D8.MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ CỦA QUÂN ĐỘI

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ mới, cốt lõi là tin học và công nghệ thông tin, vũ khí, trang bị, phương thức, thủ đoạn tác chiến điện tử (TCĐT) đã có sự phát triển vượt bậc. Thực tế các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, nhất là chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích (1991), chiến tranh Nam Tư (1999), chiến tranh Áp- ga-ni-xtan (2001), chiến tranh Irắc lần thứ 2 (2003)…, cho thấy: TCĐT gắn liền với vũ khí công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến hiện đại; trở thành phương thức tác chiến chủ yếu, tác động trực tiếp đến thắng lợi trong chiến tranh.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nước ta (nếu xảy ra), đối phương sẽ sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao, kết hợp TCĐT với cường độ cao, quy mô lớn vào toàn bộ phổ điện từ trên chiến trường, trên tất cả các môi trường (trong vũ trụ, trên không, trên bộ, trên biển), liên tục ngày cũng như đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Với khả năng quân sự và vũ khí, trang bị TCĐT hiện đại, đối phương có thể khống chế phổ điện từ, tiến hành trinh sát điện tử, tiến công điện tử, bảo vệ điện tử có hiệu quả; phát huy sức mạnh của hệ thống C4I2SR(1) gây nhiễu, chế áp hệ thống thông tin liên lạc của ta, làm rối loạn chỉ huy, hiệp đồng, vô hiệu hóa các trang thiết bị điện tử của ta, để nhanh chóng giành thắng lợi. Vì vậy, phòng chống TCĐT của địch, bảo vệ lực lượng, phương tiện, nâng cao hiệu quả tác chiến của các lực lượng TCĐT nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, cần tập trung nghiên cứu, giải quyết.
Từ kết quả đạt được trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao khả năng TCĐT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung triển khai một số biện pháp chủ yếu sau.
1- Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của TCĐT trong điều kiện mới. Làm tốt công tác này sẽ góp phần xây dựng tinh thần và bản lĩnh chiến đấu cho bộ đội. Công tác giáo dục cần làm rõ, TCĐT là biện pháp tác chiến được thực hiện bằng các biện pháp kỹ, chiến thuật điện tử là chủ yếu (sử dụng năng lượng điện từ, năng lượng định hướng), nhằm trinh sát và chế áp các trang thiết bị điện tử của đối phương; đồng thời, bảo vệ các hệ thống điện từ của ta trước các đòn tiến công, chế áp điện tử của địch. TCĐT của địch rất lợi hại, nhưng cũng có những điểm yếu chí mạng mà ta có thể khai thác, phòng, chống đạt hiệu quả cao. Mục tiêu giáo dục là để bộ đội hiểu rõ về TCĐT, thông qua đó, tích cực, chủ động phát huy khả năng sáng tạo, tìm ra các biện pháp phòng, chống cũng như cách đánh phù hợp, hiệu quả, sát với điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Để công tác giáo dục đạt hiệu quả, cùng với chương trình, kế hoạch giáo dục, huấn luyện đã được Bộ Quốc phòng quy định, các đơn vị cần chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, các phương tiện, trang thiết bị TCĐT, nhất là những ưu, nhược điểm về vũ khí, trang bị TCĐT của địch. Đồng thời, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ về quan điểm, đường lối và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) của Đảng; vận dụng sáng tạo nghệ thuật "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều", lấy thô sơ kết hợp với hiện đại để thắng hiện đại trong phòng, chống TCĐT của địch. Theo đó, phải nắm vững phương châm chỉ đạo TCĐT là, lấy phòng, chống là chính; đồng thời, tích cực tận dụng tốt thời cơ, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, kỹ thuật và ngụy trang, nghi binh để đánh trả địch. Trong giáo dục, tùy vào điều kiện cụ thể, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp, như: lồng ghép nội dung giáo dục TCĐT với chương trình giáo dục chính trị; nói chuyện thời sự; xem phim tư liệu về khoa học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật quân sự của các nước trên thế giới, trong huấn luyện quân sự, diễn tập chiến thuật, kỹ thuật.., nhằm tạo nhiều kênh thông tin để bộ đội dễ nhớ, dễ hiểu. Thời gian qua, một số cơ quan quân sự địa phương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền mở các hội thảo, trao đổi về vai trò TCĐT trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, với sự tham gia của các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể xã hội trong và ngoài quân đội. Đây cũng là biện pháp giáo dục thiết thực; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phòng, chống TCĐT của địch trong sự nghiệp BVTQ.
2- Chú trọng kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng TCĐT; hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị TCĐT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định đến khả năng TCĐT của quân đội. Để kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng TCĐT, trước hết, chúng ta cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm xây dựng lực lượng TCĐT đồng bộ ở các cấp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tổ chức lực lượng quân đội, khả năng bảo đảm trang bị và trình độ kỹ thuật của các lực lượng TCĐT. Đối với lực lượng chuyên trách - lực lượng cơ động của Bộ (ở cấp chiến dịch, chiến lược) cần được ưu tiên phát triển hợp lý, tinh, gọn, mạnh, vừa có khả năng tác chiến trong đội hình chung, vừa có khả năng tác chiến độc lập và tác chiến cơ động linh hoạt; vừa đánh địch rộng khắp, vừa có thể tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ TCĐT trên các hướng, địa bàn chiến lược. Tùy yêu cầu, nhiệm vụ, lực lượng này có thể tổ chức theo hướng hỗn hợp, bao gồm các lực lượng TCĐT mặt đất (tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thông tin chỉ huy), lực lượng TCĐT đối không (chống địch tiến công đường không), các trung tâm trinh sát, xử lý thông tin, bố trí trên các địa bàn chiến lược của cả nước. Đối với lực lượng chuyên trách TCĐT ở cấp chiến dịch, chiến thuật, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ TCĐT cụ thể, các đơn vị xác định mô hình, quy mô tổ chức cho phù hợp, đảm bảo vai trò nòng cốt TCĐT và tham mưu cho chỉ huy các cấp, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong phòng, chống có hiệu quả TCĐT của địch. Vấn đề hết sức quan trọng trong tổ chức, biên chế lực lượng TCĐT là cần bảo đảm hệ thống, thống nhất trong toàn quân, cân đối giữa lực lượng chuyên trách của Bộ và lực lượng của các đơn vị, giữa các thành phần (chiến đấu và bảo đảm chiến đấu), cơ chế hoạt động, phối hợp tác chiến để có thể phát huy thế mạnh của từng lực lượng cũng như sức mạnh tổng hợp trong tác chiến hiệp đồng, trong các hoạt động tác chiến.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức, biên chế, cần chú trọng hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị cho các lực lượng TCĐT, theo hướng kết hợp mua sắm có chọn lọc với nghiên cứu, cải tiến, chế tạo các phương tiện TCĐT, đặc biệt cho cấp chiến thuật, chiến dịch, trên cơ sở trình độ phát triển của nền công nghệp quốc phòng và kinh tế đất nước. Để làm tốt, các đơn vị, nhất là ngành công nghiệp Quốc phòng cần coi trọng đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến các phương tiện, khí tài hiện có; đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển các phương tiện TCĐT phù hợp với khả năng và cách đánh của ta, như: các mô hình, thiết bị ngụy trang, nghi binh bằng các vật liệu đơn giản, rẻ tiền, các kỹ thuật chống trinh sát và chế áp điện tử…; chú trọng đầu tư mua sắm có chọn lọc các phương tiện, khí tài TCĐT hiện đại, nhất là bản quyền công nghệ; trên cơ sở đó, sản xuất và nghiên cứu cải tiến, phát triển các trang thiết bị TCĐT hiện đại của ta.
3- Nghiên cứu phát triển phương thức và nghệ thuật TCĐT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới. Từ thực tế nền kinh tế và khoa học- công nghệ của đất nước có thể thấy, hiện nay và một số năm tới, so sánh tương quan về TCĐT của đối phương vẫn chiếm ưu thế hơn ta. Vì vậy, quan điểm, phương châm chỉ đạo của chúng ta là lấy phòng, chống là chính; đồng thời, sẵn sàng tập trung đánh trả vào các mục tiêu trọng yếu, thời điểm quan trọng. Theo đó, để chủ động phòng, chống có hiệu quả hoạt động TCĐT của địch, chúng ta phải xây dựng toàn diện cả 3 nội dung (trinh sát điện tử, chế áp điện tử, bảo vệ điện tử); trong đó, lấy trinh sát điện tử và bảo vệ điện tử là trọng tâm. Đối với trinh sát điện tử, cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để thu thập, tổng hợp nắm chắc thông tin về âm mưu, thủ đoạn của địch, nhất là tính năng kỹ thuật, chiến thuật các phương tiện TCĐT của chúng, từ đó tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của nó để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Đối với bảo vệ điện tử, cần chuẩn bị tốt mọi biện pháp ngay từ thời bình; trong đó, coi trọng công tác huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ về chống trinh sát điện tử của địch; đồng thời, sử dụng tổng hợp các biện pháp ngụy trang, nghi binh, chống trinh sát và chế áp điện tử của địch. Kết hợp các biện pháp bảo vệ và tự phòng vệ, lấy tự phòng vệ là chính; tích cực lợi dụng địa hình, địa vật hiểm yếu để nâng cao khả năng phòng tránh, cơ động lực lượng, chuyển hóa thế trận, tăng cường các biện pháp bảo mật, nhất là bảo mật thông tin điện từ… Đối với chế áp điện tử, các đơn vị cần coi trọng huấn luyện các biện pháp kết hợp kỹ thuật và chiến thuật; kết hợp phương tiện TCĐT thô sơ với hiện đại để nâng cao khả năng gây nhiễu, chế áp, phá hoại thông tin, chỉ huy của địch; từng bước nghiên cứu phát triển lực lượng tác chiến mạng, tiến công điện tử vào hệ thống C4I2SR của đối phương. Đồng thời, chú trọng phương án, kế hoạch sử dụng hỏa lực tập trung của các lực lượng, nhất là của Pháo binh, Phòng không - Không quân, Hải quân, Đặc công…, để tiêu diệt các phương tiện, các mục tiêu trọng yếu trong đội hình chiến đấu của địch. Trên cơ sở lí luận tác chiến binh chủng hợp thành, cần tập trung nghiên cứu lí luận sử dụng TCĐT trong các hình thức chiến thuật, các hình thức tác chiến trong chiến tranh nhân dân BVTQ.
4- Nghiên cứu và từng bước triển khai xây dựng thế trận TCĐT ở các cấp. Đây là một nội dung quan trọng và phải nghiên cứu, từng bước triển khai xây dựng thế trận TCĐT vững chắc ở các cấp ngay từ thời bình, bổ sung khi có chiến tranh. Thế trận TCĐT là thế bố trí lực lượng TCĐT cơ động của Bộ trên từng vùng chiến lược, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thường xuyên, sẵn sàng tăng cường, chi viện cho các chiến dịch mở ra trên các khu vực chiến trường; thế bố trí lực lượng TCĐT của các quân khu, các quân, binh chủng, quân đoàn trong các KVPT tỉnh (thành phố). Trong đó, các lực lượng TCĐT chuyên trách phải được xây dựng làm lực lượng nòng cốt trong các khu vực đảm nhiệm. Một yêu cầu quan trọng là thế trận TCĐT phải được kết hợp chặt chẽ với thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận thông tin liên lạc quân sự, thế trận của các lực lượng bưu chính-viễn thông dân sự…, trên địa bàn cả nước. Việc bố trí, triển khai lực lượng TCĐT phải căn cứ theo các phương án tác chiến phòng thủ của các cấp, có sự kết hợp chặt chẽ lực lượng TCĐT của các cấp trong thực hiện nhiệm vụ. Khi chuẩn bị và xây dựng các khu vực, trận địa TCĐT phải đảm bảo vừa có các khu vực, trận địa chính thức, vừa có khu vực, trận địa dự bị và chuẩn bị chu đáo đường cơ động đến các khu vực, trận địa trên.
5- Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và diễn tập, hợp luyện các lực lượng TCĐT. Do chúng ta chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành TCĐT, đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ TCĐT chủ yếu được tuyển từ các ngành kỹ thuật của các quân, binh chủng; do vậy, cần nghiên cứu tổ chức trung tâm huấn luyện, đào tạo chuyên ngành TCĐT, làm cơ sở để khi đủ điều kiện phát triển thành cơ sở đào tạo chuyên ngành TCĐT. Cùng với đó, từng đơn vị cần chú trọng xây dựng các kíp TCĐT giỏi, tổ chức huấn luyện tổng hợp, huấn luyện trinh sát TCĐT với gây nhiễu chế áp điện tử của địch; tổ chức diễn tập hiệp đồng với các đơn vị TCĐT chuyên trách. Đối với các đơn vị được biên chế các trang bị, phương tiện điện tử, cần tổ chức diễn tập các nội dung bảo vệ điện tử trong điều kiện địch tổ chức trinh sát, chế áp điện tử mạnh.
Thiếu tướng ĐỖ PHÚC HƯNG
Cục trưởng cục Tác chiến Điện tử

Nhận xét

Bài đăng phổ biến