ĐẠI HỘI XIII VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VỀ ĐƯỜNG LỐI BẢO VỆ TỔ QUỐC

    Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu của dân tộc - bài học truyền thống quý báu của tổ tiên ta trong lịch sử. Tuân thủ quy luật và kế thừa bài học truyền thống đó, Ðảng ta đã vận dụng, phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
    Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đã thể hiện sâu sắc sự phát triển của đường lối, quan điểm bảo vệ Tổ quốc được hun đúc, kế thừa và phát triển qua 35 năm đổi mới và đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “Đại hội XIII và sự phát triển về đường lối bảo vệ Tổ quốc” góp phần làm rõ hơn sự phát triển tư duy lý luận đó.
    Kế sách giữ nước từ sớm, từ xa
    Kế thừa truyền thống giữ nước quý báu của dân tộc, trên cơ sở quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời, từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, trong dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về phương thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
  “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”
    PGS, TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” là sự kế thừa truyền thống của dân tộc ta, là bài học xương máu “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
    Nhìn lại chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn lấy lợi ích quốc gia-dân tộc làm trọng, đề ra kế sách “sâu rễ, bền gốc”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, coi đó là quy luật sinh tồn của dân tộc. Nói như Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải: “Thái bình tu trí lực/Vạn cổ cựu giang san” (Thái bình nên gắng sức, non nước vững nghìn thu); hay Vua Lê Thái Tổ cũng viết: “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ung tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài), ông còn căn dặn: “Nên sửa sang võ bị, để phòng việc không ngờ”.
    Các bậc tiền nhân còn thực hiện nhiều chính sách ngay trong thời bình để làm cho “dân giàu, nước mạnh, “quốc phú, binh cường”, kết hợp chặt chẽ giữa việc “binh” và việc “nông”, đẩy mạnh “khoan thư sức dân”. Khi đất nước thanh bình thì khuyến khích nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; khi có “biến” thì trập trung vào việc “binh”, nhằm vừa giảm chi phí nuôi quân, vừa có lực lượng đánh giặc, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Cùng với việc nuôi dưỡng lòng dân, lấy dân làm gốc, các triều đại phong kiến nước ta còn đẩy mạnh chiêu mộ, tuyển dụng nhân tài, ban bố luật lệ, xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, gắn bó với dân, bảo đảm quyền hành chính trị tập trung, trên dưới đồng lòng “phụ binh chi tử”. Kiên trì phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”; chăm lo xây dựng quân đội “quân cốt tinh không cốt đông”; thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc”.
    Bên cạnh đó, ngay từ các triều đại phong kiến, nước ta đã thực thi chính sách “bang giao hòa hiếu", mềm dẻo, khôn khéo “trong xưng đế, ngoài xưng vương”, tránh “họa binh đao" cho đất nước, giữ yên biên thùy. Khi đất nước bị xâm lăng, các triều đình phong kiến mỗi người dân phải cầm vũ khí để tự vệ, nhưng vẫn thực hiện tư tưởng “không đuổi cùng diệt tận những kẻ bại trận", “mưu phạt công tâm", đánh vào lòng người để muôn đời dập tắt chiến tranh. “Nghĩ vì kế lâu dài của Nhà nước; Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh; Sửa hòa hiếu cho hai nước. Tắt muôn đời chiến tranh"- (Nguyễn Trãi - Phú núi Chí Linh).
    Đặc biệt, dân tộc ta đã sớm khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở pháp lý đấu tranh, ngăn chặn âm mưu xâm lược của ngoại bang: “Sông núi nước Nam Vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của dân tộc ta tiếp tục được kế thừa và phát huy: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Người căn dặn: "Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, thấy trước, chuẩn bị trước".
    “Bất kỳ hoà bình hay chiến tranh, ta cũng phải thấy trước, bảo vệ trước”
    Trao đổi với PGS, TS Phạm Văn Sơn, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về bảo vệ Tổ quốc thấy rằng: Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen, do điều lịch sử quy định nên các ông chưa bàn nhiều đến bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, một mặt, các ông là những người đầu tiên vạch ra những quan điểm khoa học về tính tất yếu phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ từ rất sớm, trong Các bài phát biểu tại Elberfeld năm 1845, Ph.Ăngghen khẳng định: “Xin quý vị lưu ý rằng, khi xảy ra chiến tranh và đương nhiên chỉ có thể là chiến tranh chống lại các quốc gia chống cộng sản thì mỗi thành viên xã hội phải bảo vệ Tổ quốc chân chính, mái nhà chân chính,do đó sẽ chiến đấu với tinh thần hăng hái, tính cương nghị và lòng dũng cảm khiến cho quân đội hiện đại được huấn luyện một cách máy móc phải tan”. Như vậy, Tổ quốc mà Ph.Ăngghen đề cập ở đây là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, để ngăn chặn các cuộc chiến tranh phi nghĩa, trong Engels to Charles Bonnierở Oxford, ngày 24 tháng Mười 1892, Ph.Ăngghen đã chủ trương phải ngăn chặn chiến tranh phi nghĩa của giai cấp tư sản khi ông viết: “Những câu nói về sự ngăn ngừa chiến tranh - bất kể nó đe dọa từ phía nào, - là những câu nói rất hay”.
    Bảo vệ, kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm trên của C.Mác và Ph.Ăngghen, ngay trong Phiên họp của Cục quốc tế xã hội chủ nghĩa, (đăng trên tờ “Người vô sản”, số 37, ngày 16 (29) tháng Mười 1908, V.I.Lênin kêu gọi: “Thi hành nghị quyết của Đại hội quốc tế ở Stuttgart, Cục quốc tế kêu gọi các đảng xã hội chủ nghĩa ở tất cả các nước hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường hoạt động, đem hết sức ra làm việc theo đường lối đã quy định, và đề nghị các ban chấp hành trung ương và các ban lãnh đạo của các đảng, các đảng đoàn nghị viện của các đảng, các đại biểu của các đảng ấy trong Cục quốc tế hãy cùng với Ban bí thư của Cục quốc tế xã hội chủ nghĩa tìm các phương sách và biện pháp thực tiễn trên phạm vi dân tộc cũng như trên phạm vi quốc tế để có thể tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà hết sức ngăn ngừa chiến tranh và bảo vệ hòa bình”.
    Tại Hội nghị đảng bộ tỉnh Moscow Đảng cộng sản Nga, diễn ra từ ngày 20 đến ngày 22 tháng Mười một, năm 1920, V.I.Lênin chỉ rõ: “Các nước tư sản đã ra khỏi được cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa mà vẫn bảo tồn chế độ tư sản. Các nước đó đã làm cho cuộc khủng hoảng đang trực tiếp đe dọa họ, lùi lại và chậm nổ ra; nhưng về cơ bản các nước đó đã làm tổn hại đến địa vị của họ đến nỗi sau ba năm chiến tranh, mặc dù họ có những lực lượng quân sự rất lớn mạnh, họ vẫn phải thừa nhận rằng họ không thể nào đè bẹp được nước Cộng hòa Xô viết, là nước hầu như không có một lực lượng quân sự nào cả. Như vậy, chính sách của chúng ta và những điều tiên đoán của chúng ta, về căn bản, đều đã được chứng minh trên mọi mặt, và quần chúng bị áp bức ở tất cả các nước tư bản đều thực tế trở thành đồng minh của chúng ta, vì họ đã ngăn chặn chiến tranh”.
    Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vào đều kiện cụ thể Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải đầy đủ cả cơ sở lý luận và thực tiễn; trong đó, Người coi bảo vệ Tổ quốc là quy luật sinh tồn của dân tộc Việt Nam trước kia và là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Vì vậy, trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, (khóa II), đọc ngày báo cáo ngày 15-7-1954, Người nhấn mạnh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”. Không những vậy, trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, đọc ngày 5-9-1960, Người còn chỉ ra phương cách để ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới: “Nhân dân thế giới đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh tích cực thì nhất định có khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới, thực hiện hòa bình lâu dài”.
    Tư tưởng “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử dân tộc, quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi đổi mới đất nước. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là những vấn đề lý luận cơ bản về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của an ninh, đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng; về nội hàm xây dựng nền quốc phòng toàn dân; nhấn mạnh việc kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Có kế sách phòng ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.
    Như vậy, tư duy về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng đã có sự phát triển mới. Đây vừa là quan điểm, vừa là phương châm chỉ đạo của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nội hàm của bảo vệ Tổ quốc không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp và bảo vệ bên ngoài biên giới, lãnh thổ, mà cần hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả bên trong; không chỉ chiến đấu bảo vệ khi có kẻ thù xâm lược, mà phải tổ chức phòng thủ, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, bao gồm cả chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., ngay từ thời bình.
Phân tích thêm về vấn đề này, Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng: Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bao hàm cả yếu tố thời gian và không gian.
    - Nói đến từ “sớm” có nghĩa nói về thời gian. Các yếu tố, nội dung bảo vệ Tổ quốc đều được chủ động tiến hành từ sớm, từ trước, duy trì thường xuyên, liên tục, về mọi mặt trong thời bình. Quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước. Nói “bảo vệ Tổ quốc từ sớm” có nghĩa là phải có chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong; phòng chống, ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố phá hoại, mất ổn định bên trong lẫn bên ngoài.
    - Còn “bảo vệ Tổ quốc từ xa” (không gian), được hiểu là cần chủ động, cảnh giác, sớm phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Hiện nay, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, biển, đảo, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.
    Nhiều chuyên gia nhận định, những năm tới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, dễ gây mất ổn định. Trong bối cảnh đó, một trong những phương thức tốt nhất, hiệu quả nhất được coi là thượng sách giữ nước là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ngăn ngừa không để xảy ra xung đột và chiến tranh dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được xác định là sự lựa chọn thông minh nhất, phù hợp nhất, có lợi nhất. Đó còn là vấn đề cực kỳ hệ trọng liên quan sự tồn tại và phát triển của đất nước.
    Những kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
    Từ bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các nước trên thế giới nói chung, nhất là bài học về sự thất bại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu trước đây; biến động chính trị-xã hội tại các nước Bắc phi-Trung Đông 10 năm về trước nói riêng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trong thế giới đương đại, trong đó có Việt Nam vẫn giữ nguyên tính thời sự. Bất kể khi nào, ở đâu, các đảng cộng sản và công nhân cùng nhà nước xã hội chủ nghĩa không chủ động và không có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa thì khi đó, ở đó sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc gặp khó khăn, thậm chí thất bại.
    Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thông: Lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của một đại hội (Đại hội XII), quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình được xác lập, Đảng ta chỉ rõ: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Nhất quán quan điểm này, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong mục “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Đồng thời tiếp tục chủ trương: “Phải chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
    Quan điểm trên là sự thể hiện tầm nhìn chiến lược mới về quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; thể hiện tính chủ động trong nắm, phân tích tình hình thế giới, khu vực, đất nước và dự lường những phát triển trong thời gian tới của Đảng ta.
    Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đòi hỏi chúng ta phải chủ động bám sát tình hình, tích cực nghiên cứu, nhất là nghiên cứu, dự báo chiến lược; đánh giá kịp thời về đối tượng, đối tác; dự kiến các tình huống chiến lược có thể xảy ra. Trong nghiên cứu, dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối chiến lược và các đối sách linh hoạt, đúng đắn, phù hợp, giải pháp toàn diện, khả thi, chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, xử lý thắng lợi các tình huống quân sự, quốc phòng; giải quyết tốt các quan hệ quốc tế, vấn đề biển, đảo, biên giới,.. không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
    Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Trong các biện pháp toàn diện đồng bộ thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, thì xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, thật sự vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị chính là biện pháp trực tiếp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị nói chung, nhân tố chính trị, tinh thần nói riêng; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội làm cho quân đội ta luôn trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; bảo đảm trong quân đội ta trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối, trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc.
    Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: Quán triệt quan điểm về bảo vệ Tổ quốc; đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, trực tiếp là đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao”, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Thông qua đó, đảm bảo cho Quân đội nhân dân Việt Nam có cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần; điều chỉnh lực lượng phù hợp, linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đến nay, về cơ bản, tổ chức Quân đội được điều chỉnh phù hợp với Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đảm bảo sự cân đối, tương đối đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên… Việc điều chỉnh tổ chức, lực lượng trong Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Vì vậy, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương này sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập hiện nay.
    Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay, các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, công tác đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Với phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, chúng ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, khai thác có hiệu quả sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức và lực lượng quốc tế trong bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế cần xử lý khéo léo các vấn đề “đối tác”, “đối tượng”, thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy hợp tác là chính; trên cơ sở kiên định chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững nguyên tắc chiến lược, khôn khéo và linh hoạt về sách lược.
    Quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” mà Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đặt ra, thể hiện rõ tinh thần chủ động, tích cực chăm lo xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia ngay từ trong thời bình, ngay từ bây giờ. Xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, thực hiện “nước nhà cường thịnh, giang sơn thêm vững bền”, “quốc phú, binh cường” là “kế sách” bảo vệ Tổ quốc tích cực nhất, chủ động nhất và có hiệu quả nhất; phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: QĐND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến