VĂN HÓA LỄ HỘI VÀ SỰ THÍCH NGHI

    Mùa xuân - mùa của những lễ hội đặc sắc gắn liền với văn hóa các vùng, miền; mùa khởi đầu cho những cuộc hành hương tới các địa chỉ danh thắng, thờ tự với mong muốn cầu sự bình an cho cả năm.
    Hai năm gần đây, trước sự phức tạp của dịch Covid-19, đã thưa đi những chuyến hành hương, những danh thắng không còn cảnh chen chúc, mà thay vào đó là những biển thông báo tạm đóng cửa, thực thi quy định để giãn cách xã hội, không để lây lan dịch bệnh.
    Dịch Covid-19 khiến nhiều lễ hội phải hủy bỏ, tạm hoãn hoặc hạn chế lượng người tham dự. Nhiều người bày tỏ tiếc nuối, bởi lễ hội là một trong những phương cách truyền dạy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được các thế hệ chắt chiu, gìn giữ. Lễ hội tạm hoãn còn gây ảnh hưởng đến thu nhập không chỉ của người dân, mà còn kinh tế địa phương và đất nước. Đặc biệt, nhìn rộng hơn, Việt Nam mất đi cơ hội quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế. Thế nhưng, trong cái khó lại ló cái khôn.
    Năm nay, nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), lễ hội Xuân Yên Tử (Quảng Ninh)... đã tạm dừng tổ chức. Dừng tổ chức lễ hội là giải pháp tình thế để phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy có tiếc nuối nhưng người dân cũng dần thích nghi-mà theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa gọi đó là sự thích nghi 4.0. Để đáp ứng nhu cầu của người dân vào dịp đầu xuân, nhiều cơ sở thờ tự đã thử nghiệm tổ chức các nghi lễ Phật giáo như cầu an, cúng dường, công đức bằng hình thức online. Có thể bước đầu nhiều người còn băn khoăn về những thay đổi này, song rõ ràng đó là giải pháp hợp lý không chỉ trong điều kiện dịch bệnh hiện nay mà xa hơn nữa là trong tương lai với công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.
    Lễ hội là một cặp phạm trù thống nhất, trong đó, hội là sự tập hợp một cộng đồng người nhất định để thực hiện những điều về lễ. Cái đích của lễ hội cổ truyền là giáo dục tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo thống kê, mỗi năm, cả nước diễn ra khoảng 8.000 lễ hội với nhiều quy mô và thường tập trung vào mùa xuân. Chính sự tổ chức tràn lan, thiếu chọn lọc đó và không được kiểm soát chặt chẽ làm xuất hiện những hiện tượng phản cảm, thiếu văn hóa. Dừng tổ chức lễ hội để phòng, chống dịch, nhưng cũng là "thời điểm vàng" để các nhà quản lý suy ngẫm nhiều điều. Tâm sáng, lòng thành mới là giá trị cốt lõi của mỗi người khi tham gia lễ hội. Và muốn có được điều đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về văn hóa tâm linh, để không khí lễ hội đậm chất dân gian luôn nằm lại trong tâm mỗi người.
QĐND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến