BẢN ANH HÙNG CA “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”

47 năm về trước, quân và dân miền Bắc đã đoàn kết anh dũng chiến đấu trong 12 ngày đêm khói lửa, đánh bại cuộc tập kích bằng đường không của đế quốc Mỹ, góp phần viết nên bản anh hùng ca “Điện Biên Phủ trên không” gây chấn động thế giới, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris.
Năm 1972, sau những thất bại liên tiếp của ngụy quyền Sài Gòn và sự thắng thế của QĐND Việt Nam tại chiến trường miền Nam, đã làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Nhằm giữ thể diện của một siêu cường quân sự và để rút quân trong danh dự, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến dịch mang mật danh Linebacker II với ý định "đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá", nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam.
Với kinh nghiệm chính trị dày dạn, cùng với tầm nhìn xa của một nhà chiến lược tài tình, ngay từ năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài (lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam): “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Với ý định “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã huy động 197 máy bay ném bom hạng nặng B-52, loại máy bay ném bom tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ. B-52 được mệnh danh là “pháo đài bay” vì có kích thước khổng lồ, mỗi chiếc B-52 có thể mang hơn 30 tấn bom. Ngoài ra, để hỗ trợ cho máy bay B-52, quân đội Mỹ cũng đã huy động hơn 1.000 máy bay chiến thuật, 6 tàu sân bay cùng nhiều tàu khu trục, tàu tên lửa.
Nhận định trước ý đồ dùng máy bay ném bom miền Bắc của địch, đầu tháng 12-1972, hơn nửa triệu người dân Hà Nội (chiếm hơn 50% dân số Hà Nội lúc đó) đã được tổ chức sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận để tránh thương vong. Nhờ làm tốt chủ trương này nên Hà Nội đã giảm thiểu được nhiều thương vong về người trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ.
Sáng 18-12-1972, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam điện cho các đơn vị với nội dung: Cần đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa, radar, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu kịp thời đánh trả máy bay địch. Đồng thời, tổ chức quan sát, báo động, có kế hoạch sơ tán dân, đào hầm hào, phối hợp với Công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản. Đến 16 giờ 30 phút, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam thông báo cho Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân khu Thủ đô sẽ có đợt hoạt động lớn của máy bay chiến lược B-52 trên bầu trời miền Bắc.
19 giờ 20 phút, ngày 18-12, những tốp B-52 xuất kích từ các căn cứ quân sự ở đảo Guam và Thái Lan hướng đến Hà Nội, dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội). Dù máy bay địch được trang bị hệ thống gây nhiễu hiện đại, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo từ trước, các đơn vị phòng không của ta đã tìm ra cách dò dấu vết B-52 trong dải nhiễu, bắn các máy bay B-52 theo xác suất và đã thành công vượt xa mức trông đợi.
Đúng 19 giờ 44 phút, tên lửa của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn tên lửa 257 được phóng lên, báo hiệu cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ Hà Nội 12 ngày đêm đã bắt đầu. Đến 20 giờ 18 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 phóng 2 quả tên lửa từ cự ly thích hợp. Chiếc B-52 có mật danh Charcoal 1 bị bắn hạ khi đã tới gần mục tiêu rải bom, 3 trong số 6 phi công tử trận. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Việc bắn rơi máy bay hiện đại nhất thế giới là nguồn động viên khích lệ rất lớn quân dân Thủ đô nói riêng, quân dân miền Bắc nói chung trong cuộc chiến đấu ác liệt này.
Những ngày sau đó, từ tối 18 đến đêm 29-12, đế quốc Mỹ đã huy động hơn 700 lượt máy bay B-52 và gần 4.000 lượt máy bay chiến thuật rải thảm hơn 20.000 tấn bom xuống miền Bắc, tàn phá tan hoang nhiều khu phố, làng mạc, làm 2.368 dân thường thiệt mạng và 1.355 người bị thương. Tuy nhiên, cuộc tấn công đã không khuất phục được ý chí và quyết tâm của quân và dân ta. Trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 (riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B-52), 5 máy bay F-111, 42 máy bay chiến thuật các loại, tiêu diệt và bắt sống gần 100 phi công địch.
Đó là những tổn thất nặng nề đối với đế quốc Mỹ, đánh dấu cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số khu vực ở miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vào 7 giờ, ngày 30-12, đồng thời đề nghị mở lại bàn đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam.
Sự thảm bại của Không quân Mỹ trong chiến dịch Linebacker II đã trở thành đòn tâm lý nặng nề cho giới quân sự Mỹ. Đây là chiến dịch mà phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình thể hiện một trình độ khoa học công nghệ vượt trội để chống lại sở đoản của đối phương, một cuộc chiến mà đối phương sẽ không thể sử dụng yếu tố “du kích”, phía Mỹ thách đấu, được quyền lựa chọn vũ khí và đã thất bại.
Thắng lợi trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam về mọi mặt sau 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng thời, đánh dấu một mốc son chói lọi, hào hùng của quân và dân ta, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, qua đó buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến