Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, một con người tận tụy hết lòng vì nhân dân, vì đất nước.



Tổng bí thư Đỗ Mười sinh ngày 02 tháng 02 năm 1917, ông sinh ra tại quê hương tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh TrìHà Nội, xuất thân trong một gia đình trung nông. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ lãnh đạo một tỉnh, một khu hay một bộ, ngành, một lĩnh vực rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cả khi đã nghỉ hưu, đồng chí Đỗ Mười đều để lại dấu ấn rất quan trọng, những tình cảm trong sáng với đồng bào, đồng chí.
Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù bận trăm công ngàn việc đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền. Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội ta. “Những ai có điều kiện tiếp cận, gặp gỡ, gần gũi với đồng chí Đỗ Mười đều dễ dàng nhận thấy ở đồng chí, một cuộc sống thật giản dị, thanh bạch, khiêm tốn và cả khoan dung độ lượng, một bộ óc sáng suốt đầy trí tuệ vì Đảng, vì dân, vì nước, luôn luôn say mê vì sự nghiệp của nước, của dân, của Đảng”
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Ðỗ Mười được Trung ương Ðảng tin tưởng điều về làm lãnh đạo ở những địa bàn khó khăn, phức tạp là vùng tạm chiếm ở đồng bằng sông Hồng, Liên khu III..., nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra, ổn định tình hình, xây dựng phong trào cách mạng. Ở vị trí công tác nào, đồng chí đều nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng tập thể đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Khi nổi lên vấn đề chống cách mạng hết sức phức tạp của người Công giáo ở tỉnh Ninh Bình, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định điều đồng chí về tăng cường cho Tỉnh ủy Ninh Bình. Chỉ trong một thời gian không lâu trên cương vị mới, đồng chí Ðỗ Mười đã làm rất tốt công tác đoàn kết Công giáo. Ðồng chí có sáng kiến và đề nghị Khu ủy Khu III cho thành lập Ủy ban liên lạc những người Công giáo kháng chiến kính Chúa, yêu nước; vận động đông đảo bà con Công giáo đi theo ủng hộ cách mạng. Trên những cương vị mới, đồng chí đã chỉ đạo, tổ chức được nhiều trận đánh du kích, tấn công hiệu quả nhiều đoàn tàu chở lính, vũ khí và lương thực của địch từ Hải Phòng lên tiếp viện cho Ðiện Biên Phủ; đột nhập Sân bay Cát Bi, đốt cháy hàng chục máy bay địch, khiến cho việc chi viện của Pháp gặp nhiều khó khăn, góp phần vào chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954.
Tại Ðại hội VII của Ðảng (tháng 6-1991), đồng chí Ðỗ Mười được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; Bí thư Quân ủy Trung ương. Tại Ðại hội VIII của Ðảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng; Bí thư Quân ủy Trung ương. Ðảm nhiệm vai trò người lãnh đạo cao nhất của đất nước giữa lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước vô cùng khó khăn, đồng chí Ðỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị bám sát thực tiễn, đoàn kết, kiên trì, vững tay chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua sóng gió, không "chệch hướng", kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm tòi những quyết sách mới, từng bước triển khai thực hiện thành công các chỉ thị, nghị quyết về thời kỳ đầu sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam.
Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ tư khóa VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, thôi giữ chức Tổng Bí thư; được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đến năm 2000. Không còn giữ trọng trách, nhưng con người hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười vẫn hoạt động không ngừng. Ðồng chí vẫn hằng ngày tự học thông qua sách báo, luôn đau đáu với sự nghiệp đổi mới đất nước và đời sống nhân dân; thường xuyên quan tâm theo dõi, động viên, giúp đỡ cho thế hệ lãnh đạo Trung ương và địa phương những ý kiến quý báu; là bậc tiền bối, chỗ dựa cho cán bộ và nhân dân.
Sau khi nghỉ công tác, đồng chí Ðỗ Mười vẫn luôn đau đáu suy nghĩ, lo toan những vấn đề của đất nước, của Ðảng và sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ðặc biệt, đồng chí dành nhiều tình cảm cho thế hệ trẻ và sự nghiệp giáo dục của Thủ đô. Trên quê hương Ðông Mỹ, Quỹ Khuyến học mang tên Tổng Bí thư Ðỗ Mười đã ra đời để động viên, khuyến khích tuổi trẻ quê hương tiếp tục rèn đức, luyện tài, tiếp bước thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ngày 29-8-2003, UBND quận Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Trường THCS Ðền Lừ II. Ðây là món quà vô cùng ý nghĩa do nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười tặng. Ngôi trường mới được xây dựng khang trang trong quần thể quy hoạch Khu đô thị Ðền Lừ hiện đại, phù hợp với việc phát triển mạng lưới trường học Thủ đô, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân thành phố.
Thăng Long - Hà Nội là nơi sinh ra những người con ưu tú cũng chính là quê hương của đồng chí Ðỗ Mười. Mảnh đất địa linh, nhân kiệt đã sinh ra, tiếp sức và nuôi dưỡng con người đồng chí lớn lên, trưởng thành với những phẩm chất cao quý. Ðáp lại, bằng cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến trọn đời vì dân, vì nước đầy vinh quang, đồng chí đã làm rạng rỡ thêm truyền thống, lịch sử hào hùng và trở thành niềm tự hào của Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô.
Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của đời người. Ở tuổi 101, xưa nay hiếm, đồng chí Ðỗ Mười đã từ biệt chúng ta về với các cụ Các Mác, Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất to lớn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta, đối với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội.
Tiễn biệt đồng chí nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười, chúng ta bày tỏ trân trọng, biết ơn những công lao đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Noi gương đồng chí, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu gương mẫu đi đầu, giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển chung, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

                                                                                                      Người viết Phạm Duy Đông, ct,c4,d2

Nhận xét

Bài đăng phổ biến