TRƯỜNG SĨ QUAN LỤC QUÂN 1 NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC HIỆN ĐẠI


Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại) và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, xây dựng nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, những năm qua, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã tập trung đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Trong đó, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại được trang bị1 phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học là một trong những trọng tâm.
Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, trước hết, Nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng trong quản lý, khai thác, sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại. Khoa học giáo dục đã chỉ rõ, phương tiện dạy học là một trong những thành tố quan trọng, có vai trò hỗ trợ tích cực hoạt động dạy - học; giúp người dạy phát huy hết năng lực sáng tạo, thực hiện có hiệu quả kỹ năng, phương pháp sư phạm, truyền tải sâu sắc hơn tri thức đến người học. Qua đó, người học có điều kiện thuận lợi trong tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong hình thành kỹ năng, kỹ xảo về những phẩm chất cần thiết của người sĩ quan Quân đội sau này. Với đặc thù của lĩnh vực đào tạo, việc sử dụng, phát huy hiệu quả các trang bị, phương tiện dạy học, nhất là phương tiện dạy học hiện đại đối với Nhà trường càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ nhận thức đó, cùng với coi trọng đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị học viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về chủ trương đổi mới, chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác giáo dục, đào tạo, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng trong đầu tư mua sắm, quản lý, khai thác, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại. Đồng thời, đấu tranh với các biểu hiện sợ khó, sợ khổ, ngại đổi mới hoặc ỷ lại vào các phương tiện hiện đại mà thiếu sự tìm tòi, sáng tạo trong dạy và học. Cùng với đó, Nhà trường ban hành Quy chế giáo dục - đào tạo; trong đó, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, phân công, phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo quản phương tiện dạy học hiện đại đến từng tập thể và cá nhân. Bằng các biện pháp quyết liệt, phù hợp, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên của Nhà trường đều nhận thức đầy đủ, nhất trí cao với chủ trương đổi mới, hiện đại hóa trang bị, phương tiện dạy học; xác định rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng các trang thiết bị được trang bị. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên và học viên đã coi việc khai thác, sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học là nhu cầu không thể thiếu trong việc truyền thụ, trau dồi tri thức, nâng cao chất lượng đào tạo và tự đào tạo.
Luyện tập bắn súng tại Trung tâm mô phỏng
Phương tiện dạy học hiện đại là những sản phẩm công nghệ cao, yêu cầu sử dụng, bảo quản rất khắt khe. Bởi vậy, để phát huy hiệu quả phương tiện đã được trang bị, Nhà trường đặc biệt quan tâm làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn, chuyển giao, nhất là cho các đối tượng trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng. Trước thực tế kiến thức về công nghệ thông tin, ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, nhân viên không đồng đều, Nhà trường chỉ đạo các phòng, khoa, hệ, tiểu đoàn rà soát, đánh giá thực chất năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên trong khai thác, sử dụng phương tiện dạy học hiện có; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng chặt chẽ, khoa học, phù hợp với từng đối tượng. Thực hiện phương châm “thiết thực, hiệu quả”, Nhà trường tập trung bồi dưỡng toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nắm vững cấu tạo, tính năng, đặc tính kỹ thuật, kỹ năng khai thác, quản lý các phương tiện hiện đại thế hệ mới; những quy định về sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng; những nội dung còn yếu, còn thiếu, cách xử lý các tình huống kỹ thuật, v.v. Về phương pháp, căn cứ vào tình hình thực tế, Nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ theo nhiệm vụ, năm học; kết hợp tập huấn, bồi dưỡng tập trung do cấp trên tổ chức với tổ chức tại Trường. Để đạt hiệu quả cao, với các lớp tập trung do cấp trên tổ chức, Nhà trường chú trọng tuyển chọn, cử cán bộ, giảng viên có trình độ, năng lực chuyên sâu tham gia và giao nhiệm vụ chặt chẽ, làm cơ sở bồi dưỡng, xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong việc tập huấn, bồi dưỡng các nội dung liên quan tại Trường. Với các lớp tập huấn tại Trường, được tổ chức vào dịp học viên nghỉ hè để huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên với quân số cao nhất; trong đó, Nhà trường tiến hành tập huấn riêng cho từng đối tượng, từng nhiệm vụ và có kiểm tra, đánh giá kết quả một cách chặt chẽ.
Cùng với tập huấn, bồi dưỡng, Nhà trường biên soạn, cung cấp đủ các loại tài liệu, hướng dẫn sử dụng, bảo quản các phương tiện dạy học hiện đại và tài liệu liên quan để các đối tượng tự nghiên cứu, nâng cao trình độ. Đây là biện pháp được tiến hành một cách thường xuyên, cập nhật những thông tin mới, nhất là nắm bắt những phần mềm, phương tiện hiện đại mới được cung cấp, phục vụ có hiệu quả những đòi hỏi bức thiết trong thực tiễn dạy và học của Nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường tích cực mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành ở các cơ sở đào tạo, trung tâm, viện nghiên cứu có uy tín trong và ngoài Quân đội để cung cấp, trao đổi thông tin, thực hành bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, nâng cao khả năng khai thác, sử dụng phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao. Các khoa giáo viên thường xuyên tổ chức cho giảng viên có khả năng sư phạm tốt tiến hành giảng mẫu, giảng thử và kết hợp chặt chẽ với tổ chức dự giờ, thao giảng, hội thi giảng viên giỏi có sử dụng phương tiện dạy học hiện đại để kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng sử dụng các trang bị, phương tiện dạy học ở các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành. Đồng thời, tích cực động viên việc tự học hỏi lẫn nhau, nhất là những người có nhiều kinh nghiệm để không ngừng rèn luyện kỹ năng, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên Nhà trường sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Hầu hết các bài giảng chuyên ngành đều được biên soạn giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ mô phỏng 2D, 3D trên các phần mềm bản đồ số TM-Map, 3D-Map, v.v. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh quản lý, khai thác tốt trang bị, phương tiện đã được đầu tư, để đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” theo định hướng của Bộ Quốc phòng, Nhà trường đã và đang tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư của trên với đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ, đầu tư đi tắt đón đầu, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Nhà trường luôn bám sát kế hoạch, chủ trương của trên, căn cứ vào thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tổ chức mua sắm phương tiện dạy học hiện đại đúng quy trình, quy định. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các tập thể và cá nhân về tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn về nguồn lực để tự trang bị, mua sắm, đáp ứng yêu cầu thực tế của Nhà trường. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến thành phong trào sâu, rộng ở các phòng, ban, khoa, đơn vị; gắn hoạt động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến phương tiện dạy học với các phong trào thi đua; động viên, khích lệ, tạo cơ hội cho mọi người được kiểm nghiệm, phát huy năng lực, sở trường của mình. Có chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, thúc đẩy phong trào này phát triển mạnh mẽ, hiệu quả; lấy kết quả nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến, cải tiến phương tiện dạy học là một tiêu chí đánh giá thành tích của tập thể và cá nhân trong hoạt động dạy - học và phong trào Thi đua Quyết thắng. Vì vậy, những năm qua, toàn Trường đã có hàng trăm sáng kiến, cải tiến về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện dạy học được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng có kết quả cao, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả của các phương tiện dạy học hiện đại hiện có, đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo ngày càng cao của Nhà trường.
Những kết quả, kinh nghiệm đạt được là cơ sở quan trọng để Trường Sĩ quan Lục quân 1 tiếp tục phát huy, nhằm không ngừng đổi mới, xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực, ngày càng hiện đại, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến