NGUYỄN ĐÌNH CỐNG LẠI “KHOÁC ÁO THẦY TU”

 Lợi dụng việc Đảng ta ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Nguyễn Đình Cống đã đăng tải bài viết “Bình luận Chỉ thị 45”, nhằm xuyên tạc vấn đề dân chủ và tính minh bạch trong bầu cử ở Việt Nam. Song, dù Cống có cố tình “khoác áo thầy tu” cũng không thể che đậy được bản chất phản động, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Dân chủ trong bầu cử là một trong những biểu hiện cụ thể, rõ nét nhất việc thực hành dân chủ ở Việt Nam. Mỗi người Việt Nam có lương tri và thiện chí xây dựng đất nước đều nhận thấy, dân chủ trong bầu cử luôn được thực hiện cả trong lý luận và thực tiễn bầu cử ở Việt Nam. Thế nhưng, với Nguyễn Đình Cống – kẻ không có lương tri và không có thiện chí xây dựng đất nước lại lu loa rằng, bầu cử ở Việt Nam diễn ra “không dân chủ”, nhiều nội dung “phản dân chủ”. Đây hoàn toàn là những lời xuyên tạc, bịa đặt, bởi ở Việt Nam, mọi người dân đều được thực hiện quyền công dân qua việc tự do tham gia bầu cử, bình đẳng trong sử dụng phiếu bầu. Công dân Việt Nam không chỉ trực tiếp tham gia bầu cử, mà còn có quyền tự ứng cử. Những nội dung dân chủ này đã được Ðiều 27, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Theo đó, mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, vùng miền, nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính đều có quyền bình đẳng như nhau, được tự do tham gia bầu cử nếu trên 18 tuổi và ứng cử nếu trên 21 tuổi. Thực tiễn bầu cử ở Việt Nam cho thấy, công tác bầu cử được tổ chức khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cả xã hội, cũng như phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Người dân Việt Nam không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân khi bầu người đại diện, mà còn có thể tự ứng cử. Việc tự ứng cử của cử tri càng làm sáng rõ hơn bản chất tốt đẹp, tiến bộ về dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam.

Với bản chất tốt đẹp, tiến bộ của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bầu cử ở Việt Nam luôn bảo đảm tính minh bạch, công khai, nghiêm túc. Nó hoàn toàn không phải như những lời xuyên tạc khi Cống rao giảng, đơm đặt và bình luận mị dân rằng, bầu cử ở Việt Nam “không minh bạch” và đầy “tiêu cực”. Nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được luật quy định là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây cũng chính là những nguyên tắc cơ bản nhất của những đạo luật về bầu cử được đánh giá là dân chủ, tiến bộ nhất hiện nay. Các nguyên tắc này thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Đặc biệt, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân còn quy định, trong quá trình kiểm phiếu cho phép ứng cử viên, cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu; phóng viên báo chí được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu. Đây là những bước tiến rất quan trọng bảo đảm việc bầu cử ở Việt Nam luôn thực sự dân chủ, minh bạch, công khai, nghiêm túc.

Tóm lại, dù Nguyễn Đình Cống có khoác lên mình bao nhiêu chiếc áo “thầy tu” chăng nữa cũng không thể che đậy được bản chất phản động, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác trước những lời rao giảng, bình luận mị dân của Nguyễn Đình Cống và các thế lực thù địch; đồng thời, cần tích cực tham gia chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết cho sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2025./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến