Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội


Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thế nhưng, đã có một số ý kiến phê phán, phủ nhận, xuyên tạc mục tiêu này. Thật phi lý!
Từ khi mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, những quan điểm phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH xuất hiện càng nhiều. Họ đòi xét lại lịch sử, cho rằng Đảng ta đưa đất nước tiến lên CNXH là vội vàng. Một số người còn cho rằng, không thể đi theo con đường XHCN, vì đi theo con đường đó là đưa dân tộc vào chỗ chết. Họ “khuyên” nên chọn con đường TBCN, quay lại con đường phát triển TBCN,… Điều đó là không thể, bởi những cơ sở sau:
Trước hết, dân tộc Việt Nam không thể giành được độc lập nếu không có đường lối cách mạng vô sản. Ngay từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta (năm 1858) đến trước năm 1930, đã có hàng trăm phong trào, cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nhà yêu nước nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều thất bại. Nguyên nhân chính là do không có đường lối cách mạng đúng theo một hệ tư tưởng tiên tiến, khoa học và cách mạng, phù hợp với tiến trình lịch sử.
Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường duy nhất đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc, là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; giai cấp vô sản phải nắm lấy ngọn cờ giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH thì cách mạng nước ta mới thành công. Người chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sự đúng đắn đó bằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Vì vậy, cần khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn của lịch sử, của toàn dân tộc Việt Nam, là sự phù hợp quy luật của tiến trình lịch sử nước ta.
Hai là, giành được độc lập dân tộc mà không gắn với CNXH thì chẳng những không giữ được độc lập dân tộc mà còn không thể mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, thì việc đấu tranh lật đổ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt của mọi quốc gia, dân tộc bị áp bức, của các dân tộc thuộc địa. Song, việc xác định mục tiêu lâu dài, con đường phát triển tiếp theo của mỗi nước, mỗi dân tộc lại tùy thuộc vào quan điểm, lập trường của giai cấp cầm quyền. Một số nước sau khi kiên trì đấu tranh giành được độc lập dân tộc quyết định đưa đất nước tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, trong đó có Việt Nam. CNXH bảo đảm quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn con đường và mô hình phát triển đất nước; bảo đảm quyền và phát huy năng lực làm chủ của nhân dân, xóa bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột. CNXH tạo ra sự trao đổi, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, vì một thế giới không có chiến tranh, không có sự hoành hành của tội ác, của tàn bạo và bất công, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
    Ba là độc lập dân tộc mà không gắn với CNXH thì nhân dân ta sẽ không được hưởng một nền dân chủ thực sự và một xã hội ổn định. Dân chủ tư sản phục vụ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản và giai cấp này nắm mọi quyền hành trong tay chi phối toàn xã hội. Đó là một nền dân chủ cho số ít, chuyên chính cho số đông và là căn nguyên mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tư bản không được hưởng một nền dân chủ thực sự. Trái lại, dân chủ XHCN, với tư cách là chế độ nhà nước được sáng tạo bởi nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cho nên, luôn đảm bảo mọi quyền lực đều thuộc về tay nhân dân. Nhà nước XHCN là thiết chế chủ yếu thực thi dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của mình. Điều đó cho thấy, dân chủ XHCN vừa có bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc.
Bốn là, độc lập dân tộc mà không gắn với CNXH thì nhân dân ta sẽ mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội bị xuống cấp. Thực tiễn hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay cho thấy, những tác động tiêu cực của lối sống và văn hóa có nguồn gốc từ xã hội TBCN đến đời sống xã hội nước ta đang hằng ngày, hằng giờ làm phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc nếu không ngăn chặn kịp thời. Đặc trưng của sự “xâm lăng văn hóa” là cùng với sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ “văn hóa tư sản” vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là sự thâm nhập của lối sống thực dụng trong xã hội. Những tác động đó đã góp phần trực tiếp hủy hoại nhiều tổ chức và con người. Vì vậy, để giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc, hội nhập mà không hòa tan chỉ có kiên định với sự lựa chọn con đường tiến lên CNXH, cùng với xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa và lối sống ngoại lai, tạo những điều kiện để tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh của thời đại, làm phong phú thêm cốt cách, lối sống và bản sắc văn hóa cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Năm là, giành độc lập dân tộc  mà đưa đất nước theo con đường TBCN là đi ngược lại ước mơ, nguyện vọng, ý chí và phủ nhận sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi áp bức bóc lột, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước là ước mơ, là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta bao đời nay.
Sáu là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập thì dân tộc và CNXH là một. Chỉ có xã hội XHCN mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong điều kiện mới, quán triệt tư tưởng đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ chính trị XHCN, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do vậy, cho dù thế giới ngày nay và trong những năm tới có thể có nhiều đổi thay, nhưng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mãi mãi là mục tiêu, con đường duy nhất đúng, là tất yếu lịch sử của dân tộc ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến