“Lấy cái tốt đè bẹp cái xấu”


Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động liên tục tung ra những chiêu bài mới nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng nhân danh lòng yêu nước để đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trước thực tế này, hơn lúc nào hết, các nhà báo - với vũ khí là “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” - thông qua các tác phẩm báo chí, cần phải góp phần đắc lực giúp nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu sâu sắc về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng nước ta, qua đó, củng cố niềm tin của toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước.
Phía sau “sứ mệnh cao cả”
Thực tế thời gian qua cho thấy, để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động luôn coi “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa  là “đột phá khẩu”. Bằng mũi tấn công này, chúng hi vọng sẽ làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận, tư tưởng, từng bước phá vỡ, đẩy lùi lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng, đời sống tinh thần của xã hội.
Với thủ đoạn tuyên truyền, rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã thuộc về quá khứ, không thuộc về tương lai, tư tưởng Hồ Chí Minh không còn phù hợp với điều kiện mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng gieo rắc vào xã hội sự hoài nghi vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Cũng nhằm mục đích làm phai nhạt lý tưởng cánh mạng, núp dưới vỏ bọc “sứ mệnh cao cả” là “dân chủ hóa”, “khai sáng” xã hội Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thông qua con đường hợp tác trên các lĩnh vực: Giáo dục-đào tạo, báo chí, truyền thông, hội thảo, triển lãm, tài trợ… để từng bước hình thành các câu lạc bộ, nhóm nhà báo tự do, báo tư nhân, trang thông tin điện tử, cơ quan ngôn luận của “lực lượng dân chủ” ở trong nước. Với luận điệu “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, chúng ra sức vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm quyền tự do báo chí, nhằm làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu trong hoạt động báo chí…
Để “đồng thanh tương ứng” với bọn phản động ở hải ngoại, các đối tượng phản động trong nước thường xuyên sử dụng thủ đoạn lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc thực trạng xã hội, khoét sâu yếu kém, làm ra vẻ như ở Việt Nam đang có khủng hoảng về kinh tế-xã hội, tình trạng tham nhũng tràn lan, không kiểm soát được.
Mặt khác, trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật, báo chí, xuất bản, chúng ra sức vận động thành lập “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, sử dụng các bài viết của các thành viên trong các nhóm này để “chọc gậy bánh xe”, vu cáo xuyên tạc hoặc đả kích chế độ, bôi nhọ đời tư của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước thông qua các “tác phẩm văn chương” hay “tác phẩm báo chí” được đăng tải trên các trang blog, Facebook hay trang web phản động.
Đặc biệt, với thủ đoạn tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động không ngừng kích động tâm lý, tình cảm của người dân xung quanh các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng như xuyên tạc các nỗ lực ngoại giao, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà Việt Nam đang thực hiện với mục đích làm suy giảm niềm tin, gieo rắc sự nghi ngờ đối với chủ trương, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.
Thông qua các bài viết với tư tưởng phản động, chúng cố tình lấp liếm với mục đích hướng người đọc đến sự nghi ngờ tinh thần, ý chí kiên quyết trong đấu tranh, đi kèm với đó là nghệ thuật ứng xử linh hoạt, mềm dẻo nhưng luôn giữ vững những nguyên tắc bất biến về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện.
Góp phần xây dựng cách nhìn, quan điểm đúng đắn
Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển một nền báo chí theo kiểu phương Tây ở Việt Nam, xem đó như một con bài quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ ta bằng biện pháp “bất bạo động”.
Để đạt được mục đích này, chúng lợi dụng triệt để những tác động của mặt trái của cơ chế thị trường khiến cho sức chiến đấu của các nhà báo trong cuộc chiến chống “diễn biến hòa bình” bị suy giảm, một số nhà báo đã bộc lộ tư tưởng lệch lạc, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện” để đưa các bài viết, những thông tin sai lệch về chủ trương, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây thật sự là những mối nguy hiểm đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như với sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.
Trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong việc sử dụng con bài tư tưởng, văn hóa nói chung, báo chí nói riêng làm đòn tấn công dọn đường thực hiện các thủ đoạn khác để chống phá cách mạng nước ta, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần tăng cường đấu tranh phản bác những luận điệu phản động của các thế lực thù địch.
Thông qua các tác phẩm báo chí của mình, các nhà báo cần góp phần xây dựng cách nhìn, quan điểm đúng đắn cho đông đảo nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó, quan trọng nhất là chứng minh tính đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, khẳng định những giá trị ưu việt của chế độ ta. Các nhà báo cũng cần phản ánh khách quan, “lấy cái tốt đè  bẹp cái xấu”, “lấy ánh sáng xua tan bóng tối”, mang lại niềm tin cho nhân dân, góp phần làm ổn định xã hội để xây dựng đất nước.
Trong bối cảnh của tình hình mới, đòi hỏi công tác báo chí phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và việc xây dựng đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, tinh thông nghiệp vụ, nhanh nhạy và sáng tạo xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận báo chí có vai trò vô cùng quan trọng.
Để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các nhà báo cần không ngừng học hỏi, tìm hiểu để nâng cao trình độ chính trị, nâng cao nhận thức, đặc biệt, cần bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình, hướng dẫn dư luận xã hội, nhất là những vấn đề về tư tưởng mới nảy sinh, liên quan đến những lĩnh vực công tác nhạy cảm, phức tạp, như: Phòng, chống tham nhũng, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy hành chính các cấp, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng…
Cùng với đó, các nhà báo cần chủ động đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động đặc biệt là âm mưu “diễn biến hòa bình” đi đôi với ngăn ngừa nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Có như vậy, nhà báo mới có thể có những tác phẩm thuyết phục, bao gồm những lập luận thấu tình, đạt lý, để công tác đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đạt hiệu quả cao.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến