Hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội về thực chất là sự bổ sung và làm phong phú, sâu sắc nội hàm những giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” ở một lớp người cụ thể là thanh niên quân đội trong thời kỳ mới. Tính quy luật phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội cho thấy đó là sự thống nhất giữa kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu, tích hợp có chọn lọc tinh hoa văn hóa hiện đại.
Mối tương tác giữa truyền thống và hiện đại là một trong những mối liên hệ cơ bản, đặc trưng của văn hóa, do đó mỗi giá trị trong hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội là sự kết nối nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Sự kết nối này được thực hiện qua sự sáng tạo của các chủ thể và định hình thành khuôn mẫu hệ giá trị văn hóa cho các thế hệ sau.
Truyền thống có mặt tích cực và tiêu cực. Những truyền thống tiêu cực không còn thích hợp với sự phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội thì loại bỏ. Những truyền thống đã được kết tinh thành giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị tinh hoa thì cần bảo tồn và phát huy trong phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội. Tinh hoa chính là những truyền thống có giá trị cao nhất, đại diện cho thời đại, có đóng góp cho dân tộc và nhân loại, được thử thách và thừa nhận rộng rãi. Các giá trị được chắt lọc và kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn và được trao truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước dân tộc ta đã xây dựng nền văn hóa giàu truyền thống và tiêu biểu của nhân loại. Chính nhờ có nền văn hóa này đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách và trường tồn đến ngày nay. Sức sống mãnh liệt và giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được kiểm nghiệm qua thăng trầm của lịch sử. Đúng như Trần Văn Giàu nhận xét: “Bị đô hộ hằng mấy thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn nhiều và có dân số đông hơn gấp bội, mà sau ngàn năm “ta vẫn là ta” hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn, mà chủ yếu nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chớ nếu lấy sức đọ sức, lấy số đọ số, thì dân Việt, nước Việt chỉ còn là đối tượng của khảo cổ học”([1]).
Thanh niên quân đội là những người thừa hưởng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Họ mang trong mình hồn cốt Việt Nam, cho dù những biểu hiện bề ngoài về văn hóa của họ có đa dạng đến đâu người ta vẫn có thể nhận ra họ là người Việt Nam. Giá trị văn hóa truyền thống là sức mạnh tinh thần to lớn, không thể xem thường trong phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội. Bởi một con người, một cộng đồng, một dân tộc muốn tiến lên trước hết phải biết mình đang có những gì, để đi đến tương lai tươi sáng người ta phải hướng về học hỏi quá khứ. Xét đến cùng thanh niên quân đội là người sáng tạo ra hệ giá trị văn hóa của họ, nhưng đối với mỗi con người, mỗi cộng đồng khi sinh ra họ đã được thừa hưởng toàn bộ gia tài văn hóa do thế hệ trước để lại. Với mỗi người Việt Nam giá trị văn hóa truyền thống còn là niềm tự hào sâu sắc về cuội nguồn của dân tộc mình, giúp mỗi người và tổ chức quân sự mở ra tầm nhìn rộng lớn, phát huy năng lực bản chất người trong hoạt động một cách hiệu quả nhất. Các giá trị văn hóa truyền thống cần kế thừa và phát huy ở đây không phải là mọi giá trị truyền thống nói chung mà phải là những cái tích cực có tính phổ biến, bền vững, có tác dụng to lớn hướng dẫn nhận thức và hành động của thanh niên quân đội, trực tiếp góp phần phát triển hệ giá trị văn hóa của họ. Các giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng giúp thanh niên quân đội lựa chọn những giá trị phù hợp với bản sắc dân tộc. Hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội về bản chất đã có sự khu biệt với các cộng đồng khác. Nó cần được làm tươi mới bởi chính các giá trị văn hóa truyền thống. Không có những giá trị này hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội sẽ mất điểm tựa gốc và không còn động lực cơ bản để phát triển.
Hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội chỉ có thể phát triển vững chắc khi kế thừa được kho tàng vô tận của văn hóa truyền thống. Đến hiện đại phải từ truyền thống, nhưng đó phải là truyền thống đã được biến đổi cho phù hợp với hiện tại. Do đó, chính những tinh hoa văn hóa nhân loại là môi trường mới, điều kiện mới, chất xúc tác mới cho sự kế thừa giá trị văn hóa truyền thống. Sự kế thừa này luôn bao hàm ý nghĩa của những bước hoàn thiện vượt lên phía trước. Do đó, sự kế thừa phải trên cơ sở lọc bỏ, vượt gộp giá trị văn hóa truyền thống để chắt lọc và tạo nên sức bật, bước nhảy vọt của hệ giá trị văn hóa ở giai đoạn hiện tại. Kế thừa và vượt gộp còn bảo đảm loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp trong phát triển phát triển hệ giá trị văn hóa, đặt giá trị văn hóa truyền thống vào đúng tọa độ của nó trong quá trình phát triển.
Giá trị văn hóa truyền thống là những yếu tố nội sinh để trên nền tảng đó thanh niên quân đội tiếp thu, tích hợp tinh hoa văn hóa nhân loại với tư cách là những yếu tố ngoại sinh. Giá trị văn hóa truyền thống là cái nền để tiếp thu, tích hợp giá trị văn hóa hiện đại. Bởi vì không phải giá trị văn hóa hiện đại nào cũng phù hợp với thanh niên quân đội, cái hay của người nhưng có thể không hay, không phù hợp với thanh niên quân đội. Xa rời giá trị văn hóa truyền thống, thanh niên quân đội sẽ mất gốc và mất động lực tiếp nhận giá trị văn hóa hiện đại. Đặc biệt, trước xu hướng sùng ngoại thái quá đến mức lai căng, kệch cỡm của nhiều người trẻ, thì giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là những giá trị đã kết tinh thành bản sắc là “bộ lọc tinh thần” hiệu quả để thanh niên quân đội phân biệt đúng – sai, thiện – ác, đẹp – xấu trong tiếp nhận giá trị văn hóa hiện đại.
Hơn nữa, mỗi yếu tố ngoại sinh chỉ có thể phát huy tác dụng khi nó được vận dụng phù hợp với bối cảnh, điều kiện cụ thể của từng dân tộc cũng như mỗi cộng đồng văn hóa. Trong đó nhân tố văn hóa bản địa chính là nền tảng, hệ điều tiết, bộ lọc, bệ phóng để cải biến các yếu tố ngoại sinh. Các nền văn hóa cũng luôn tiếp nhận, vay mượn của nhau. Song mỗi nền văn hóa có nét đặc thù riêng, khắc họa phương thức tồn tại và bản sắc của mỗi cộng đồng. Do đó, yếu tố dân tộc là cái quyết định nhất của một nền văn hóa, một cộng đồng văn hóa. Đối với phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội yếu tố giá trị văn hóa truyền thống cũng chính là giá trị gốc trong tiếp nhận các giá trị văn hóa khác.
Trong lịch sử ở tầm vĩ mô đã từng xuất hiện những quan điểm đề cao, tuyệt đối hóa truyền thống hay đoạn tuyệt với truyền thống. Thực tế đã chứng minh những quan điểm này đều là sai lầm. Trong đời sống văn hóa cũng như phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội cũng có thể xuất hiện những quan điểm cực đoan trên. Do vậy, cùng với sự bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cần phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi vì, không phải mọi giá trị trong hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội đều có thể tìm thấy ở truyền thống, nhiều giá trị mới trong hệ giá trị này là kết quả của những thành tựu văn minh nhân loại hiện nay. Đó là các giá trị như tự do, dân chủ, nhân quyền, cá nhân, bình đẳng giới, hội nhập, thị trường, cạnh tranh, thượng tôn pháp luật, tác phong công nghiệp, tinh thần sáng tạo, năng động…Các giá trị này đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thời đại và là cái còn đang thiếu hụt ở Việt Nam. Do đó, các giá trị này có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp xã hội và nhất là thanh niên trong đó có thanh niên quân đội. Theo Hồ Sĩ Quý thực chất của giá trị truyền thống nằm trong mối quan hệ giữa hiện tại với quá khứ, trong đó thể hiện con người hiện tại cần những gì ở quá khứ. Điều đó quy định giá trị của quá khứ, tức là truyền thống không có giá trị tự thân, mà chỉ có giá trị với hiện tại ([2]). Mỗi giá trị văn hóa truyền thống chỉ có thể tham gia vào quá trình phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội khi được tiếp thêm hơi thở hiện đại.
Chúng ta nhận thức được rằng chỉ có tiếp thu, tích hợp tinh hoa văn hóa nhân loại mới có sự phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội. Nhưng không phải cứ tiếp thu văn hóa nhân loại là đã có sự phát triển mà ở đây phải là sự tiếp thu có chọn lọc. Tức là coi tinh hoa văn hóa nhân loại là nguồn dinh dưỡng và chất kích thích mới để làm giàu thêm hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội. Đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng vẫn phải luôn giữ vững bản sắc dân tộc trong hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội và làm cho hệ giá trị này tiếp tục tỏa sáng. Trong lịch sử, dân tộc ta nhờ tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau đã làm cho văn hóa Việt Nam thêm đặc sắc. Nhưng điều đặc biệt là mỗi yếu tố văn hóa ngoại lai đều được Việt Nam hóa cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Chính sự tiếp thu sáng tạo, không máy móc đó đã làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú nhưng vẫn đậm chất dân tộc và khu biệt với văn hóa các nước khác. Sự tiếp thu, tích hợp tinh hoa văn hóa nhân loại trong phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội cũng phải tuân theo quá trình này. Do đó, chính những giá trị văn hóa truyền thống lại là bệ đỡ, cơ sở cho quá trình Việt hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, để những giá trị này tự “uốn mình” cho phù hợp với môi trường quân sự. Chỉ có như vậy, mỗi giá trị văn hóa ngoại lai mới trở thành hồn cốt trong hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội.
Trong bối cảnh hiện nay khi các giá trị văn hóa nước ngoài, nhất là của phương Tây đang có sức hấp dẫn lớn, thì bên cạnh đó lối sống hưởng thụ, tiêu dùng, sùng bái đồng tiền cũng đang len lỏi vào mọi ngõ ngách trong đời sống ở nước ta. Đối với thanh niên, thanh niên quân đội ảnh hưởng bởi những phản giá trị từ quá trình này càng rõ nét và dễ có nguy cơ trượt ngã nhất. Phải nhấn mạnh rằng nhiều giá trị văn hóa ngoại lai phù hợp với họ nhưng không phù hợp hoặc chỉ phù hợp một phần với văn hóa thanh niên quân đội nên trong tiếp nhận cần được xử lý thấu đáo. Đồng thời phải chặn đứng tâm lý sùng ngoại, coi trọng đồng tiền, giá trị vật chất, tâm lý hưởng thụ một cách thái quá, coi rẻ tình cảm gắn kết cộng đồng, coi thường những giá trị truyền thống.
Trong tiếp thu văn hóa nhân loại cần chống cả hai khuynh hướng tự ti và tự kiêu trong giao lưu văn hóa. Với thái độ tự ti chúng ta sẽ choáng ngợp trước những cái gọi là tân kỳ của văn hóa ngoại lai dẫn đến sao chép, rập khuôn máy móc văn hóa của nước khác và không phải cái gì mới lạ đều có ích với văn hóa Việt Nam. Ngược lại thái độ tự kiêu sẽ dẫn đến coi thường, phủ nhận những giá trị đích thực của các nền văn hóa khác. Tiếp thu ở lĩnh vực văn hóa không giống như tiếp thu trong lĩnh vực sản xuất vật chất. Ở sản xuất vật chất người ta có thể bắt chước y nguyên bản gốc và sử dụng dây truyền công nghiệp để tái bản hàng loạt sản phẩm như nhau. Nhưng ở lĩnh vực văn hóa mọi sự bắt chước, mô phỏng giá trị ban đầu đều là thất bại, sản phẩm trở thành bản sao mờ nhạt, cái bóng của người khác. Tiếp nhận tinh hoa văn hóa thời đại là yêu cầu tất yếu trong phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội. Thách thức của quá trình này là làm thế nào vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại mà không đánh mất bản sắc dân tộc của văn hóa, không bị hòa tan về văn hóa, trở thành bóng mờ của chính mình. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại luôn phải là sự chọn lọc có sáng tạo và chỉ có đứng vững trên nền các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống mới không bị mất gốc và mất phương hướng.
Như vậy, hai quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu, tích hợp có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại tưởng như trái ngược nhau nhưng thực chất chúng là hai mặt của một quá trình thống nhất trong sự phát triển hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội. Nếu chỉ nhấn mạnh yếu tố truyền thống dẫn đến tuyệt đối hóa sẽ dẫn đến hình thành một hệ giá trị văn hóa của thanh niên quân đội trì trệ, thủ cựu, ít đổi mới, kém năng động, sáng tạo. Ngược lại, tuyệt đối hóa yếu tố hiện đại sẽ làm cho sự phát triển hệ giá trị văn hóa thiếu bền vững, lai căng, mất gốc, thiếu cơ sở để tồn tại từ chiều sâu của truyền thống. Chỉ có đứng trên vai những người khổng lồ thanh niên quân đội mới trở nên khổng lồ hơn, hệ giá trị văn hóa mới hội tụ đầy đủ tinh hoa để tỏa sáng và làm động lực cho sự hoàn thiện nhân cách của họ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến