MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHÒNG, CHỐNG NGUY CƠ “TỰ DIỄN BIẾN” HIỆN NAY


MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHÒNG, CHỐNG NGUY CƠ “TỰ DIỄN BIẾN” HIỆN NAY

Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên thể hiện ngay ở hành vi, lối sống, quá trình công tác và thực hiện nhiệm vụ. Bản lĩnh đó được rèn luyện trong học tập và làm việc; nó là sự kết tinh các phẩm chất tâm lý tích cực, tốt đẹp để từ đó thể hiện ra ngoài bằng các hành động thể hiện sự kiên định, ý chí trung thành với “lý tưởng” mà mình đã tin, đã yêu và đã chọn. Bản lĩnh chính trị thể hiện ở sự vững vàng của quan điểm, lập trường; ở sự “nhạy bén chính trị”, sự tôn trọng chuẩn mực “chân, thiện, mỹ” để ứng xử một cách độc lập, sáng tạo trong đời sống chính trị - xã hội.
Hiện nay, bản lĩnh chính trị đang là yêu cầu hàng đầu trong việc nâng cao năng lực hoạt động và đạo đức của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước nói chung và quân đội nói riêng. Bản lĩnh chính trị giúp cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, tận tụy phục vụ Nhà nước, nhân dân; tránh được các âm mưu “diễn biến”, các cám dỗ tư lợi cá nhân. Trong các nguy cơ đó, vấn đề “tự diễn biến” trong suy nghĩ, hành động của cán bộ đảng viên sẽ rất bất lợi, nguy hại cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; do đó việc phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” bằng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị là rất quan trọng. Tự diễn biến là nói nhận thức tư tưởng từ mặt đúng, mặt tốt, mặt vững vàng, trung kiên chuyển hóa thành mặt xấu; dù chưa phải nhưng nếu không phòng, có thể trở thành chống đối và bị kẻ thù lợi dụng. Tự diễn biến có thể diễn ra trên các mặt tư tưởng, phẩm chất đạo đức và chính trị rồi dẫn tới hành vi, lối sống tha hóa, biến chất. Do vậy, quan trọng nhất là phải phòng, chống nó trong tâm tư, lý tưởng và phẩm chất chính trị mỗi cán bộ, đảng viên.
Do đó, muốn thực hiện việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị để phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên các cấp cần tập trung thực hiện tốt một sô biện pháp sau.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ trong đó nhấn mạnh việc “làm theo”. Học Bác tốt nhất là phải gắn “nói” đi đôi với “làm”, phải kiểm tra, đánh giá kết quả. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải là tấm gương tiến bộ, trong sáng; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật để cho cấp dưới và mọi người noi gương. Phải để rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu, là “cái gốc” trong xây dựng người cán bộ, đảng viên mới hiện nay. Đã là cán bộ thì phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nếu không sẽ dẫn tới thoái hóa, biến chất và tiêu cực. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải năng động sáng tạo, vận dụng tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công việc lãnh đạo, quản lý của mình - đó cũng là việc thể hiện bản lĩnh chính, đồng thời là các giải pháp ngăn ngừa “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, phải tự giác rèn luyện, hun đúc phẩm chất chính trị qua học tập lý luận, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ phải nắm vững lý luận và am hiểu thực tiễn. Đây cũng là việc thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên và góp phần phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt, trong công tác tổ chức, cũng như trong xây dựng Đảng và Nhà nước. Yêu cầu chủ đạo là phải kết hợp hài hòa, cân đối giữa tập trung và dân chủ giúp tổ chức luôn nhất trí, đồng thuận và sáng tạo trong các hoạt động chính trị - xã hội. Bởi vì, độc đoán, chuyên quyền, mất đoàn kết, thiếu nhất trí dẫn đến chia rẽ, lục đục là cơ hội cho “tự diễn biến” hình thành, phát huy tác hại khôn lường.
Thứ tư, cần yêu cầu thực hiện mạnh dạn hơn, công khai hơn trong việc tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao kỷ cương và niềm tin cho cán bộ và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới do Đảng và Nhà nước. Tự phê bình và phê bình giúp cán bộ, đảng viên ngày càng “hồng” và “chuyên”, có phẩm chất đạo đức cá nhân trong sáng và cầu thị hơn. Từ đó khắc phục được nguy cơ “tự diễn biến” trong quá trình phụng sự đất nước, nhân dân. Điều này càng củng cố niềm tin của nhân dân vào tương lai phát triển của đất nước, hình thành sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện thành công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tóm lại, muốn thực hiện việc nâng cao bản lĩnh chính trị để phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên các cấp… chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như của Đảng và Nhà nước ta hiện nay để “Xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí… có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
- Thiện Tâm -


Nhận xét

Bài đăng phổ biến