RA "BIỂN LỚN", ĐỪNG QUÊN "AO NHÀ"

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong năm 2019, nhóm hàng tiêu dùng nhập khẩu ước tính đạt giá trị 22,3 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước-tốc độ tăng cao nhất trong số các nhóm hàng nhập khẩu. Điều đó cho thấy, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đang ngày càng cao ở thị trường Việt Nam.
Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng tuyển chọn và dành những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, mẫu mã đẹp nhất để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp nước ngoài lại đang chinh phục người tiêu dùng ở chính thị trường Việt Nam-ngay cả những mặt hàng đang được coi là thế mạnh của Việt Nam; điển hình là gạo.
Chiến lược của các doanh nghiệp nước ngoài không phải là không có lý, bởi Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đông dân nhất thế giới, lại có tỷ lệ người thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng cao. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2010-2016, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam gia tăng mạnh mẽ từ 7,7% dân số trong năm 2010 lên thành 13,3% dân số trong năm 2016. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn này, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có thêm 1,5 triệu người. Tới năm 2018, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 16,3% tổng dân số Việt Nam. Bởi vậy, việc giành được thị phần tại thị trường Việt Nam đồng nghĩa với việc lượng khách hàng thực tế và khách hàng tiềm năng cũng ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Đã đến lúc, các doanh nghiệp Việt Nam cần dành sự quan tâm thích đáng hơn nữa tới thị trường trong nước bằng việc sản xuất và cung ứng sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp phục vụ nhu cầu của nhóm khách hàng có thu nhập cao. Chinh phục và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng trong nước là hướng phát triển bền vững nhất trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn đang tiếp diễn và bất kỳ nước nào cũng luôn tìm cách bảo hộ cao nhất để thúc đẩy phát triển nền sản xuất nội địa. Làm được điều đó, các doanh nghiệp cũng đã góp phần tích cực vào việc giảm nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được, qua đó tăng tỷ lệ xuất siêu để dành nguồn ngoại tệ quý giá cho việc nhập khẩu tư liệu sản xuất, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại bổ khuyết cho nền kinh tế.
Tất nhiên, việc “bao sân” toàn bộ thị trường nội địa là điều không thể với bất kỳ doanh nghiệp nào, rộng hơn là với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng việc để doanh nghiệp ngoại “lấn sân” quá mạnh trên “sân nhà” cũng là một trong những biểu hiện năng lực cạnh tranh yếu kém hơn của doanh nghiệp nội.
Ra biển lớn thì mới bắt được cá lớn, sắm được tàu to, nhưng cũng đừng để người ngoài chiếm hết ao nhà. Đừng để đến khi biển động mạnh mới thấy được giá trị của ao nhà…
QĐND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến