Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh


Gần đây, trên một số trang thông tin có đăng tải bài viết với nội dung luận bàn về “Những ảo tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư tưởng Hồ Chí Minh”; hoặc: “Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng chỉ nói mà không làm”,... Đây là suy nghĩ của những người thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nhưng lại núp dưới danh nghĩa “tự do ngôn luận, dân chủ, xây dựng, góp ý”!? 
Lời nói và hành động của họ bộc lộ thái độ hằn học, động cơ kích động, âm mưu gây mất ổn định chính trị, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Mặc dầu trong các bài viết, họ cố tình trích dẫn kiểu gọt chân cho vừa giày, cắt xén lời nói của nhân vật này, học giả nọ, để minh chứng cho lời nói của mình là có cơ sở. 
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những nhận định, lập luận mang nặng tư duy suy luận chủ quan, vô căn cứ và thiếu khoa học. Hãy thử xem họ là ai và những gì là sự thật đằng sau lời nói, bài viết của họ!
Không cần nói cũng có thể biết tác giả của những bài viết xuyên tạc về tình hình đất nước, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ, kích động, phá hoại đường lối của Đảng, đa phần là những người bất mãn về chính trị, hiện đang sống nhờ bằng những đồng tiền do các thế lực thù địch bên ngoài chu cấp. 
Một bộ phận khác, không hẳn xuất phát từ động cơ kinh tế, nhưng là những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, nên bị lợi dụng, trở thành những “cái loa” phát ngôn không công cho lực lượng chống đối chế độ, đi ngược lại lợi ích dân tộc, đất nước. Tại sao có thể khẳng định như vậy? Bởi vì, không chỉ đơn thuần trên danh nghĩa “tự do ngôn luận” hay có sự “bất đồng quan điểm” (với lý do khác nhau về ý thức hệ) để “nói lấy được”, mà muốn đánh giá hay phê phán về một vấn đề, một con người hoặc một luận thuyết, phải nhìn nhận khách quan từ nhiều phía, đặc biệt là từ góc độ giá trị lịch sử, nhân văn, đạo đức, phải dựa trên những giá trị chuẩn mực truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 
Không thể cứ cao đạo cho rằng, mình là người yêu Tổ quốc, trong khi hành động và lời nói đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Đối với người Việt Nam, việc đánh giá chuẩn mực đạo đức của một cá nhân, hay giá trị của một luận thuyết, không phải xuất phát từ tiêu chuẩn bên trong của nó, mà xuất phát từ lợi ích của Tổ quốc: “Học thuyết nào cứu được nước, giúp được dân thì sẽ được ưa thích, lựa chọn”. 
Trên ý nghĩa đó, sự khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi". 
Đó là sự khái quát khoa học, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẳng định một cách chắc chắn rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ là “ảo tưởng”, bởi giá trị lý luận và thực tiễn của những quan điểm khoa học và cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, minh chứng là hoàn toàn đúng đắn.
Thật ra, những quan điểm cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự ảo tưởng” cũng không phải là vấn đề gì mới. Cách đây hơn 20 năm (1992), cũng đã rộ lên những ý kiến cho rằng: “Không có tư tưởng Hồ Chí Minh”; "Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự huyễn hoặc!?." Về vấn đề này, giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu đã nhận xét: "Những người nói rằng không có tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 03 loại. Loại thứ nhất, nói có ác ý: "Người Việt Nam chỉ có tài bắt chước, vẹt lại những người giỏi cổ kim Đông Tây ở nước ngoài chớ không có sáng tạo tư tưởng gì hết; đến ông Hồ kia mà còn chẳng có tư tưởng gì đặc sắc cao sâu, huống chi những người khác". Loại thứ hai, không xô bồ đến thế, cho rằng nếu trong cách mạng và kháng chiến Việt Nam, mà có những nhà lý luận, nhà tư tưởng thì đó là Võ Nguyên Giáp, là Trường Chinh chớ không phải là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chỉ là người có tài tập hợp lực lượng, là người hành động giỏi, xuất sắc. Loại thứ ba, gồm những người nói rằng, Hồ Chí Minh không phải là người sáng tạo lý luận tư tưởng. Cụ gần như không có tác phẩm nào chuyên bàn về lý luận, tư tưởng. Cụ không như Lê-nin, không như Mao Trạch Đông, tuy rằng Toàn tập Hồ Chí Minh dài nhiều vạn chữ. Cụ Hồ chỉ là người đọc nhiều, nhớ nhiều, giỏi chọn những mẩu tư tưởng của người khác xưa nay và Đông - Tây rồi đem ra dùng đúng lúc, gây ấn tượng và đạt hiệu quả tuyên truyền giáo dục cao". 
Bác bỏ những ý kiến “ác ý” trên đây, giáo sư Trần Văn Giàu phân tích: "Nói rằng không có gì là "tư tưởng Hồ Chí Minh" thì cũng giống như nói rằng Cách mạng tháng Tám 1945 chỉ là việc lanh tay, lẹ chân, chìa cái rổ ra hứng quả chín đang rơi; cũng như nói rằng Pháp vốn là người thừa kế truyền thống cách mạng 1789 nên vui lòng nhả miếng mồi Đông Dương; cũng như nói rằng Mỹ giàu sụ rồi không thiết gì nữa đến việc giữ Nam Việt Nam, bèn rút quân nửa triệu và 1.000 máy bay về nước cho đỡ mệt lo... Tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn bộ tư tưởng chỉ đạo trong suốt thời kỳ lịch sử cách mạng và kháng chiến dài nửa thế kỷ".
         Trên ý nghĩa đó, có thể khẳng định về giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa nhân loại”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến