Vững bước dưới lá cờ của Đảng trong chống tham nhũng
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đến nay đã được hơn 32 năm. Đường lối đổi mới đúng quy luật, đầy sáng tạo, hợp lòng dân đã giúp nhân dân ta vượt qua biết bao thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
         Vui mừng trước những thành tựu mà công cuộc đổi mới mang lại, song nhân dân ta vẫn băn khoăn lo lắng, thậm chí bất bình trước thực trạng xuống cấp về đạo đức xã hội, mức độ suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ngày càng tăng, càng trầm trọng với mức độ ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Nạn tham nhũng là một trong những hiện tượng xã hội phổ biến, nó có nguồn gốc ra đời từ chính trong chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là một trong những căn bệnh “mãn tính” của mọi quốc gia, gây hậu quả nghiêm trọng cho giới cầm quyền ở tất cả các nước trên thế giới. Tham nhũng cản trở quá trình phát triển kinh tế, tham nhũng làm đảo lộn các giá trị đạo đức, tham nhũng làm vẩn đục các quan hệ xã hội… Với Việt Nam từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong những năm qua, tham nhũng vẫn có “đất” để tồn tại, phát triển và đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. 
          Chúng ta thực sự cảm thấy đau xót cho một số cán bộ, đảng viên không gục ngã trước mưa bom bão đạn của kẻ thù mà lại gục ngã một cách dễ dàng trước những “viên đạn bọc đường” của chủ nghĩa đế quốc. Vì tự tư, tự lợi cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể, lợi dụng chức vụ quyền hạn để đục khoét tiền của của Nhà nước và nhân dân. Chúng ta đã từng biết đến những vụ tham nhũng điển hình như: PU18, EPCO Minh Phụng, hình ảnh con tầu Vinasin chìm trong nước biển sâu của cơn bão tham nhũng, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; Còn rất, rất nhiều các vụ việc sai phạm khác đặt ra những bài toán hết sức khó khăn trong quá trình tìm ra lời giải thỏa đáng.
         Mặc dù Trung ương đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, nhằm đấu tranh ngăn chặn, nhưng tình hình đó không giảm đã làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trong cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài này. Từ sau Đại hội XII, nhất là sau Hội nghị T.Ư 4, đã xuất hiện những tập thể, cá nhân công khai tên tuổi cá nhân, tổ chức mình khi tố cáo, phát hiện những tiêu cực, của các cán bộ có chức, có quyền mà không sợ “đấu tranh tránh đâu”. Những nhân tố mới đó báo hiệu: cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang dần dần trở thành phong trào của toàn dân và thành xu thế. 
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường căn dặn chúng ta: “Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng. Song cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cách mạng chỉ thành công khi hội tụ đủ hai yếu tố đó. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã mang lại kết quả bước đầu. Để duy trì và phát triển cần có nhiều biện pháp và quyết tâm hơn nữa”. 
          Khi nhắc đến tham nhũng trong khi tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói:"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cả đất nước này”. 
 Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài cuộc và lò đã nóng củi tươi cũng phải cháy”.
        Một trong những biện pháp cần làm ngay là cán bộ phải công khai tài sản trước khi được bổ nhiệm, nhất là đối với những người phụ trách các ngành, nghề, lĩnh vực nhạy cảm với đồng tiền, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện vai trò giám sát theo luật định qua ý kiến nhận xét của nhân dân tại địa bàn dân cư cũng như tại cơ quan cán bộ đó công tác. 
Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, đòi hỏi sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân. Với Đảng, đây thật sự là một nhiệm vụ quan trọng để loại trừ “quan tham” làm trong sạch Đảng, để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Đất nước bước vào con đường CNH-HĐH, thì sự đóng góp của toàn dân tộc, đặc biệt sự đóng góp của lớp lớp thế hệ thanh niên là rất quan trọng. Chắc chắn mỗi đoàn viên trẻ chúng ta sẽ hiểu rằng cái quý giá nhất, cần thiết nhất chính là tri thức, là lòng nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên quân đội đang cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mục tiêu đó được cụ thể hóa thành những chương trình hành động đầy tài năng và trí tuệ của tuổi trẻ vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến