Lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại, người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người là vị cha già dân tộc, một Bác Hồ nhân đức, hiền từ, giản dị, thân dân, trọng dân, gần dân. Ra đi về thế giới những người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch sử dân tộc mà còn để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường, ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một người công dân tốt hơn.
1. Người là muôn vàn tình thuơng yêu
      Trải qua quá trình 10 năm tìm tòi, khảo nghiệm, năm 1920 khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đây con đường giải phóng dân tộc, tìm thấy cái cẩm nang để giải phóng triệt để con người. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi theo Người, tình yêu thương con người không thể chung chung, trừu tượng, mà thiết thực, cụ thể, trước hết dành cho người mất nước, người cùng khổ. Chính vì vậy, Người đã nguyện dành cả cuộc đời mình để lo giải phóng cho dân tộc, đấu tranh cho con người thoát khỏi áp bức, bất công: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.
     Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó”.
     Mục tiêu giành độc lập, thống nhất của Tổ quốc không thể tách rời với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh tâm niệm: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng  hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người đã nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Để làm được điều đó, Người đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và giặc dốt. Thương nhân dân đời sống khó khăn, Người nhắc nhở nhiệm vụ thường xuyên là xóa đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh.
     Đặc biệt, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân, có thiên chức lãnh đạo cách mạng vì mục đích phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất của mình, thì Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung”3. Dẫn ra hai câu thơ của đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn:
      “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,
     Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”.
     mà Người tạm dịch là:
    “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
     Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.
     Người đã kết luận: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”4. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải có thái độ yêu kính nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, học hỏi quần chúng, thật thà, ngay thẳng, không giấu dốt, giấu khuyết điểm, giấu sai lầm; khiêm tốn, gần gũi quần chúng; không được kiêu ngạo, phải thực sự cầu thị, không được chủ quan; kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù uy tín rất cao, có khả năng thu hút, tập hợp quần chúng rất lớn, được toàn dân suy tôn là “Cha già của dân tộc” nhưng không bao giờ Người xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Đó là tư cách của vị lãnh tụ Đảng cầm quyền trong giai đoạn nhân dân giữ vai trò làm chủ đất nước, xây dựng một xã hội mới. Nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân.
     Nhà Thơ Tố Hữu đã từng viết:
    Bác ơi, tim Bác mông mênh mông thế,
    Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
    Trái tim, khối óc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nghĩ về việc nước, về phong trào cách mạng ở năm châu, bốn bể mà còn hằng lo cả đến bếp ăn của bộ đội, nhà tắm cho nông dân, nơi an dưỡng của người già, trại trẻ cho các cháu nhỏ... Biết bao câu chuyện thường ngày đã nói lên tình thương yêu con người, sự quan tâm rất cặn kẽ, tỉ mỉ của Người đối với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ. Làm phụ bếp bên Anh, khi rửa bát đĩa, Bác để riêng những thức ăn thừa còn lại, gói vào một gói, khi về mang ra cho những người nghèo khổ ăn xin ngoài đường. Dự tiệc chiêu đãi ở Pari, ra về Bác dành quả táo cho em nhỏ. Giữa cánh đồng khô nóng Ấn Độ, những giọt nước mắt cảm thông của Người đã rơi trên vai ông lão nông dân áo quần rách nát. Mùa hè đến, mồ hôi thấm áo, Người nghĩ đến những chiến sĩ phòng không trên trận địa nóng bỏng. Đi công tác ở nước ngoài được biết có loại cây lá xanh quanh năm không rụng lá, Người nghĩ tới chị lao công đêm đêm vất vả quét lá nên tìm cách đưa loại cây ấy về nước. Đưa anh hùng Trần Thị Lý đi thăm vườn Phủ Chủ tịch, Bác không đưa chị đi trên những con đường sỏi vì Bác biết chân chị dẫm trên sỏi thì ảnh hưởng vết thương trên đầu. Vào các dịp lễ Tết điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam. Bác bảo: “Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”. Vậy là Bác đi, khi Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng... Trái tim Bác là vậy, trải đều tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, già trẻ, gái trai ở cả hai miền Nam - Bắc nước ta và cả đến kiều bào ngoài nước. Bởi vì Bác quan niệm rằng: Yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác. Đối với Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau.
     Ngay cả với những người lầm đường, lạc lối hay phạm sai lầm, lòng thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng thành lòng khoan dung. Người nói: ''Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài.Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ''. Người kêu gọi nhân dân ''khoan hồng đại độ'' đối với những ai tham gia ngụy quân, ngụy quyền và căn dặn cán bộ nên ''đối đãi nhân đạo với các tù binh'' để ''cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước''. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, khi đi thăm trại tù binh, Bác đóng giả một cụ già nông dân và Người cũng lại cởi tấm áo ngoài của mình cho một đại úy thầy thuốc.
      Tư tưởng yêu thương con người được Hồ Chí Minh nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Khi nằm trên giường bệnh trong những ngày Người đau nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cập một lời nào về diễn biến sức khỏe của mình. Những giây phút cuối cùng đó, Bác còn nghĩ đến miền Nam, đến hạnh phúc và niềm vui của đồng bào miền Bắc. Người hỏi: ''Trong Nam, mấy hôm nay đánh thế nào?''; Người hỏi: ''Quốc khánh năm nay, có đốt pháo hoa cho đồng bào vui không?''. Và trong bản Di chúc, khi để lại ''muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng'', và ''gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế'', Người vẫn ân cần nhắc nhở toàn Đảng phải tiếp tục chăm lo cho con người. Trước hết, là những người đã hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, là cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, thanh niên phụ nữ... lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai. Ngay cả ''với những nạn nhân của chế độ cũ như: trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện''.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến