QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM THỰC HIỆN TỐT CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ THAM GIA SẢN XUẤT, XÂY DỰNG KINH TẾ TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC


Với bản chất của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, Quân đội đã chuyển 28 vạn cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Tích cực tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế – xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là sự nối tiếp, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc “ngụ binh ư nông”, “tịnh vi nông, động vi binh” trong thời đại mới.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược và đường lối của Đảng ban hành nhiều nghị quyết, văn bản, quy phạm pháp luật, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đặc biệt, Nghị quyết số 71/ĐUQSTW ngày 25 tháng 4 năm 2002 về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới – tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”. Nghị quyết số 520/QUTW ngày 25 tháng 9 năm 2012 về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”. Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế Quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế với những hình thức, biện pháp phù hợp theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
Những thành tựu nổi bật về tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong thời kỳ đổi mới của Quân đội như phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo… Tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vai trò của Đoàn kinh tế quốc phòng 379 (Quân khu 2) được thể hiện rõ nét trong công tác tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị; phối hợp với địa phương trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng rừng, phát triển cây cao su, xóa mù chữ, chống tái trồng cây thuộc phiện, khám chữa bệnh…
Các doanh nghiệp quân đội đã không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Đến nay, các doanh nghiệp quân đội đã và đang khẳng định rõ vị thế trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội…
Những kết quả đạt được trên các mặt, các lĩnh vực trên đây đã chỉ rõ, Quân đội là một nguồn lực của đất nước trong phát triển kinh tế – xã hội, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Quân đội là lực lượng nòng cốt trong giải quyết những vấn đề khó khăn về quốc phòng, an ninh ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, vùng biển đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến