VĂN HÓA CÁCH MẠNG 4.0 VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN QUÂN ĐỘI TRONG GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN CỦA DÂN TỘC


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", khẳng định vai trò của thanh niên vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,  thanh niên trong quân đội cũng cần tiếp tục tự khẳng định mình thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trong đời sống văn hóa,  xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngay từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thức tỉnh, giác ngộ, thanh niên Việt Nam đã tin tưởng, đi theo Đảng, cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi đầu một thời kỳ lịch sử huy hoàng, đưa dân tộc đến ấm no, hạnh phúc.
Đất nước ta giành được độc lập nhưng lại phải đối diện với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gay go, ác liệt. Phát huy truyền thống cha ông, với tinh thần và ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và những phong trào Cách mạng: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”… thanh niên quân đội đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến công vĩ đại: giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp đó, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Gần đây cụm từ “Cách mạng công nghiệp thứ 4” được nhắc tới khá nhiều và trở thành một cụm từ khá phổ biến trong những diễn đàn xã hội. Tuy vậy, đa số mọi nội dung trong diễn đàn đề cập đến những vấn đề chung của nền kinh tế, mà hiếm thấy bàn đến yếu tố văn hóa, vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng này.
Được biết, Industry 4.0 hay Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (FIR), là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. FIR được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet của vạn vật và internet của các dịch vụ.
Trong vài thập kỷ trước đây, có không ít quốc gia cho rằng: Chỉ cần tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng cơ chế kinh tế thị trường cùng với việc phát triển sử dụng khoa học công nghệ cao là có sự phát triển. Sau một thời gian thực hiện kết quả cho thấy, các quốc gia đó đạt được một số mục tiêu về tăng trưởng kinh tế nhưng đã vấp phải sự xung đột gay gắt trong xã hội, sự suy thoái về đạo đức, văn hóa ngày càng tăng.
Thực tế, Việt Nam trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp vừa qua cũng đã có những bước chuyển mình khá rõ rệt. Bên cạnh những mặt tích cực về thành tựu về kinh tế-xã hội, vẫn đang tồn tại nhiều bất cập và chính nó ảnh hưởng trực tiếp, không nhỏ đến đời sống  văn hóa tinh thần của nhân dân nói chung, của tầng lớp thanh niên nói riêng trong đó có thanh niên trong quân đội như lối sống buông thả, phóng túng, ảnh hưởng văn hóa xấu độc phương tây sa hoa đua đòi trụy lạc.
Đó là mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động tiêu cực tới sự phát triển văn hoá và con người Việt Nam. Một trong những biểu hiện rõ nét của xu hướng này là sự suy giảm về mặt đạo đức của không ít người, nhất là lớp trẻ, thậm chí của cả một số cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất. Kèm theo sự xuất hiện các yếu tố tiêu cực khác, như chủ nghĩa cục bộ, địa phương, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, đề cao quá mức tiện nghi vật chất, xa hoa, lãng phí; sự phát triển chủ nghĩa cá nhân vị kỷ biểu hiện trong lối sống, trong cách ứng xử giữa người với người. Những tiêu cực này đang ảnh hưởng đến ý thức tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người chúng ta.
Cội nguồn dẫn tới mặt trái đó, ngoài việc chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, Đảng ta cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do: “Chưa đặt đúng vị trí của văn hoá, chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hoá song song với chiến lược phát triển kinh tế”. Có nghĩa rằng, nếu phát triển tách khỏi cội nguồn dân tộc thì nhất định sẽ lâm vào nguy cơ tha hóa. Thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác.
Mới đây, tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất”, có quan điểm cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp... Có nghĩa là con người vẫn còn chỗ đứng trong nhiều lĩnh vực cụ thể”.
Rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, để hội nhập với thế giới văn minh đang tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp thứ 4, điều quan trọng trước hết là phải đổi mới đúng hướng hiện đại hóa của nền giáo dục nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới. Tức là, yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng này, mà chừng nào còn sự xuất hiện của con người thì chừng đó yếu tố văn hóa vẫn tồn tại. Thậm chí, chính trình độ văn hóa của con người sẽ ảnh hưởng, đóng vai trò không nhỏ trong nhịp bước hiện đại hóa, công nghệ này.
Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa Việt Nam cần hiện đại hóa mạnh mẽ như bây giờ. Do đó, sẽ có một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta mà không dễ có câu trả lời trong mốt sớm một chiều là: Văn hóa đứng ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vai trò của thanh niên trong quân đội như thế nào trong giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc? Đó là những câu hỏi lớn mà lớp lớp các thế hệ thanh niên cần phải suy nghĩ và hành động như những người cầm sung trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến