BÃI TƯ CHÍNH, CÁI NHÌN TOÀN DIỆN

1. Bãi Tư Chính là gì?

Ngày 07/5/1989, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị 180/CT-CP, phê duyệt kế hoạch phòng thủ quần đảo Trường Sa, cho xây dựng các nhà lô cốt cao chân trên các bãi cạn xếp thành hình vòng cung trong dải san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thuộc đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, cách Vũng Tàu 200-250 hải lý về phía Đông Nam.

Thời đó, Đô đốc Hải quân Nhân dân Việt Nam đầu tiên, Thượng tướng Giáp Văn Cương là người chỉ huy, triển khai thực hiện.

Hệ thống nhà lô cốt này có tên gọi là cụm Dịch vụ kinh tế-Khoa học-Kỹ thuật (gọi tắt là DK1 hay nhà lô, nhà giàn) nhằm mục đích làm chỗ dựa cho ngư dân khai thác đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập thông tin khí tượng thủy văn, bảo vệ hoạt động khai thác dầu khí, đồng thời bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển.

Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía Nam này gồm có 7 bãi cạn san hô với 21 nhà giàn được xây dựng, hiện tại còn sử dụng 15 nhà giàn, số còn lại bị bão đánh đổ do nhà giàn thế hệ 1 rất thấp, thô sơ, khó chống chọi với những trận bão lớn giật cấp 11-12.

Trong số 15 nhà giàn đó, có 8 nhà giàn có bãi đỗ trực thăng ở trên nóc, nằm giáp ranh quần đảo Trường Sa. Có 7 cụm nhà giàn nằm trên 7 bãi cạn là: Ba Kè, Quế Đường, Huyền Trân, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau.

Trong 7 bãi cạn đó, bãi Tư Chính (tọa độ: từ 7º16' B đến 7º37' B - từ 109º26’ Đ đến 109º58’ Đ), cách Vũng Tàu khoảng 230 hải lý về phía Đông Nam. Tư Chính có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và công tác quản lý chủ quyền vùng biển trên khu vực DK1, nằm sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, tính từ đường cơ sở, có những rãnh sâu bao quanh bãi cạn, tách biệt hẳn, không liên quan đến quần đảo Trường Sa-khu vực có tranh chấp 5 nước, 6 bên trên biển Đông.

Bãi này nằm gần lộ trình hàng hải quốc tế, cách lộ trình Hồng Kông - Singapore 60 hải lý về hướng Đông Nam.

Cụm nhà giàn Tư Chính được thành lập chính thức từ ngày 04/7/1989, điểm nhô cao nhất là 16m khi thủy triều lên, sâu nhất khoảng 200m, chiều rộng đoạn hẹp nhất khoảng 13km, đoạn rộng nhất khoảng 60km, chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Hiện tại có 3 nhà giàn đang sử dụng: DK1/11 (Tư Chính C hay Tư Chính 3), DK 1/12 (Tư Chính D hay Tư Chính 4), DK1/14 (Tư Chính E hay Tư Chính 5) mới được nâng cấp 2013-2014. Bãi cạn Tư Chính cách bãi Quế Đường 55 hải lý về phía Tây Nam.

Năm 1935, Trung Hoa Dân quốc xuất bản "Biểu đối chiếu tên gọi Hoa-Anh các đảo thuộc Nam Hải Trung Quốc", trong đó, khu vực bãi cạn Tư Chính của Việt Nam được phiên âm tên tiếng Anh Vanguard Bank sang tiếng Trung là 前衛灘 (bãi Tiền Vệ). Năm 1947, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc đổi tên tiếng Trung của bãi này thành 萬安灘 (bãi Vạn An).

Tên gọi Vạn An được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tiếp tục công nhận và sử dụng từ năm 1983. Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Nam Sa, đồng thời xem quần đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ bất khả phân của Trung Quốc.

2. Điều gì xảy ra ở Tư Chính?

Do vị trí quan trọng của khu vực bãi cạn Tư Chính trong chiến lược chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc, từ 30 năm nay, chưa năm nào khu vực 7 bãi cạn DK1 không “tiếp đón” bọn “chó săn” lượn lờ ở khu vực này, nhất là từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, thời điểm biển êm, nên việc xuất hiện của dăm ba tàu thăm dò chạy lòng vòng đã trở nên quen thuộc, không lạ, không bất ngờ, không dậy sóng như chúng ta nghĩ.

Từ tháng 5/1992, Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên diện tích 25.155 km² biển mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, nằm ngay cạnh khu vực bãi cạn Tư Chính cho Cty Crestone Energy Corporation của Mỹ, đồng thời, Trung Quốc cũng ký hợp đồng giao 5.076 km² biển tại bãi Tư Chính cho Cty này, do Hải quân Trung Quốc bảo vệ hoạt động.

Việt Nam một mặt phản ứng mạnh động thái trên, một mặt cấp quyền một lô dầu khí cạnh đó cho hãng Mobil cũng của Mỹ, mặt khác lôi kéo sự quan tâm của phía Nga nên đã có một vài vụ đụng độ ngắn ngủi của lực lượng Hải quân khi tàu của Crestone và Mobil tới vùng biển trên.

Đến 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò lô Vạn An Bắc 21 (theo cách gọi của Trung Quốc) nhưng bị Việt Nam đe dọa can thiệp vũ lực nên đành phải từ bỏ kế hoạch. Sau đó, Việt Nam đưa Vietsovpetro ra khoan một giếng dầu trong khu vực này nhưng khi đó bị Trung Quốc bao vây giàn khoan nhằm ngăn chặn.

Năm 1996, Việt Nam hợp đồng với hãng Conoco của Mỹ thăm dò dầu khí tại hai lô 133 và 134, bao trùm diện tích 14.000 km² tại vùng biển hầu như trùng khớp với vùng biển mà Trung Quốc giao cho Crestone năm 1992.

Trung Quốc ngang ngược xem hành động của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị, đồng thời cảnh cáo trực tiếp Công ty Conoco. Việt Nam kiên quyết không cần phải thảo luận với Trung Quốc về hợp đồng dầu khí, bởi lẽ vùng khai thác thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Luật biển Quốc tế 1982, không thể chối cãi.

Cuối tháng 7 năm 2017, Việt Nam bị Trung Quốc gây áp lực khi hoạt động thăm dò mỏ khí lớn tại lô 136-03 (Vạn An Bắc 21) do Cty Talisman-Vietnam (thuộc Cty Repsol Tây Ban Nha) tiến hành được 01 tháng. Lo ngại trước sự tranh chấp, Cty này đã dừng thăm dò, khai thác mặc dù họ đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào đây, gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam.

Ngày 3/7/2019, nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8 ) được hộ tống bởi 2 tàu hải cảnh số 3901 (12.000 tấn) và số 37111, (2.200 tấn), được trang bị trực thăng và pháo đã đến khu vực bãi cạn Tư Chính với mục đích thăm dò dầu khí.

Dù nhóm tàu này mới chỉ lượn vòng, chưa thả neo tiến hành việc thăm dò nhưng đã bị lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam với 04 tàu được điều đến ngăn chặn các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền.

Chỉ sau 1 tuần, tàu Trung Quốc tăng thêm vài cái, Cảnh sát biển Việt Nam cũng điều động thêm gần chục tàu thuyền để ngăn chặn, xua đuổi, cản trở nhóm tàu xâm phạm bất hợp pháp khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tất nhiên không có “cảnh nóng” xảy ra, nhưng việc cắt mũi, va đâm, rượt đuổi là có, nó như một “kỹ năng” của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, vì việc này không còn là xa lạ, nó xảy ra khá thường xuyên trên biển.

Đáng nói là, nhóm tàu này của Trung Quốc đến Tư Chính ngay trong thời gian Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang thăm và làm việc tại Bắc Kinh. Ngày 12/7/2019, ngày cuối cùng trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Kim Ngân, Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) đã đưa tin: Trung Quốc đã điều tàu HD-8 đến vùng biển gần bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để thăm dò dầu khí.

Trước đó, các báo chí nước ngoài cũng đã lên tiếng trước sự xâm phạm chủ quyền bất hợp pháp của nhóm tàu Trung Quốc đối với Việt Nam, trong đó có cả sự phản đối của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ngày 20/7/2019, Morgan Octagus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã đọc tuyên bố của Chính phủ Hoa Kỳ "Về việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề về dầu mỏ, khí đốt ở vùng biển Đông". Tuyên bố này đã được đăng công khai trên website Chính phủ Hoa Kỳ, được VOA và nhiều tờ báo lớn lan truyền.

Dẫu thế, cũng không vội mừng, rằng Mỹ lên tiếng bảo vệ Việt Nam, lên án mạnh mẽ Trung Quốc, mà đó cũng là hành động nằm trong chiến lược của Mỹ ở biển Đông, nhất là từ khi chiến lược Ấn-Thái được công bố. Không có chuyện “anh hùng cứu mỹ nhân” đâu mà tưởng bở. Chiến lược Ấn-Thái là gì, có dịp, tôi sẽ biên hầu mọi người.

3. Về truyền thông trong sự kiện Tư Chính

Quyền được biết, được thông tin của mỗi công dân là không thể phủ nhận, nhưng thông tin khi nào, đến đâu, với ai lại là một vấn đề cần cân nhắc, theo hướng có lợi nhất cho đất nước, chứ không phải thông tin một cách auto, không kiểm soát. Trong những tình huống nhạy cảm, nóng bỏng, sự cẩn trọng trong việc thông tin lại càng quan trọng.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ năm 2014, khi tàu HD 981 hạ đặt giàn khoan trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, sau khi báo chí lên tiếng, lực lượng yêu nước bằng bàn phím sục sôi chửi bới, chửi cả Trung Quốc lẫn lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển, chửi cả Đảng lẫn Chính phủ, không chừa một ai.

Hậu quả là, hàng chục ngàn người, kết nối từ mạng xã hội đã kéo nhau xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, kèm theo là đập phá Đại sứ quán Trung Quốc, công nhân thì đập phá nhà máy, công xưởng, không phân biệt được đâu là Đài Loan, đâu là Trung Quốc, thậm chí Hàn, Nhật, cứ viết chữ tượng hình, không phải chữ latinh là lao vào đập phá, thiêu đốt.

Kết cục sự thể hiện lòng yêu nước ấy là hàng triệu đô la Chính phủ phải bỏ ra đền bù cho các công ty bị đập phá nhân danh lòng yêu nước, bằng cách cắt giảm các loại thuế phí.

Yêu nước là thế sao? Từ khi nào, yêu nước là phải đánh, phải chửi tất cả bọn nào dám đụng vào lòng yêu nước của mình? Từ khi nào, yêu nước trở thành lý do để làm cho đất nước đó trở nên xấu xí, dị hợm trong con mắt của những người dân yêu nước khác trên thế giới?

Trong sự kiện Tư Chính, chúng ta đã truyền thông như thế nào?
Việc các tờ báo lớn trên thế giới, các nhân vật quan trọng, các nhà nghiên cứu có cái nhìn khách quan về biển Đông đã lên tiếng trước về Tư Chính, hầu hết đứng về phía Việt Nam, lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền, vậy thông tin của họ từ đâu?

Các bạn nghĩ, các phóng viên báo chí thế giới rong ruổi lên tàu đi săn tin trên biển à?

Những hình ảnh, chủ yếu là hình ảnh nhóm tàu Trung Quốc chụp ở góc đối diện rất gần, những con số, sự kiện thật thế, sống động thế, chụp từ vệ tinh có thấy hết được không? Nếu trả lời được, bạn đã biết chiến lược truyền thông của ta trong tất cả các sự kiện nhạy cảm trên biển rồi đấy. Kinh nghiệm, bài học đắt giá từ 2014 mà ra.

Tận dụng sự ủng hộ của truyền thông quốc tế đối với vấn đề biển Đông là chiến lược khôn ngoan trong thời điểm này. Đừng để mình ở thế cô độc khi đối đầu với nước tham lam, xảo quyệt và hạ tiện như Trung Quốc! Nên đừng nhìn nhận, đánh giá sự việc như những kẻ nông nổi, thích chém gió, thể hiện lòng yêu nước bằng bàn phím.

Các bạn có biết, khi đất liền “nóng” hơn ngoài biển, thì áp lực tâm lý đè nặng lên những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nó lớn như thế nào không?

Trong khi, các anh phải hết sức bình tĩnh, kiềm chế, kiên cường, sáng suốt, linh hoạt trong xử lý tình huống nóng, mặt đối mặt với bọn cẩu tặc, chỉ một bất cẩn, một sai sót nhỏ trong hành động thôi là có thể phải trả giá bằng sinh mạng, bằng cả nền hòa bình mà các bạn đang hưởng, thì các bạn ngồi gõ phím chửi họ với đủ thứ lời lẽ hoài nghi, mạ lỵ, rẻ rúng…, có nên không?

Bạn có thể chưa hài lòng với thể chế chính trị này ở một số vấn đề cụ thể nào đó; bạn có thể không tin vào một số quan chức tha hóa, biến chất; bạn có thể không đồng ý với công tác truyền thông nói chung, nhưng đừng đánh đồng tất cả, đừng hoài nghi lòng căm thù đối với bọn lăm le cướp biển của con dân nước Việt.

Tin tôi đi, nếu đánh nhau chỉ đơn giản là một trò chơi, thì ngoài kia các anh ấy đã chơi một cách hết mình từ lâu rồi! Nhưng không, nó là cân não, là máu và sinh mạng, là độc lập dân tộc, bạn hiểu không?!

Hãy là người có tư duy, có hiểu biết khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách khách quan; tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, thông minh, đừng bị cảm xúc nhất thời, bị tâm lý đám đông dẫn dắt, chi phối. Và hơn hết, bạn hãy yêu nước bằng trái tim, khối óc, chứ đừng yêu nước bằng ngón tay cái!

PVT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến