Không thể xuyên tạc chức năng lao động, sản xuất của Quân đội


Không thể xuyên tạc chức năng lao động, sản xuất của Quân đội


Thời gian gần đây, lợi dụng vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Đồng Tâm và việc sử dụng đất quốc phòng để làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, các thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị đã “tát nước theo mưa” để xuyên tạc, chống phá chức năng lao động, sản xuất của Quân đội ta. Chúng đưa ra nhiều lập luận mù mờ rồi kết luận rằng, không có cơ sở lý luận nào để khẳng định chức năng lao động sản xuất của quân đội. Đây là những luận điệu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm mục đích làm thay đổi bản chất, chức năng của quân đội ta, tiến tới phủ nhận và làm suy yếu sức mạnh quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới – quân đội của Nhà nước vô sản đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái đó.
Với thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, cùng với sự kết hợp sáng tạo phương pháp lôgíc và lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen lần đầu tiên trong lịch sử đã luận giải một cách đúng đắn về nguồn gốc, bản chất và chức năng của quân đội. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen: Quân đội là lực lượng vũ trang chuyên biệt do nhà nước tổ chức và nuôi dưỡng nhằm mục đích tiến hành các cuộc “chiến tranh tiến công hay chiến tranh phòng ngự. Quân đội, xét đến cùng, có chức năng chiến đấu chống các loại kẻ thù để phục vụ nhà nước và giai cấp tổ chức ra nó. Chức năng chiến đấu là chức năng cơ bản, xuyên suốt của quân đội, tuy nhiên để thực hiện được chức năng đó và ngoài chức năng đó quân đội còn phải thực hiện các chức năng khác do nhà nước và giai cấp tổ chức ra nó giao phó. Do vậy, việc quân đội thực hiện chức năng lao động, sản xuất cũng là tất yếu khách quan.
Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định rõ: mối quan hệ biện chứng giữa quân đội với nền kinh tế. Quân đội vừa phụ thuộc vào nền kinh tế quốc dân vừa có vai trò tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, kinh tế quyết định đến trạng thái chính trị tinh thần của người lính, quyết định đến tổ chức biên chế, trang bị vũ khí, đồng thời quyết định đến chiến lược, nghệ thuật, cách đánh và sức mạnh của quân đội. Tuy nhiên, quân đội không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế mà còn có vai trò tích cực đến sự phát triển kinh tế. C.Mác đã chỉ rõ: “Lịch sử quân đội xác định một cách rõ ràng hơn hết sự đúng đắn của quan điểm của chúng ta về mối liên hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội. Nói chung quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”[1]. Trên một góc độ nào đó, nhu cầu xây dựng quân đội cũng là một động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, cũng như bản thân tổ chức quân sự có ảnh hưởng tích cực đến sản xuất và đời sống xã hội. Quân đội là lực lượng nòng cốt giữ vững hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển; đồng thời quân đội còn trực tiếp tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân. Ph.Ăngghen đã chỉ ra mối liên hệ giữa chiến tranh và kinh tế, chiến tranh và chính trị; sự phụ thuộc của phương thức tiến hành chiến tranh, tổ chức và sức mạnh quân sự của nhà nước với quân đội làm nòng cốt vào chế độ kinh tế, xã hội, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ông khẳng định: Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế tiên quyết hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Ông cũng tập trung nghiên cứu, luận giải một cách biện chứng về sự chuyển hóa lượng – chất trong sức mạnh quân sự của nhà nước, về sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với sự hoàn thiện trình độ tổ chức quân sự trong mối tương quan với các tiền đề kinh tế – xã hội và chính trị – xã hội; chỉ ra sự tăng cường sức mạnh quân sự của bất cứ nhà nước nào cũng không thoát khỏi những điều kiện kinh tế. Bởi, theo Ph. Ăngghen, thắng lợi của bạo lực dựa vào việc sản xuất vũ khí và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung.
V.I.Lênin là người trực tiếp vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng, quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về vấn đề xây dựng, tăng cường sức mạnh quân sự của nhà nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và các thành quả của cách mạng. V.I. Lê-nin cho rằng, quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản có vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế. Cho nên, ngay từ những năm đầu xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I.Lê-nin đã quan tâm đến việc sử dụng quân đội vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế. Người chỉ ra rằng: “Cần phải tập trung toàn lực vào nhiệm vụ đó, cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự đã biểu lộ rõ tác dụng của mình trong việc xây dựng quân sự. Đó là tình hình đặc thù, là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động…”[2].
Trong chỉ đạo thực tiễn, V.I.Lênin đề xuất chuyển một số đơn vị chính quy của Hồng quân thành những đội quân lao động để xây dựng kinh tế trong tình hình Nhà nước xôviết đã bước sang thời kỳ ngừng chiến từ đầu năm 1920, nhưng luôn luôn vẫn còn khả năng bọn đế quốc sẽ tái diễn việc vũ trang can thiệp. Người nói: “Nhiệm vụ chuyển từ chiến tranh sang công cuộc hòa bình xây dựng đã xuất hiện trong những điều kiện hết sức đặc biệt khiến cho chúng ta không thể giải ngũ quân đội được, vì chúng ta phải tính đến chẳng hạn khả năng tấn công của chính nước Ba Lan hoặc của một cường quốc nào đó hiện vẫn đang bị Đồng minh tiếp tục xúi giục chống lại chúng ta”[3]. Theo đề xuất của V.I.Lênin, vấn đề sử dụng các đơn vị quân đội trên mặt trận kinh tế đã được thảo luận trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Nga. Sau đó, theo quyết định của Chính phủ Xôviết, một bộ phận lực lượng quân đội đã được chuyển sang làm công tác khôi phục giao thông vận tải, công nghiệp nhiên liệu và một số quân đoàn được tổ chức thành quân đoàn lao động. Cùng với việc chuyển một số đơn vị của Hồng quân sang thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, phát triển kinh tế, V.I.Lênin cũng đề xuất chuyển một số nhà máy quốc phòng sang làm các công việc có lợi ích kinh tế là sản xuất các dụng cụ, máy móc nông nghiệp, sản xuất và sửa chữa các đầu máy xe lửa… Mặc dù việc thành lập những quân đoàn lao động được coi là một biện pháp tạm thời, chỉ cần thiết trong điều kiện cụ thể của thời kỳ tạm ngừng chiến nhằm giải quyết những nhiệm vụ kinh tế theo “chính sách cộng sản thời chiến”, song tư tưởng của V.I.Lênin đã sớm đặt nền móng hình thành lý luận về chức năng, nhiệm vụ xây dựng kinh tế của quân đội kiểu mới của nhà nước vô sản.
Tóm lại, nói đến quân đội là nói đến chức năng chiến đấu bằng bạo lực vũ trang, nhưng nói đến quân đội vô sản thì cùng với việc khẳng định chức năng chiến đấu là chức năng cơ bản hàng đầu của nó như một tất yếu, cần phải thấy được sự xuất hiện của các chức năng khác cũng là tất yếu và là một vấn đề hiện thực. Đây chính là sự khác nhau căn bản về chức năng, nhiệm vụ của quân đội của giai cấp vô sản – quân đội kiểu mới – so với các kiểu quân đội trước đó. Những cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin đã chỉ ra trên đây là minh chứng sát thực nhất để phản bác lại các quan diểm sai trái của các thế lực thù địch và các đối tượng cơ hội chính trị khi cố tình xuyên tạc chức năng lao động, sản xuất của quân đội ta./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến