CHÙM HOA DẠI TRƯỜNG SƠN


12 NGÀY ĐÊM B52

Một nhánh đường Trường Sơn bắt đầu từ bến phà Long Đại (Quảng Bình) nhưng riêng tôi, nó bắt đầu từ khi tôi được triệu tập về Hà Nội để học lớp đặc biệt ở ngoại thành về tình hình và nhiệm vụ ở Sài Gòn. Lớp học rất bí mật, được che chắn để không ai biết cả.

Chiều tối chủ nhật, ngày 20-12-1972 ngày mà trước đó ngoại trưởng Kissinger vừa có mặt ở Hà Nội kia mà. Nhưng rồi những loạt bom B52 làm tôi hết phân vân. Lớp học tạm thời giải tán, tôi trở về nhà ở phố Hàng Bài và chỉ còn cách trú vào hầm nhà.
12 ngày đêm B52 rùng rợn, Hà Nội rực sáng đạn pháo và tên lửa. Khi địch đánh vào Khâm Thiên thì cái đèn dầu trong hầm chao đảo, lắc lư. Khi đánh vào sứ quán Pháp thì tôi cũng đang ở cách đó chỉ chừng vài trăm mét. Sở dĩ tôi còn ở Hà Nội là vì vợ tôi là phát thanh viên Lan Hương phải đảm bảo tiếng nói Việt Nam luôn phát sóng. Tối nào cũng vậy, Lan Hương phải làm nhiệm vụ đến khuya mới về. Mỗi lần tiễn vợ đi làm trong cảnh Hà Nội tối đen, tôi không biết tối nay có còn gặp lại được không. Tôi luôn cố xua đuổi hình ảnh này. Tôi phải nằm ngủ trong hầm mà buộc vào chân sợi dây dài ra cửa để vợ về thì kéo dây, vì đâu có điện mà bấm chuông.

12 ngày đêm trôi qua, hòa bình được lập lại. Không ai bắt tôi kiểm điểm về ý nghĩ mơ hồ đối với giặc. Mấy năm trước đó Trung ương luôn nhắc phải cảnh giác với B52 thì tôi vẫn không tin lắm. Vì Mỹ làm sao coi thường được dư luận quốc tế, làm sao dám ném bom đê điều… nhưng nay thì sự thật rành rành, làm tôi hổ thẹn về sự suy nghĩ nông cạn của mình. Nếu suy nghĩ như mình thì hôm nay thua rồi. Cho nên tôi trở lại lớp học với một sự tin tưởng được củng cố. Để rồi ngày 02-05-1973 tôi lên đường vào Trường Sơn bằng xe hơi.

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN ĐI CHỖ NÀO

Vì nhiệm vụ phải đi gấp, tôi được đi nhờ xe của Đoàn văn công giải phóng do nhạc sĩ Xuân hồng làm trưởng đoàn.

Thật là một ưu đãi đặc biệt. Nhờ đi với đoàn văn công nên đến trạm giao liên nào cũng có sự đón tiếp khác thường, vì thế đêm nào đoàn văn công cũng có vài tiết mục phục vụ. Nhạc sĩ Xuân Hồng lại rất ham săn bắn nên đến đêm thì đem đèn đi săn, nhờ đó mà khi có con nai, con trúc thì anh em được cải thiện nhiều.
Một hôm, dừng lại ở một đoàn công binh. Cũng có hội trường khá rộng, tất nhiên bằng tranh tre, nứa lá nhưng cũng là một kiến trúc giữa rừng Trường Sơn.

Trong hội trường có bức màn trắng lớn trên sân khấu. Khi đồng chí chỉ huy trình bày sơ bộ về tình hình chiến đấu thì đồng chí chuẩn bị kéo bức màn trắng ra để giới thiệu con đường Trường Sơn huyền thoại.

Tôi hồi hộp nhất.

Bức màn từ từ kéo qua, bản đồ dần dần xuất hiện. Ồ! Không phải chỉ là một con đường mà là một mạng nhện đường để thực hiện phương châm đánh đường này ta đi đường khác, cho nên chỗ nào cũng có đường, đường ngang, đường dọc chằng chịt, đường cho xe cơ giới, đường cho đi bộ, đường cho vận chuyển, tiếp tế. Cho nên bọn Mỹ thừa biết những con đường Trường Sơn ở chỗ nào, nhưng làm sao phá được sự sáng tạo và dũng cảm của bao nhiêu chiến sĩ.

Thế là thắc mắc nơi tôi tan biến. Nay thì còn công bố có đường Trường Sơn trên biển nữa. Trên biển thì còn gian nan hơn nhiều nhưng có ai mà biết ta vượt biển mênh mông bằng đường nào?
Từ lâu tôi cứ cho rằng Việt Nam ta ít hay không có công trình vĩ đại để đời như Ăng-co, như Kim Tự Tháp nhưng bây giờ tự nghĩ lại với sức lực, mưu trí, dũng cảm của hàng vạn chiến sĩ Trường Sơn xây dựng một mạng lưới vận chuyển hiện hữu dưới mưa đạn ác liệt nhất của kẻ thù thì thật xứng đáng là một công trình để đời. Chỉ tiếc thay, sau chiến tranh, Trường Sơn tự trở về với núi đồi, rừng xanh bạt ngàn. Chỉ còn lại những nghĩa trang rải dọc Trường Sơn với tên tuổi và rất nhiều chiến sĩ vô danh đã nằm xuống với quê hương ở khắp mọi miền đất nước. Có công trình nào trải rộng dài theo đất nước như thế. Xứng đáng với lời hiệu triệu và tiên tri: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.
Thật là một công trình vĩ đại: Đường Hồ Chí Minh lại thể hiện trở lại là con đường tương lai của Việt Nam.

ÁNH MẮT

Một hôm, xe dừng lại ở dọc đường, nghe có đoàn văn công đến, các chiến sĩ ùa ra tíu tít hỏi thăm: có ai quê ở tỉnh X, xã Y, thôn Z… Khi nghe được giọng nữ nhẹ nhàng giải đáp, trò chuyện thì các chiến sĩ càng ùa tới. Ngồi tận cùng trong xe, tôi nhìn ra sau, thật là một cảnh tượng hiếm thấy: các chiến sĩ chen lấn nhau để được bắt tay, nghe một giọng nữ, thấy một dáng đẹp vì không biết từ bao lâu rồi các anh đã làm nhiệm vụ ở một trạm nào đó heo hút giữa rừng Trường Sơn, có khi chỉ một hai người nam giới làm bạn.

Tôi nhìn các anh chiến sĩ, dưới vành mũ tai bèo, nước da xám xịt vì sốt rét, hai cánh tay rạm nắng. Thật không còn ra đâu là hình người. Nhưng lạ thay vẫn còn đôi mắt sáng lung linh, rực cháy sự sống, ánh lên khát vọng của những con người… và đôi khi kèm theo vài giọt nước mắt. Tôi mới cảm nhận đó là ánh mắt Trường Sơn, ánh mắt chịu đựng hi sinh gian khổ, tràn đầy hi vọng ở ngày mai chiến thắng.

Tôi tần ngần trước những ánh mắt Trường Sơn nhưng rồi cũng phải chia tay. Nhưng cái vẫy gọi và hình như núi rừng vẫn vọng lại, khuyếch đại lên. Các chiến sĩ trở lại với nhiệm vụ của mình, heo hút giữ núi rừng, chỉ còn làm bạn với những kỷ niệm vừa thoáng qua.

Chúng tôi tiếp tục đi, nhưng lạ thay suốt dọc đường Trường Sơn ánh mắt đó vẫn theo đuổi tôi, là một kỷ niệm, một ánh mắt còn theo tôi suốt chặng đường Trường Sơn và cả đến bây giờ. Ánh mắt của các chiến sĩ Trường Sơn sao mà sâu sắc, sáng ngời đến thế.

ĐỊNH NGHĨA

Tuy đi chỉ mới biết qua một ít về Trường Sơn nhưng nó đã để lại trong lòng mỗi người những ấn tượng sâu sắc. Những con đường cheo leo sườn núi, vượt thác ghềnh chỉ với hai bàn tay và cái xẻng, bị bắn phá liên tục mà các chiến sĩ Trường Sơn đã luôn thông xe. Có đoạn đường tôi gọi là trải thảm gỗ liên tục để chống lầy, lại có cả dàn cây bên trên để ngụy trang. Tôi cứ cho đấy là những dàn Pergola sang trọng của các biệt thự ở thành phố. Đi được Trường Sơn tôi mới cảm thấy ở đây, chắc chỉ ở đây thôi, mọi việc, mọi thứ đều có một định nghĩa sâu sắc nhất.
Nói đến xe xóc thì chỉ có ở Trường Sơn này mới cảm nhận đầy đủ nhất cái xóc là thế nào. Xóc ngang, xóc dọc, xóc tới, xóc lui, xóc đụng đầu, xóc ê mình. Lái xe chỉ cần tuyên bố trước khi đi: Tôi phải hoàn thành công đoạn này đúng tiến độ, xe có chạy nhanh và xóc xin các đồng chí thông cảm. Thế là xe cứ thẳng tiến trên đường núi rừng. Xe sa lầy, lún cả bánh xe, có xe Zin ba cầu kéo mà chưa chắc được, rồi bụi, các xe chạy trên đường đất đỏ tung bụi mù mịt, phải bật đèn pha lên chạy giữa nắng chói Trường Sơn. Có lần ở Luân Đôn (Anh) tôi mới thấy có sương mù dày đặc như thế này.

Tôi có một phương pháp tự khắc phục khó khăn như thế này: thí dụ như đi Trường Sơn thì phải chịu đựng qua bao nhiêu ngàn cái xóc điếng người mới tới nơi, nhưng nếu đã chịu đựng qua bao nhiêu ngàn cái xóc thì coi như đã gần đến đích bấy nhiêu. Cho nên tôi sẵn sàng chịu xóc và còn khuyến khích được xóc, cứ xóc đi để mau đến đích. Đấy là cách chịu dựng lạc quan của tôi. Biến khó khăn thành dễ, biến nặng thành nhẹ.

Rồi khái niệm nặng – nhẹ. Có vác cái bòng (ba lô) đi bộ hàng ngày trên đồi núi hoang vu thì cảm nhận được sự nặng nhẹ. Rồi mỗi ngày qua phải tính toán lại sức chịu đựng thực tế của bản thân mình để rồi ngày mai lại phải thử thách. Bỏ cái gì để vác cái gì phải trải qua một sự tính toán chu đáo. Nhưng kết quả là phải bỏ lại, vứt lại, tất nhiên là những vật mà ngày nào nhẹ tựa lông hồng, hôm nay lại nặng như hòn đá, cục sắt. Đến mức xén bỏ cả hai cái túi ba lô, rồi đến cả những tấm ảnh kỷ niệm mà có người đã tâm sự với tôi là đành vứt bỏ.

Rồi mọi việc, mọi hành động đều có ý nghĩa sâu sắc nhất ở chốn núi rừng này. Chịu đựng, gian khổ, hy sinh, vinh quang, anh dũng, kể cả hèn nhát, phản bội đều có định nghĩa sâu sắc nhất mà không đâu có được từ nhận thức, tình cảm đến cái cụ thể. Xe xóc, xe sa lầy thì chỉ có ở đây mới cảm nhận xóc đến tận mây và sa lầy cũng đến gần địa ngục. Cũng ngay như nặng nhẹ, lâu mau, chậm nhanh,… không thể xem xét như trong đời thường mà có thể rơi vào những tình huống khá cực đoan ở núi rừng này.

Ai cũng biết bọn địch ra sức xuyên tạc về sự gian khổ, tiêu cực, chết chóc trên đường Trường Sơn. Chúng tung ra bài “Xương trắng Trường Sơn” của NGuyễn Vũ để bôi nhọ. Nhưng qua trải nghiệm ở Trường Sơn, tuy ít thôi, tôi mới nhận thấy cuộc đời như một hình sin lượng giác mà ta học: đỉnh hình sin cao thì làm sao không có đáy thấp, mà càng cao thì đáy càng thấp cũng là đương nhiên, không có gì là lạ. Con người mà. Tôi lên võng ngủ mới lén lấy gói lương khô ăn một mình có phải là bắt đầu xuống dốc hình sin chăng? Từ đó tôi mới suy ra là nghệ thuật hoàn mỹ phải phơi bày cái đẹp, cái hay kể cả cái dở. Đúng như thực tế, nếu chỉ có một chiều là phiến diện. Chỉ có thế thôi, không cần phải phê phán nhiều. Cuộc đời còn nhiều đỉnh cao anh hùng và lịch sử cũng sẽ quên lãng những gì miêu tả không đúng thực tế, lịch sử luôn công bằng.

SAU VUA

Sao lại có vua trong ký ức Trường Sơn? Vua thật đấy! Vua đi đường Trường Sơn thì cũng phải ra vua chứ? Vua ở đây là Xihanuc. Cũng phải trải thảm cho vua đi chứ.

Chúng tôi đi sau vua nên cũng nhận thấy được ít hương vị mà Trường Sơn phục vụ vua. Các chiến sĩ Trường Sơn rất tài tình với bàn tay khéo léo của mình đã xây nên những căn nhà xinh xắn như những biết thự, tuy vẫn là tranh tre, nứa lá nhưng những bức tường đều đan theo hoa văn nghệ thuật, trên bàn là hoa lan rừng đa sắc. Đến cả nơi vệ sinh cũng có chậu ngồi đàng hoàng, chứ làm sao bắt vua phải ngồi chồm hỗm như ta được. Rồi con đường xuống suối cũng có từng bậc thang, thanh vịn bằng tre thật thú vị. Tôi cảm nhận được sự khéo léo của những con người tuy dày dạn với đạn bom mà trí óc vẫn đầy khát vọng nghệ thuật.

“LOGISTISC” TRƯỜNG SƠN

Hòa bình được lập lại hơn mười năm nhưng tình hình kinh tế không khả quan lắm. Đó là lúc phải ăn bo bo. Tôi bộc bạch với một anh kỹ sư cũng ở Pháp về “Sao Việt Nam quản lý kinh tế kém vậy?” thì anh bạn phản bác ngay: “Sao kém được. Với đường Hồ Chí Minh thì “logistics” của Việt nam phải là thành tựu số một thế giới, cho nên cũng sẽ tìm ra cách quản lý thành công”.

Logistics là môn hậu cần với ý nghĩa bao quát và hiện đại. Tôi phải đồng ý vì giải quyết hậu cần qua một con đường dài mấy ngàn cây số, toàn rừng núi, bị đánh phá ác liệt, bị hàng rào điện tử chắn ngang, bom mìn đầy rẫy, máy bay luôn quần đảo, chưa nói sốt rét hoành hành mà vẫn vận chuyển bao nhiêu bộ đội, đạn dược, xe pháo, lương thực kể cả xăng dầu đảm bảo bao nhiêu năm chiến đấu dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc.

Và nhất là sau khi Bác mất, Nixon cho là thời cơ đã đến, dốc toàn lực ra đánh phá đường Trường Sơn. Chúng đánh phá tan tác nhưng rồi từ tham mưu đến các chiến sĩ đã giải được bài toán hóc búa nhất trên chiến trường và lực lượng, kể cả xăng dầu đã kịp sẵn sàng cho ngày giải phóng.

Bài toán Logistisc này quả thật không đơn giản chút nào mà trí tuệ Việt Nam đã giải được. Hiện nay, bài toán tuy có đầu đề khác nhưng với kinh nghiệm Trường Sơn cũng đã tìm ra giải pháp đổi mới thành công. Mà rồi lại cứ đứng trước thử thách mới thì Việt Nam cũng sẽ tìm ra lời giải đáp thích hợp, nếu vẫn biết rút kinh nghiệm trước đây.

ĐẤT VÀ NƯỚC

Cả vạn người khắp đất nước đã xẻ dọc Trường Sơn, nam nữ, đủ các ngành nghề, đủ các tầng lớp, sống và chiến đấu khắp nơi từ đèo cao, sông, suối, làng, bản đến những nơi mà không ai biết đến, lùng sục khắp nơi từ cái hang ẩn nấp, một cánh rừng làm lán trại, một điểm cao quan sát… Cho nên không thể nói không còn nơi nào trên một phần đất nước đèo heo hút gió này, không có người sống và chiến đấu. Cho nên không ai có thể tự hào rằng mình biết đất nước mình một cách cặn kẽ từng mảnh đất hoang vu heo hút, từng khe suối đầu nguồn, từng đỉnh đèo cheo leo.

Có dân tộc nào biết địa lý nước mình một cách đầy đủ và trọn vẹn đến thế và nhất là thưởng thức vẻ đẹp tiềm ẩn hoang sơ đến thế, nhưng điều đáng nhớ là trên mảnh đất vô danh ấy bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống, đã nằm ngay tại chỗ đáng ghi nhớ ấy. Họ nằm xuống phần lớn ở cái tuổi còn đầy mơ ước, còn đầy nguyện vọng, còn đầy tình yêu, họ hy sinh không luyến tiếc nhưng cũng tức tưởi vì bom đạn.

Do vậy, họ nằm xuống, xương thịt hòa quyện với mảnh đất mà họ gắn bó nhưng linh hồn họ vẫn chưa yên nghỉ. Họ vẫn còn lãng vãng đâu đây theo cánh bướm, tiếng chim, ngọn gió chiều sương nơi vắng lặng không một bóng người. Cho nên Trường Sơn vẫn còn sống, vẫn còn những mơ ước, hoài bão, những linh hồn.

Trường Sơn linh thiêng. Đó là một báu vật của dân tộc Việt Nam. Quý trọng, giữ gìn, nâng niu là một nhiệm vụ không dễ dàng khi chúng ta bận bịu với cuộc sống đầy trăn trở ngày hôm nay. Nhưng hôm nay lại biết thêm một bạn đồng hành cũng không kém nét oai hùng: Trường Sơn trên biển với những con tàu không số. Thế thì không những trên đất mà trên biển Việt Nam đều pha dòng máu anh hùng, thật là quý giá biết bao nhiêu.

Cho nên ước mơ của tôi là viếng được nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang của các cô gái đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc để có những phút yên tĩnh, để nhớ lại những ngày đáng nhớ, để nạp thêm năng lượng cần thiết từ những linh hồn cao cả… nhưng đâu phải có ước mơ xa vời: xã nào, làng nào, đâu đâu cũng có những người nằm xuống kia mà. Ta có nhớ chăng? Ta có trồng được cây nào để đỡ nắng cho các linh hồn đó chăng? Không còn là ước mơ mà hãy hành động ngay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến