THIÊN Ý – KẺ MƯU ĐỒ PHÁ HOẠI SỰ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

 Những ngày qua, trong khi dư luận đang quan tâm đến kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ, trên Voatiengviet.com, Thiên Ý đã đăng bài: “Việt Nam cần học được gì từ cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ”? Bài viết của Thiên Ý hết sức hồ đồ, bất nhất quan điểm, thiếu thực tiễn, xuyên tạc, phủ nhận bầu cử ở Việt Nam, “gợi ý”, “khuyên can” có tính chất áp đặt hòng phá vỡ sự ổn định, phát triển của đất nước.

Trong bài viết của mình, Thiên ý cho rằng, Việt Nam muốn dân chủ và phát triển phải học theo Mỹ thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Vậy, Việt Nam có cần thiết phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” không? Câu trả lời đã có sẵn đáp án từ thực tiễn các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên xô. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tất yếu dẫn đến các đảng phái chính trị phải tìm các thủ đoạn để chèn ép lẫn nhau, tìm các thế lực bên ngoài để làm chỗ dựa. Nếu thực hiện đa nguyên, đa đảng thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất ổn định chính trị do sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn.

Thiên Ý khẳng định, đa nguyên, đa đảng là yếu tố duy nhất đảm bảo được dân chủ. Điều đó hoàn toàn sai trái cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân chứ không phải phụ thuộc vào yếu tố nhiều đảng hay ít đảng, nhất nguyên hay đa nguyên. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố trong đó có lực lượng cầm quyền xã hội, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân…Thực chất của “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở một số nước không như một số người hiểu rằng đó là một chế độ “thực sự dân chủ” mà bản chất của nó vẫn là nhất nguyên chính trị. Đó là một chế độ chính trị tư sản và giai cấp tư sản vẫn là giai cấp duy nhất nắm quyền thống trị xã hội. Vậy tại sao một đất nước, một dân tộc như Việt Nam đã lựa chọn và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa lại phải trao, chia sẻ quyền lực cho nhiều đảng phái không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Thiên Ý cũng cho rằng, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã độc quyền, độc tài lãnh đạo đất nước, tự ban cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, thủ tiêu các đảng phái chính trị khác. Điều này càng chứng tỏ Thiên Ý không hiểu biết và phi thực tiễn. Chúng ta biết rằng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tại Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản còn xuất hiện thêm hai đảng khác là đảng Việt Quốc và đảng Việt Cách. Tuy nhiên, về thực chất lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản, còn hai đảng Việt Quốc và Việt Cách “theo đuôi Tưởng Giới Thạch” không hề đứng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng ra đi theo quân Tưởng, trên vũ đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thời kỳ sau đó, bên cạnh Đảng Cộng sản cũng tồn tại hai đảng khác: là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải thể. Sự xuất hiện và rút lui của đảng Việt Cách, Việt Quốc hay tự giải thể của Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội đã cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân hoặc đã bị chính lịch sử và nhân dân ta loại bỏ.

Như vậy, Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng, nhưng chính lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ định điều đó. Thực tế đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ tự ban cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, mà vai trò đó là nhiệm vụ cao cả mà nhân dân Việt Nam tin tưởng giao phó. Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều đó đã được thực tiễn chứng minh qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại và trong công cuộc đổi mới đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng tăng và đang trở thành điểm sáng của khu vực và trên thế giới. Chúng ta biết rằng, tiêu chí cao nhất của hoạt động chính trị đó là ổn định xã hội và sự tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, một đảng hay đa đảng; đa nguyên hay không đa nguyên cũng đều phải vì vấn đề cốt lõi này.

 Như vậy, dân chủ và phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với việc sẽ có dân chủ và phát triển. Một đảng lãnh đạo không đồng nhất với độc tài lãnh đạo, mất dân chủ. Và không nhất thiết cứ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới có dân chủ và phát triển. Vậy thì, không có lý do gì để Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những quan điểm đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” thực chất là quan điểm sai trái, phản động hòng muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Mọi người cần cảnh giác và đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, phản động, mưu đồ phá vỡ sự ổn định và phát triển đất nước như quan điểm của Thiên Ý./.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến