Đấu tranh chống “giặc nội xâm”

Đấu tranh chống “giặc nội xâm”

Trong bài phát biểu ấy, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương chọn ba vấn đề đang thực sự cấp bách, đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Mà trọng tâm của ba trọng tâm ấy, theo Tổng Bí thư, chính là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Nói về thực trạng công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay”. Quay trở lại với lịch sử của dân tộc ta những ngày đầu từ khi Đảng mới thành lập cho đến khi Đảng lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945; lúc đó, một Đảng dù rất non trẻ, chỉ mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã làm nên điều thần kỳ mang tên Việt Nam. Thành công ấy chính là nhờ một loạt các yếu tố và không thể không nhắc đến vai trò của một Đảng dù trẻ tuổi, đảng viên không nhiều nhưng mỗi đảng viên của Đảng thực sự là một chiến sĩ tiên phong, được dân tin, dân phục, dân yêu. Bài học xây dựng Đảng như thế, đã có từ những ngày đầu của cách mạng.
Ngay trong giai đoạn 25 năm đổi mới, cùng với tác động của tình hình thế giới biến động ngày càng phức tạp; cũng như sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Nhiệm vụ phát triển kinh tế phải luôn luôn song hành với nhiệm vụ xây dựng Đảng; phải coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Vấn đề này đã tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra hôm 26-12 và đề nghị BCH TƯ bàn bạc, tìm nguyên nhân, phân tích một cách thấu đáo: Vì sao mặc dù công tác xây dựng Đảng rất được Trung ương coi trọng; đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay... nhưng kết quả lại vẫn chưa được như mong muốn? Vì sao, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao chẳng những chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng?
Nói như vậy cũng tức là Trung ương và Bộ Chính trị đã nhận thấy một vấn đề hết sức hệ trọng nảy sinh trong công tác cán bộ, trong công tác xây dựng Đảng cần đặc biệt lưu tâm và giải quyết thấu đáo. Nhất là, trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang tập trung cho công cuộc phát triển đất nước theo tinh thần ĐH Đảng XI. Cũng tại ĐH XI, Đảng ta đã ra Nghị quyết trong đó chỉ rõ: Cần đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Muốn như vậy, ai cũng hiểu và mỗi đảng viên lại càng hiểu: Bản thân Đảng phải thật sự cách mạng và mỗi đảng viên của Đảng cũng phải là một người cách mạng có đạo đức; chứ "không có đạo đức dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Còn nhớ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ít lần đề cập đến cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm” đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, muốn chống được loại giặc này thì chẳng có cách nào khác là không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức: "Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”.
Phải chăng chính vì sự khó khăn, đau xót ấy hay phải chăng vì sự tự bằng lòng, thỏa hiệp với chính mình, sự "ngủ quên trong thành công” mà đã có không ít cán bộ, đảng viên tự đánh mất mình lúc nào không hay biết? Điều này đã kéo theo một nguy cơ hay nói cách khác là một hệ quả xấu: Đánh mất luôn niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ đảng viên. Chưa bao giờ, trong lịch sử Đảng, chúng ta có một đội ngũ mạnh về số lượng như hiện nay với hơn 3,6 triệu đảng viên. Nếu mỗi đảng viên trong đội ngũ 3,6 triệu đảng viên ấy thật sự mạnh thì vai trò lãnh đạo của Đảng tại mỗi tổ chức cơ sở Đảng sẽ thật sự mạnh, đóng góp không nhỏ cho sự lãnh đạo phát triển đất nước. Nhưng, đáng buồn, cũng vào thời điểm này, lối sống của một bộ phận không nhỏ những "con sâu” trong đội ngũ đảng viên đã khiến cho quần chúng nhân dân có cái nhìn trái chiều về Đảng, về đội ngũ đảng viên nói chung. Cái nhìn trái chiều ấy chính là nguồn cơn của sự xói mòn lòng tin mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đề cập. Mặt khác, sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ đảng viên cũng xuất phát từ tâm lý muốn "dĩ hòa vi quý” trong nội bộ các tổ chức Đảng. Đã có lúc, có nhiều nơi xem nhẹ công tác tự phê bình và phê bình vì sự nể nang, né tránh; sợ đồng chí của mình "đau” mà quên mất, mục đích cao nhất của tự phê bình và phê bình là: Làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi; làm cho các tổ chức Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh; để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng; để các tổ chức Đảng và đảng viên luôn luôn hoàn thiện mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao cho.
Nguy cơ của sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang đặt công tác xây dựng Đảng trong một bối cảnh mới. Đấu tranh với cái xấu, cổ vũ cái tốt, phát huy cái tốt, cái tích cực, nhất là trong công tác xây dựng Đảng bao giờ và lúc nào cũng là công tác chính trị quan trọng nhất của Đảng. Vấn đề là cần phải tìm đúng căn nguyên, bắt đúng bệnh để có biện pháp chữa trị hữu hiệu, không cực đoan, một chiều; vừa thể hiện tinh thần quyết tâm, sự thống nhất cao nhằm đề ra những biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi và quan trọng là không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Quyết tâm chính trị đi đôi với hành động chính trị đúng đắn trong thời điểm này sẽ tạo tiền đề, tạo bước chuyển thật sự trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay. 
5B v

Nhận xét

Bài đăng phổ biến