Hãy cảnh giác với những thông tin bịa đặt sai sự thật


Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá về an ninh mạng 6 tháng đầu năm 2018 của BKAV cho biết: Có gần 70% người dùng ở Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có trên 40% là nạn nhân hằng ngày. Ðây là số liệu thống kê mà chúng ta cần quan tâm, nhất là trong điều kiện các loại tin tức giả mạo do các thế lực thù địch thường xuyên gieo rắc trên Internet nhằm đầu độc người nhẹ dạ, cả tin hoặc kích động những ai vì nhận thức cảm tính mà dễ bức xúc, tự đẩy mình tới hành vi vi phạm pháp luật...

1. Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động thông tin bịa đặt sai sự thật. 

Sau khi sự kiện gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 10/6/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã khởi tố bị can với một số cá nhân, trong đó có Nguyễn Minh Kha, cho phép người này được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật Nguyễn Minh Kha đã tự ý bỏ đi, buộc cơ quan công an phải phát lệnh truy nã. Các thế lực thù địch ngay lập tức đã lợi dụng sự việc, dựng chuyện cho rằng Nguyễn Minh Kha bị công an "đánh trọng thương và đã chết". VOA, RFA đã đưa tin, kích động một số người kéo đến cơ quan công an để gây rối. Nhưng vài ngày sau, Nguyễn Minh Kha trở về, được mẹ đẻ đưa ra đầu thú. Tại cơ quan công an, mẹ của Nguyễn Minh Kha đã rất phẫn nộ trước việc một số kẻ tung tin con trai mình đã chết. Bức ảnh Nguyễn Minh Kha còn sống khỏe mạnh, cũng như việc một số người dân ở Bình Thuận bất bình cho biết có kẻ gọi điện hỏi thăm rồi cắt xén, lắp ghép câu trả lời của họ thành các nội dung bịa đặt sai sự thật.

Cùng với BBC, VOA, RFA… các thế lực thù địch còn huy động một số tổ chức mang danh quốc tế như: Theo dõi nhân quyền (HRW); Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ); Nhà tự do (FH); Phóng viên không biên giới (RSF)… để chống phá Việt Nam. Ngày 22/6 vừa qua, trên các trang mạng lề trái đã đưa các tin tức liên quan đến Trần Thị Xuân do HRF cung cấp là hoàn toàn trái ngược với sự thật. Bởi vì, việc bắt giữ Trần Thị Xuân được thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan pháp luật của Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về việc Trần Thị Xuân là người đã nhận tiền của các tổ chức khủng bố, lưu vong ở nước ngoài…. Hơn nữa, Trần Thị Xuân đã nói trước và sau phiên tòa: "Tôi nhận thấy những hành vi trên là vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật Việt Nam. Bản thân tôi xin một lần nữa được nói lời xin lỗi đến chính quyền và nhân dân hãy tha thứ cho tôi. Qua đây, tôi cũng xin nhắn gửi tất cả những người, đặc biệt là người trẻ đừng vì bất cứ một lý do nào đó mà nghe lời xúi giục của các tổ chức phản động, vi phạm pháp luật".

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã biến internet, mạng xã hội, thành nơi truyền tải tin tức giả mạo, mục đích là gây hoang mang, nghi ngờ, gieo mầm và hướng sự bức xúc của người dân vào vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, nhằm tác động và lũng đoạn niềm tin xã hội, đẩy tới hành vi chống đối. Có thể liệt kê một số sự kiện dối trá tiêu biểu của họ như: tung tin Nguyễn Văn Hải bị "đánh gãy tay trong tù", song thực tế khi được ra tù Nguyễn Văn Hải đã đến định cư tại Mỹ và hai tay vẫn lành lặn nguyên vẹn; sử dụng ảnh cá chết dày đặc ở hồ Mona (Michigan, Mỹ) năm 2008 để bịa chuyện cá chết ven biển miền trung Việt Nam năm 2016; đưa tin công an đàn áp người dân Công giáo, trong khi đó hình ảnh tại hiện trường lại cho thấy một số người theo Công giáo đã đập phá xe cảnh sát và trụ sở chính quyền, tràn ra đường gây tắc nghẽn giao thông...

Hiện nay, Ðảng và Nhà nước ta đang quyết liệt chống tham nhũng, được nhân dân và dư luận xã hội hết sức đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao cũng bị xuyên tạc, bịa đặt thành chuyện "đấu đá nội bộ". Luật An ninh mạng được thông qua để bảo vệ sự phát triển đất nước, bảo vệ người sử dụng internet bị xuyên tạc thành chặn Facebook, Google, "ngăn dòng chảy cuộc sống"…

2. Mọi người cần cảnh giác và bác bỏ mọithông tin bịa đặt, sai sự thật.

Ðể phòng và chống thủ đoạn trên, cần phải khẳng định một nguyên tắc đó là người tiếp xúc thông tin cần tự xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo trong mọi điều kiện hoàn cảnh, để luôn nhận thức, phân biệt đúng sai. Không vội vàng đưa ra ý kiến riêng về vấn đề, sự kiện khi chưa tìm hiểu ngọn ngành, kỹ lưỡng, không để bị số đông lôi kéo. Ðồng thời cũng cần phải có chính kiến, dũng cảm lên tiếng phê phán sự giả dối của những thông tin sai sự thật. Trên phương diện xã hội, cùng với việc các cơ quan thực thi pháp luật nghiêm khắc xử lý hành vi truyền bá tin tức giả mạo gây tác hại đối với xã hội. Đối với các cơ quan, các cá nhân bị đưa tin giả mạo, không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ, hay lơ là, mất cảnh giác, mà cần phải chủ động, nhanh chóng công khai bác bỏ những thông tin sai sự thật. Chủ động, nhanh chóng, kịp thời công khai bác bỏ là biện pháp giúp dư luận sớm nắm bắt được bản chất của vấn đề, không bị thông tin giả mạo làm nhiễu loạn và mê hoặc. Đặc biệt là ngăn chặn và không để thông tin sai sự thật tác động xấu đến xã hội. Trong mọi hoàn cảnh và dù phải đối diện với thế lực có mưu mô đen tối như thế nào đi chăng nữa, thì sự tỉnh táo cùng với ý thức chủ động dựa vào sự thật là cơ sở tạo dựng cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và toàn xã hội khả năng bác bỏ mọi sự giả dối, bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch tiến hành.

-MD27-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến