Căn nguyên của sự suy thoái


Nói về những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII của Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống…”. Đây không chỉ là sự tự kiểm điểm, tự phê bình trong Đảng để qua đó nâng cao sức chiến đấu, xây dựng tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, cùng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là sự cảnh báo nghiêm khắc về những nguy cơ đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.
Đã có nhiều ý kiến, nhiều nghiên cứu chỉ ra căn nguyên của thực trạng này dưới nhiều góc độ khác nhau. Người viết bài này muốn cắt nghĩa một căn nguyên rất quan trọng của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ những ngày đầu cuộc cách mạng, đó là: Chủ nghĩa cá nhân!
Mỗi người sinh ra, sống trong xã hội luôn tồn tại với tư cách cá nhân. Đó là lẽ tất yếu. Vì vậy, sự mưu cầu hạnh phúc, những quyền và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân luôn cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Trải qua hàng ngàn năm, nhân loại đã đấu tranh, xây dựng, phát triển cũng để hướng tới mục đích cho mỗi cá nhân được hưởng tự do, hạnh phúc. Dù xã hội có phát triển ở mức nào hay biến động ra sao thì quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân luôn phải được đề cao. Tuy nhiên, giữa lợi quyền, khát vọng chính đáng của cá nhân với chủ nghĩa cá nhân luôn có sự đối lập. Chủ nghĩa cá nhân luôn đặt lợi ích của một cá nhân là “tối thượng”, lên trên tất cả các lợi ích xã hội mà trong đó có lợi ích chính đáng của những cá nhân khác.
Chủ nghĩa cá nhân luôn tồn tại ở mọi giai đoạn, mọi chế độ xã hội với nhiều cách thức khác nhau. Chủ nghĩa cá nhân có mục tiêu trực tiếp là thu vén lợi ích; vì vậy, nó luôn dẫn đến các hành vi tiêu cực, gây nguy hại cho cá nhân, tập thể và xã hội, làm tha hóa con người, suy yếu tổ chức, là một trong những lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế, ổn định xã hội. 
Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, chủ nghĩa cá nhân luôn là thứ “kẻ thù tự thân”, là căn nguyên của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ ngăn trở người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định là hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trước những sự tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập, toàn cầu hóa. Bên cạnh những đảng viên giữ vững tư cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống được nhân dân tín nhiệm thì đã có không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống mà một trong những căn nguyên quan trọng là do chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, chi phối nhận thức và hành động của họ.
Chủ nghĩa cá nhân đã nảy sinh nhiều thứ “bệnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh “hữu danh vô thực (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều), bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng), bệnh tỵ nạnh, bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh... Do cá nhân chủ nghĩa mà sợ gian khổ, khó khăn; có lối sống buông thả, vì lợi ích cá nhân vị kỷ nên tìm mọi cách thực hiện cho được ý đồ cá nhân, cho nhóm lợi ích mà không vì lợi ích chung, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem thường quần chúng, độc đoán, chuyên quyền... làm mất nhân cách, uy tín của cán bộ, đảng viên, của tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước.
Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ những hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, giao động, thiếu niềm tin vào con đường đi lên của đất nước; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân; thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ; chạy theo các giá trị vật chất; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; vi phạm các nguyên tắc của Đảng...
Đảng ta cũng đã thể hiện quyết tâm tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong những năm qua, hàng nghìn đảng viên vi phạm đã bị xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức; nhiều cán bộ, đảng viên bị truy tố trước pháp luật trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, kiên quyết, triệt để, “không có vùng cấm”, tạo được niềm tin và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân luôn tiềm ẩn trong mỗi con người và có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực. Vì vậy, một trong những vấn đề cần hết sức quan tâm trong tình hình hiện nay là phải nhận diện đầy đủ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, những nguy cơ, tác hại của nó để có các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất và trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến