NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY


Rõ ràng, bên cạnh những ưu thế do viễn thông và công nghệ thông tin mang lại thì mặt trái của mạng xã hội đã và đang bộc lộ những hiểm họa và nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin trên môi trường viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại.

Trước tình hình mất an toàn thông tin, an ninh mạng đang hiện hữu, cần thiết nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, nhất là quản lý, sử dụng hệ thống mạng, mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh, văn minh.
Đề nghị Facebook hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT
Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, ông Simon Milner. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Facebook hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT trong quá trình hoạt động tại Việt Nam; gỡ bỏ các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đời sống bình yên của người dân Việt Nam. Hai bên cần tìm ra phương thức phối hợp kịp thời, hiệu quả và thường xuyên hơn để Facebook phát triển lành mạnh, ngày càng đóng góp tích cực hơn vào đời sống, văn hóa và sự phát triển của Việt Nam. 
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Facebook hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Tuy nhiên, Facebook cần có trách nhiệm đối với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định quan điểm của Bộ là: “Kiên quyết yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không được đất nước này chào đón”. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp muốn đến làm ăn lâu dài cần song hành với sự thịnh vượng của xã hội và nước sở tại. Không thể có doanh nghiệp phát triển thịnh vượng nhưng đất nước lụn bại đi. Bất cứ doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Doanh nghiệp đến nơi nào kinh doanh cũng phải có trách nhiệm làm cho đất nước đó phát triển thịnh vượng và hòa bình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng Bộ TT&TT “quét rác” trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cần phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật trên các nền tảng này; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, trong đó bao gồm cả các hoạt động đăng tải nội dung thông tin, hoạt động quảng cáo và việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các nền tảng nội dung số trong nước cần hợp tác chặt chẽ, chung tay xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam vững mạnh, an toàn. Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để phát huy tối đa tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam. Các nền tảng nội dung số trong nước như Zalo (của VNG), Mocha (Viettel), Lotus (VCCorp) phải lớn mạnh để phục vụ xã hội và người dân tốt hơn, thay vì kêu ca về “bảo hộ ngược”. Các công ty công nghệ trong nước phải đầu tư, tự làm các công cụ giám sát không gian mạng...
Còn theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, cần thật sự quan tâm coi trọng và có sự đầu tư thích đáng cho công tác quản lý thông tin trên mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng; xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên mạng xã hội theo hướng phản ứng nhanh, thống nhất, dựa trên những đặc trưng, nguyên lý hoạt động riêng có của mạng xã hội để có thể đáp ứng các yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Đồng thời, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ; phá thế độc quyền của các nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng.
Để quản lý, ngăn chặn clip xấu độc, vi phạm pháp luật hiệu quả hơn, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp trong nước đã “hiến kế” giải pháp giúp Bộ TT&TT. Ở góc độ doanh nghiệp số 1 về nội dung số, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG đề nghị, Bộ TT&TT cùng các ngành có liên quan cần kiểm soát được dòng tiền từ kinh doanh, nhãn hàng trong nước trả tiền Google, Facebook trả tiền cho người làm nội dung (người đăng tải clip). Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật, mở công ty hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Làm rõ hơn, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) chia sẻ, Bộ TT&TT nên tổ chức chương trình truyền thông để người dùng, đặc biệt là doanh nghiệp hình thành thói quen trả tiền cho nội dung sạch. Chẳng hạn, trả tiền quảng cáo theo giá trị, chất lượng view (xem, đọc) và trả cao cho quảng cáo tại những trang, địa chỉ quảng cáo uy tín. Đó là cách để bảo đảm an toàn thương hiệu.
Về chính sách và sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Tân cho rằng, trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của các công ty outsource, các công ty công nghệ xuyên biên giới và doanh nghiệp công nghệ trong nước. Nhưng các chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất.
Theo ông Tân, ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế. Ở Mỹ, Amazon có lợi nhuận hàng tỷ USD, nhưng đóng thuế 0 đồng. "Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động từ 15-20% doanh thu", ông Tân chia sẻ.
Ông Tân cũng cho biết về sự bất cập của chính sách của Việt Nam khi các mạng xã hội Việt Nam nếu thuê 1 người sản xuất video đăng tải lên thì sẽ vi phạm quy định làm báo tư nhân, trong khi Youtube thuê hẳn 1 công ty sản xuất video nội dung, Facebook đăng video clip cũng không sao. Cho nên rất nhiều công ty Việt muốn làm mà không dám làm, dù có đủ năng lực về mặt công nghệ.
Nâng cao nhận thức của người dân
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền để tất cả mọi người được “xóa mù” về tri thức công nghệ, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin. Cùng với đó, các cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục đấu tranh với Facebook để yêu cầu họ tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu họ tiếp tục không tuân thủ, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn cả về kinh tế kỹ thuật.
Trong thời gian tới, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng tốt nhất để cải thiện chỉ số an toàn thông tin Việt Nam là thực hiện tốt các nội dung trong Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Trong đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng một cách tổng thể.
Theo Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng: Quản lý, sử dụng hệ thống mạng, mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh, văn minh, vấn đề cốt lõi chính là từ người sử dụng mạng xã hội. Theo đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng mạng xã hội cũng cần được quan tâm hơn để người dân, doanh nghiệp hiểu về luật mới ban hành, những hành vi bị cấm, hành vi vi phạm pháp luật, những quy định đối với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí chính thống cần tích cực phát huy vai trò định hướng thông tin. Bản thân người sử dụng mạng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, hình thành “bộ lọc” để kiểm chứng thông tin trên mạng...
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan chức năng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, công cuộc bảo vệ chủ quyền số quốc gia, an toàn không gian mạng Việt Nam tới đây sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa, hướng đến một không gian mạng an toàn, lành mạnh, phát triển, phục vụ tích cực nhu cầu của nhân dân và công cuộc phát triển của đất nước.
Trần Danh Hai - Lớp Cao học 7A

Nhận xét

Bài đăng phổ biến