HÀNH ĐỘNG SAU LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

     Chiều qua (25-10), Quốc hội khóa XIV đã chính thức công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội (QH) bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một trong những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm, bởi lẽ việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ của QH đối với các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn mà còn là dịp cử tri “sát hạch” các đại biểu QH cả về tâm, tầm, trí, đặc biệt là sự khách quan, trung thực, công bằng.
     Thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu trong danh sách về số phiếu tín nhiệm cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất trong khối Chính phủ. Không chức danh nào có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp và phải ở vào trường hợp "có thể xin từ chức" theo quy định.

       Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm làm hài lòng đại đa số cử tri cả nước bởi các đại biểu QH đã thể hiện đúng tâm tư và nguyện vọng của họ. Thế nhưng điều mà cử tri quan tâm nhiều hơn là hành động của những người được lấy phiếu tín nhiệm và các đại biểu QH sau lần “sát hạch” này.
Phát biểu với báo chí sau khi QH công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, người nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất cho rằng: “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.
       Suy nghĩ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là mong muốn của cử tri và đúng như tinh thần Nghị quyết số 85/2014/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn: “Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH, HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ”.
     Phát biểu khi tiếp xúc cử tri Hà Nội trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV, Tổng Bí thư (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm vừa động viên, vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở". Cử tri mong muốn các vị lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm cao hãy sáng tạo hơn nữa và đặc biệt, cần phát huy cao độ sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thật sự xứng đáng với sự tín nhiệm đã công bố. Các vị lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm chưa cao cần cố gắng nhiều trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Tất cả những người được lấy tín nhiệm hãy thể hiện quyết tâm bằng những hành động quyết liệt, cụ thể để có thể phát huy được ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Các vị đại biểu QH, những người đã dùng lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của mình hãy tiếp tục động viên, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người được tín nhiệm hành động.
         Được biết, trên cơ sở phiếu tín nhiệm của QH, cuối năm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Đây cũng là cách giám sát mới giữa nhiệm kỳ để nhắc nhở, động viên, cũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với tất cả cán bộ, công chức trong bộ máy của Đảng và bộ máy Nhà nước.
      Cũng trong ngày hôm qua (25-10), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định mới này sẽ là cẩm nang cần thiết để tất cả cán bộ, đảng viên soi lại mình trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, phấn đấu rèn luyện sau khi được lấy phiếu tín nhiệm và là cơ sở để quần chúng nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến