Vượt qua mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” – chủ nghĩa Mác bất diệt

Vượt qua mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” – chủ nghĩa Mác
bất diệt

Lê-nin khẳng định: Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản.
  
Các Mác – nhà tư tưởng vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập học thuyết cách mạng dẫn dắt giai cấp công nhân, các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh cách mạng tự giải phóng. Cuộc đời và sự nghiệp của Các Mác đã đi vào lịch sử của nhân loại như một vĩ nhân, mẫu mực về những đóng góp khoa học và tình cảm cách mạng cao cả, đúng như Ăng-ghen nói: “Tên tuổi Người, sự nghiệp của Người sống mãi nghìn thu”.

Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm và học thuyết của Mác. Mác đã kế thừa và hoàn chỉnh một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX, thuộc ba nước tiên tiến nhất của loài người: Triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

Trong di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của Mác, có thể nêu lên một số cống hiến nổi bật sau đây:

Một là: Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới.

Các Mác đã xây dựng nên phép biện chứng duy vật. Triết học duy vật biện chứng của Mác đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình, coi thế giới là do thần linh sáng tạo ra, vĩnh viễn không thay đổi, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào số mệnh, may rủi, lịch sử xã hội là do ý muốn của thượng đế, hay của vua chúa, anh hùng tạo nên.

Triết học duy vật biện chứng vạch rõ thế giới bao gồm vô số sự vật và hiện tượng muôn hình muôn vẻ, vốn có một cách khách quan, không do một sức mạnh huyền bí nào tạo ra, luôn luôn ở trong sự liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, ở trong sự vận động và biến đổi, theo những quy luật khách quan. Nguồn gốc của sự vận động và biến đổi là sự đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn ngay trong bản thân sự vật. Đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn làm cho sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời. Cái mới ra đời là một tất yếu, vì nó phù hợp với quy luật phát triển. Nhận thức con người là sự phản ánh sáng tạo đối với sự vật và hiện tượng khách quan trên thế giới. Nhờ phương pháp nhận thức khoa học và thông qua thực tiễn hoạt động mà nhận thức con người có thể hiểu biết thế giới. Khả năng nhận thức của con người là vô tận.

Vận dụng Triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, Mác đã sáng lập ra Chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội. Phương thức sản xuất, đời sống vật chất quyết định sinh hoạt chính trị, tinh thần của xã hội nói chung. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của cuộc cách mạng xã hội, thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.

Hai là, Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản.

Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó.
Một trong những phát hiện vĩ đại của Mác, là việc phát hiện ra Quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung của xã hội tư bản. Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Cũng như đối với xã hội có giai cấp trước đây, trong xã hội tư bản, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội.

Mác chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản.

Ba là: Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức bóc lột và tha hóa.

Chủ nghĩa Mác là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Thiên tài của Mác là đã giải đáp vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác chấm dứt thời kỳ mò mẫm, như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình.

Lê-nin khẳng định: Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản.

Mác và Ăng-ghen thường nói học thuyết của hai ông không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Lê-nin, người kế thừa sự nghiệp của Mác và Ăng-ghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản và do đó gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người bởi tính khoa học và tính cách triệt để của nó.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng ta đã khẳng định: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, tri thức mới của thời đại, nâng cao năng lực trí tuệ; phải xuất phát từ thực tiễn của đất nước; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt, sáng tạo về sách lược, phương pháp; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc đổi mới vô nguyên tắc, chủ quan, nóng vội”. Ngày nay, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN, gắn độc lập dân tộc với CNXH, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, là thiết thực đóng góp, làm phong phú kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong điều kiện một nước nền kinh tế chậm phát triển, chưa qua phát triển chủ nghĩa tư bản, lại bị chiến tranh tàn phá nhiều năm đã từng bước xây dựng thành công CNXH.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến