoạt động thì đều tạo nên phong cách của họ, không riêng gì trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Từ một người bình thường đến một lãnh tụ, một vĩ nhân… đều có phong cách.
Vì phong cách có quan hệ chặt chẽ với cách thức thực hiện các phương pháp hoạt động với nội dung và kết quả của hoạt động. Nên, khi nghiên cứu phong cách phải gắn với hiệu quả giải quyết những yêu cầu hoạt động thực tiễn của con người đặt ra. Hay nói cách khác, những cái riêng, cái độc đáo trong lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ, phẩm cách…đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt nhưng phải gắn với hiệu quả giải quyết những công việc của họ thì mới trở thành phong cách. Vì trong thực tế, có những cái riêng, cái độc đáo không mại lại hiệu quả giải quyết các công việc. Vậy khi nào việc sử dụng phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp của các nhân sẽ tạo nên phong cách. Khi họ sử dụng hoặc kết hợp nhuẫn nhuyễn các phương pháp tạo nên những nề nếp ổn định và phản ứng mau lẹ, hiệu quả trước những yêu cầu của hoạt động thực tiễn đặt ra. Khi đó, những cái riêng biệt, đặc trưng của cá nhân phải mang dấu ấn văn hóa hay trở thành kỹ năng, kỹ xảo trong hoạt động của cá nhân đó mới trở thành phong cách.
Phong cách được tạo nên bởi các thức sử dụng các phương pháp hoạt động nhất định. Tất nhiên, khi đi nghiên cứu phong cách của một người, phải luôn thấy  được phong cách chịu sự tác động mạnh mẽ từ môi trường hoạt động, bao gồm các nhân tố như truyền thống văn hóa, lối sống, thói quen, điều kiện sống, sự trải nghiệm thực tiễn, dấu ấn cá nhân… Phong cách không mang tính bẩm sinh, mà nó được hình thành bởi sự phấn đấu, trau dồi không ngừng của chủ thể. Phong cách là cái chung, mỗi lĩnh vực hoạt động của con người lại có phong cách riêng. Theo đó, khi đi nghiên cứu phong cách trong mỗi lĩnh vực hoạt động của con người cần vận dụng và quán triệt mối quan hệ biện chứng giữa cái phổ biến và cái đặc thù. Đây là những định hướng để nghiên cứu phong cách tư duy – một lĩnh vực cụ thể của phong cách.
3. Phong cách tư duy – Phương thức tiếp cận, bản chất, cấu trúc và nội dung chủ yếu
Tư duy và phong cách tư duy có quan hệ mật thiết với nhau. Tư duy là cơ sở, điều kiện để hình thành phong cách tư duy. “Tư duy – sản phẩm cao nhất của cái vật chất được tổ chức một cách đặc biệt là bộ não, quá trình phản ánh tích cực thế giới quan trong các khái niệm, phán đoán, suy luận”[5]. Đó là quá trình phản ánh hiện thực khách quan theo con đường biện chứng của nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Như vậy, tư duy là quá trình khám phá tìm ra bản chất quy luật vận động của đối tượng nhận thức nhằm ra tri thức mới về sự vật qua đó chỉ đạo hoạt động cải tạo hiện thực của chủ thể. Nếu như, cách thức sử dụng các phương pháp nhất định tạo nên cái riêng, độc đáo có tính hệ thống, ổn định của một người thì được gọi là phong cách, thì phong cách tư duy cũng phải là cách thức để tìm ra tri thức về đối tượng, từ đó đề ra biện pháp để cải tạo đối tượng nhận thức ở từng chủ thể nhận thức khác nhau sẽ tạo ra phong cách tư duy khác nhau.
Theo tác giả Trần Văn Phòng “Phong cách tư duy là những đặc điểm riêng, có tính hệ thống, ổn định trên cơ sở của một cách thức thực hiện phương pháp tư duy của riêng cá nhân nào đó”[6]. Khái niệm này đã phản ánh phong cách tư duy là một lĩnh vực cụ thể của phong cách, cơ sở tạo nên phong cách tư duy là cách thức thực hiện phương pháp tư duy nhằm tìm ra tri thức về đối tượng. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều phương pháp tư duy khác nhau: phương pháp tư duy biện chứng; phương pháp tư duy siêu hình; phương pháp tư duy kinh nghiệm.., có những phương pháp phản ánh đầy đủ các mặt cách yếu tố, các mối quan hệ, trong những điều kiện không gian thời gian khác nhau sẽ tìm ra đúng bản chất, quy luật vận động của đối tượng. Có những phương pháp chỉ tìm ra tri thức gần đúng về đối tượng. Do đó, kết quả tìm ra tri thức và hiệu quả cải tạo đối tượng nhận thức sẽ không cao. Vì vậy, cũng như nghiên cứu về phong cách, khi đi nghiên cứu phong cách tư duy cũng phải luôn gắn với hiệu quả của phong cách tư duy ấy có phù đáp ứng yêu cầu nhận thức và cải tạo đối tượng. Nên có thể quan niệm: phong cách tư duy là một bộ phận của phong cách nói chung, đó là những đặc điểm riêng, có tính hệ thống, ổn định của chủ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, nó phản ánh năng lực tư duy của chủ thể thông qua nghệ thuật thực hiện các phương pháp tư duy, nhằm đạt hiệu quả của hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Qua đó, tạo nên những giá trị riêng trong tư duy và hành động thực tiễn của chủ thể.
Về bản chất, phong cách tư duy bàn đến ở đây là phong cách tư duy khoa học, nó phản ánh đặc điểm riêng biệt của cá nhân, thông qua nghệ thuật thực hiện phương pháp tư duy, tạo nên tính ổn định tương đối và đặc trưng của họ khi xử lý các tình huống tư duy. Phong cách tư duy không phải là cái nhất thành bất biến mà luôn thay đổi, tùy thuộc vào tình huống tư duy. Phong cách tư duy không tự phát hình thành mà là một quá trình hình thành có định hướng rõ rệt. Để có phong cách tư duy, phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng và tự rèn luyện nâng cao trình độ tri thức lý luận, năng lực tư duy, phương pháp tư duy, tích cực hoạt động thực tiễn để rèn luyện và kiểm nghiệm hiệu quả phương pháp tư duy.
Phong cách tư duy có quan hệ mật thiết với phương pháp tư duy, nhưng không đồng nhất với nó. Phương pháp tư duy là công cụ, phương tiện để tạo nên phong cách, còn phong cách tư duy là hình thức biểu hiện của kết quả nghệ thuật sử dụng phương pháp tư duy. Nội dung của phong cách tư duy là phương pháp tư duy, còn phong cách là hình thức biểu hiện của nghệ thuật sử dụng phương pháp tư duy. Đồng thời, phong cách tư duy cũng phản ánh tính đúng đắn khoa học của phương pháp tư duy mà chủ thể ấy sử dụng. Việc sử dụng thành thạo và hiệu quả các phương pháp tư duy như một nghệ thuật tạo nên những giá trị và dấu ấn riêng biệt như một đặc trưng văn hóa trong nhận thức và giải quyết những vấn đề của thực tiễn, sẽ tạo nên phong cách tư duy của chủ thể đó. Thực tế cho thấy, phương pháp biện chứng duy vật là phương pháp tư duy phổ biến nhất, khoa học nhất, từ trước đến nay chưa có một phương pháp tư duy nào vượt qua được phương pháp này. Do vậy, có thể thấy, phong cách tư duy là nét riêng độc đáo, nét cá nhân, nét riêng tư của một người nào đó trong cách thức thực hiện phương pháp tư duy biện chứng duy vật.
Phong cách tư duy là sự thống nhất giữa cách thức thực hiện phương pháp tư duy với nội dung và kết quả của tư duy. Bởi lẽ, khi tư duy tức là chủ thể đang thực hiện một phương pháp tư duy nhất định. Bằng phương pháp đó và thông qua phương pháp đó với những nội dung tri thức nhất định mà chủ thể huy động vào quá trình tư duy, chủ thể sẽ đạt được kết quả của quá trình tư duy – đó là những tư tưởng, quan điểm. Có những người sử dụng phương pháp biện chứng, có những người sử dụng phương pháp kinh nghiệm, có những người sử dụng phương pháp siêu hình.., với những tri thức tương ứng mà chủ thể huy động trong vốn tri thức của mình, để nghiên cứu tìm hiểu qua đó tìm ra tri thức về đối tượng. Như vậy, mỗi chủ thể sẽ có những cách thức khác nhau để đạt tới kết quả của quá trình tư duy, tạo nên những phong cách tư duy khác nhau. Do đó, phong cách tư duy là sự thống nhất, hòa quyện của các yếu tố: phương pháp tư duy, nội dung tư duy, kết quả tư duy. Sự tổng hợp của các yếu tố này tạo thành những đặc trưng ở mỗi chủ thể khác nhau. Như vậy, sử dụng phương pháp tư duy khoa học như một nghệ thuật là yếu tố quan trọng nhất tạo nên phong cách tư duy. Tuy nhiên, vốn tri thức mà chủ thể có được huy động vào quá trình tư duy và kết quả của quá trình tư duy có tìm ra tri thức đúng đắn về đối tượng và biện pháp cải tạo đối tượng là điều kiện không thể thiếu để phong cách tư duy đó trở thành phong cách tư duy khoa học.
Để tìm hiểu phong cách tư duy của chủ thể phải thông qua cách tư duy (cách đạt tới tư tưởng, quan điểm và nội dung quan điểm, tư tưởng đó) và cách hoạt động thực tiễn (cách làm) của chủ thểVì quá trình tư duy là quá trình trừu tượng, khó xem xét, nhưng kết quả tư duy phản ánh bằng các quan điểm, tư tưởng. Kết quả của tư duy cũng phản ánh chủ thể tư duy dã sử dụng và sử dung hiệu quả đến đâu các phương pháp tư duy nào. Nếu như các quan điểm, tư tưởng đó phản ánh đúng bản chất, quy luật của thực tiễn thì cách tư duy đó đúng đắn và ngược lại. Phong cách tư duy còn là sự tổng hợp của các yếu tố cách thức tư duy, nội dung tư duy, kết quả tư duy và mục đích của tư duy. Mỗi chủ thể có cách tư duy để đạt tới tri thức về đối tượng khác nhau sẽ tạo ta những phong cách tư duy khác nhau. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa tri thức, quan điểm tư tưởng trong hoạt động thực tiễn cũng cần phải sử dụng tư duy để phân tích, đánh giá thực tiễn; lựa chọn các phương pháp hoạt động, các tri thức cần thiết; kết hợp tri thức và phương pháp… để hoạt động thực tiễn hóa tri thức, quan điểm, tư tưởng đạt hiệu quả. Quá trình này ở các chủ thể khác nhau sẽ khác nhau, tạo nên một phong cách riêng ở mỗi chủ thể khác nhau. Do đó, muốn tìm hiểu phong cách tư duy của một chủ thể nhất định phải thông qua nghiên cứu kết quả của tư tưởng (cách nghĩ) hoặc hiệu quả của cách thức thực tiễn hóa tư tưởng (cách làm) của chủ thể ấy.
Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, tư tưởng không phải bắt nguồn từ tư duy thuần túy, càng không phải là sản phẩm của tư duy thuần túy. Do vậy, cần phải phân biệt rõ tư duy và tư tưởng, không thể đồng nhất hai khái niệm này giống như một số người từ trước đến nay thường nhầm lẫn. Vì tư duy là quá trình con người suy ngẫm, xuất phát từ những cứ liệu sinh động của thực tiễn và từ tư tưởng đương thời để đi tới xác định tư tưởng của chính mình. Đó là kết quả của quá trình hoạt động của não người, đi từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính (từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng), đó là quá trình đi sâu vào các tầng bản chất của sự vật, nghiên cứu quá trình tồn tại, vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng, của đối tượng để từ đó phát hiện ra tính quy luật của đối tượng. Đỉnh cao của quá trình này là khái niệm hoá, từ đó mà xác định các luận điểm, những tư tưởng được thể hiện bằng những mệnh đề phán đoán, suy lý. Như vậy, tư tưởng là kết quả của một quá trình tư duy, mà nguồn gốc của nó là ở ngoài tư duy của chủ thể. Khoa học tư duy có nhiệm vụ nghiên cứu và làm sáng tỏ quá trình đó. Thực chất của quá trình này, theo Ph.Ăngghen: “là sự thống nhất giữa lôgíc học và phép biện chứng”[7]. Còn V.I. Lênin lại cho rằng: “đó là sự thống nhất giữa phép biện chứng, lý luận nhận thức và lôgíc học”[8].
Dựa theo các yếu hợp thành, phong cách tư duy được cấu trúc gồm: trình độ tri thức; phương pháp tư duy khoa học; năng lực tư duy; trải nghiệm thực tiễn; cảm xúc, tình cảm và ý chí, bản lĩnh cá nhân (khí chất cá nhân). Trong các yếu tố đó, mỗi yếu tố có vị trí vai trò khác nhau trong sự tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, đưa đến việc hình thành phong cách tư duy. Tuy nhiên, phương pháp tư duy là yếu tố cốt lõi tạo nên phong cách tư duy. Do vậy, phong cách tư duy là tổng hòa của các yếu tố trên, phong cách tư duy vừa phụ thuộc vào các yếu tố trên, đồng thời cũng là biểu hiện của các yếu tố đó.
Trình độ tri thức đó là mức độ nông, sâu về sự hiểu biết, nắm bắt quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người, là  “những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng, tự nhiên hoặc xã hội”. Trình độ tri thức bao gồm: tri thức kinh nghiệm, tri thức lý luận, tri thức nghề nghiệp. Có tri thức làm cho hoạt động con người trở nên chủ động, tự giác, hạn chế tình trạng mò mẫm, tự phát. Chỉ khi nào con người đạt tới mức độ hiểu sâu sắc về bản chất, quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, thì khi đó mới có đủ cơ sở để nhận thức và hoạt động sáng tạo. Trình độ tri thức là cơ sở, nền tảng để con người đi sâu tìm hiểu khám phá tìm ra bản chất của đối tượng, là những nguồn thông tin đóng vai trò là yếu tố đầu vào cho tư duy, là nguyên liệu cho phương pháp tư duy vận hành. Nghĩa là những nguyên liệu đầu vào để chủ thể vận dụng nó nhằm tìm ra cách thức, con đường để khám phá, tìm ra bản chất và biện pháp cải tạo đối tượng. Thiếu yếu tố đầu vào này chủ thể sẽ không có những nguyên liệu cho quá trình tư duy diễn ra. Do đó, sẽ không có những nét riêng mang dấu ấn cá nhân làm cơ sở tạo nên phong cách tư duy.
Phương pháp tư duy là hệ thống những nguyên tắc điều chỉnh hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn của con người, xuất phát từ các quy luật vận động của khách thể mà con người đã nhận thức được (dưới dạng lý luận). Hay nói cách khác phương pháp tư duy là tri thức về cách thức, con đường để nhận thức và cải tạo đối tượng xuất phát từ chính bản thân đối tượng mà chủ thể tìm ra. Tri thức này có được là do khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát, tổng kết đánh giá về đối tượng và vận dụng những tri thức đã có một cách khoa học, để nghiên cứu tìm hiểu, khám phá đối tượng nhằm tìm ra tri thức mới về nó. Như vậy, việc vận dụng tri thức đã có vào khám phá tìm ra bản chất, cách thức con đường cải tạo đối tượng khác nhau sẽ tạo ra những phong cách khác nhau ở từng chủ thể. Do đó, cùng được trang bị một phương pháp tư duy như nhau, nhưng ở từng chủ thể khác nhau vận dụng phương pháp tư duy đó thế nào sẽ tạo ra những phong cách tư duy riêng gắn với chủ thể đó. Việc vận dụng phương pháp tư duy ấy thế nào, để tạo nên phong cách tư duy chính là năng lực tư duy. Nghĩa là, việc sử dụng phương pháp tư duy kết hợp với những tri thức đã có để “nhào nặn” khám phá, tác động vào đối tượng để tìm ra những tri thức mới về đối tượng ở từng chủ thể khác nhau sẽ tạo ra những phong cách khác nhau. Việc “nhào nặn” đó đạt đến mức độ cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực tư duy của chủ thể ấy.
Năng lực tư duy là khả năng đi sâu tìm hiểu bản chất các sự vật hiện tượng, giúp con người vạch ra những quy luật ẩn dấu đằng sau các sự vật hiện tượng để nắm bắt vận dụng trong quá trình thực tiễn. Hay nói cách khác năng lực tư duy còn là khả năng huy động những phẩm chất trí tuệ, tri thức, phương pháp tư duy khoa học đã có để khám phá đối tượng để tìm ra cách thức, tiếp cận, nghiên cứu đối tượng để từ đó tìm tri thức mới về đối tượng và cách thức cải tạo đối tượng. Việc huy động những phẩm chất cá nhân, tri thức, phương pháp tư duy đã có nhằm tìm ra tri thức mới về đối tượng mang những dấu ấn, sắc thái và mức độ hiệu quả ở từng chủ thể khác nhau sẽ khác nhau tùy thuộc vào năng lực tư duy của từng chủ thể. Chính điều này đã tạo nên những phong cách tư duy khác nhau ở từng chủ thể khác nhau. Như vậy, phong cách tư duy khoa học vừa phản ánh đồng thời vừa phụ thuộc vào năng lực tư duy của chủ thể.
Trải nghiệm thực tiễn là nền tảng để con người hiểu sâu sắc về tri thức đã có, là điều kiện để kiểm nghiệm tri thức về cách thức con đường, biện pháp để khám phá cải tạo đối tượng. Qua đó, bổ sung những tri thức mới về đối tượng và đúc rút kinh nghiệm và khái quát thành tri thức mới, dự báo xu hướng vận động của đối tượng muốn cải tạo trong thế giới hiện thực. Trải nghiệm thực tiễn còn là điều kiện, môi trường để chủ thể rèn luyện phương pháp tư duy, năng lực tư duy, tạo nên tính ổn định và từ đó tạo ra những sắc thái riêng trong cách thức tư duy của chủ thể. Bởi vậy, chủ thể có thể phản ứng mau lẹ, hiệu quả trong những tình huống tư duy, từ đó phong cách tư duy được hình thành và phát triển.
Trải nghiệm thực tiễn còn là nguồn gốc tạo ra cảm, xúc tình cảm. Cảm xúc, tình cảm vai trò to lớn trong hoạt động của con người nói chung hoạt động nhận thức nói riêng. Nó kích thích con người hứng thú, say mê tìm tòi sáng tạo, khám phá đối tượng, là động lực của mọi năng lực nói chung, phát triển năng lực tư duy nói riêng. Ý chí và bản lĩnh là một trong những phẩm chất quan trọng của con người, nói nên lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đạt được mục đích trong hoạt động nhận thức. Nhờ có ý chí, nghị lực mà chủ thể có quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đạt được mục đích của nhận thức, đồng thời nhờ có ý chí, nghị lực mà chủ thể vượt qua mọi trở ngại, tích cực trau đồi, rèn dũa công cụ nhận thức (phương pháp tư duy). Qua đó, rèn luyện cho mình phong cách tư duy khoa học.
Khí chất cá nhân hoặc là phẩm chất tâm sinh lý của mỗi cá nhân, là tổng hợp hữu cơ các yếu tố bẩm sinh, sự thông minh, linh hoạt, nhanh nhạy, năng khiếu, tính cách… Khí chất cá nhân là nền tảng vật chất tự nhiên của các yếu tố chủ quan, cái rất cần thiết cho sự hình thành phong cách tư duy. Chính yếu tố này làm cho mỗi cá nhân có tốc độ phát triển năng lực tư duy khác nhau. Khí chất cá nhân còn phản ánh cái riêng, cái độc đáo, cái phong phú, đa dạng trong cách tư duy của mỗi người, tạo cơ sở cho những đặc trưng khác nhau trong phong cách tư duy của mỗi cá nhân.
Như vậy, trong các yếu tố cấu thành phong cách tư duy, phương pháp tư duy là yếu tố cốt lõi nhất; tri thức khoa học là yếu tố đầu vào cho tư duy, là nguyên liệu cho phương pháp tư duy vận hành; năng lực tư duy phản ánh khả năng sử dụng phương pháp tư duy, vì vậy phong cách tư duy vừa phụ thuộc vừa phản ánh năng lực tư duy; khí chất cá nhân tạo ra những sắc thái riêng, những cái phong phú trong đặc trưng phong cách tư duy của các chủ thể khác nhau. Sự tương tác biện chứng giữa các yếu tố này là cơ sở để hình thành nên phong cách tư duy ở mỗi cá nhân. Tuy nhiên, phong cách tư duy không tự giác hình thành trên cơ sở các yếu tố đó, mà cần có sự tích cực học tập và rèn luyện của mỗi cá nhân.
4. Những vấn đề rút ra từ việc nghiên cứu phong cách tư duy
Phong cách tư duy khoa học có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng  và hiệu quả hoạt động thực tiễn, rất cần thiết phải xây dựng một phong cách tư duy khoa học cho mỗi cá nhân và lớp người trong xã hội. Từ quan niệm về phong cách tư duy, có thể rút ra một số vấn đề có tính chất phương pháp luận, nhằm xây dựng phong cách tư duy khoa học. Một là, không ngừng nâng cao trình độ tri thức khoa học toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là tri thức chuyên môn. Vì đây là yếu tố nền tảng của tư duy, là cơ sở để tư duy vận hành, là yếu tố ban đầu cho sự hình thành phong cách tư duy. Hai là, nắm vững, trau dồi và rèn luyện cách thức vận dụng phương pháp tư duy biện chứng duy vật vào thực tiễn một cách linh hoạt và sáng tạo. Vì phương pháp tư duy biện chứng duy vật là yếu tố cốt lõi cho việc hình thành phong cách tư duy khoa học, vận dụng thành thạo phương pháp tư duy biện chứng duy vật sẽ là yếu tố trực tiếp cho việc hình thành phong cách tư duy. Ba là, tạo môi trường thực tiễn nhằm kiểm nghiệm và rèn luyện phương pháp tư duy, hình thành nên phong cách tư duy khoa học.
5. Kết luận

Nói đến phong cách bao giờ cũng gắn với con người, với những chủ thể xác định, nó là những nét riêng, độc đáo, đặc sắc và mang tính ổn định đặc trưng cho chủ thể đó. Phong cách có quan hệ chặt chẽ với phương pháp, phong cách là nghệ thuật sử dụng phương pháp, là phương pháp đã được chủ thể hóa mang dấu ấn của chủ thể, phong cách còn là hình thức thể hiện của phương pháp. Phong cách tư duy được hình thành trên cơ sở phương pháp tư duy biện chứng duy vật, việc vận dụng phương pháp tư duy biện chứng duy vật ở các chủ thể khác nhau, với mức độ thành công và hiệu quả đến mức nào sẽ tạo ra những phong cách tư duy ở những chủ thể khác nhau. Để xây dựng phong cách tư duy khoa học cho mỗi cá nhân hay lớp người trong xã hội, cần trang bị những yếu tố cốt lõi cấu thành phong cách tư duy, đồng thời phải tăng cường rèn luyện cách thức vận dụng phương pháp tư duy biện chứng duy vật vào thực tiễn, để tạo ra tính ổn định và hiệu quả trong cách thức vận dụng ấy, từ đó phong cách tư duy mới được hình thành và phát triển.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến