CÀNG NHIỀU THÔNG TIN XẤU ĐỘC CÀNG PHẢI NÂNG CAO CẢNH GIÁC

    Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là “dịp” các thế lực thù địch, phản động, cơ hội tăng cường các hoạt động vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội. Trong đó, loạt các bài viết, trả lời phỏng vấn của Phạm Trần, Trần Quốc Việt, Nguyễn Dân, Đào Tăng Dực, Nguyễn Văn Đài, Song Chi, Bùi Thanh Hiếu… trên Tiengdan, Danlambao, Chantroimoi. Media, Việt Tân, Youtube, BBC, RFI… đã thể hiện rõ âm mưu chống Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ và xuyên tạc sự thật, nhằm lôi kéo, mua chuộc những người nhẹ dạ cả tin và chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm suy yếu Đảng.
    Vì thế, việc nhận diện đúng những luận điệu sai trái, thù địch đó để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân một mặt nâng cao cảnh giác trước các thông tin xấu, độc; mặt khác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào Đảng, vào sự phát triển phồn vinh của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là hết sức quan trọng và cần thiết.
    Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, một trong những vấn đề được các thế lực thù địch “quan tâm”, “ưu tiên chống phá nhất” chính là nền tảng tư tưởng của Đảng, là công tác cán bộ, phòng và chống tham ô, tham nhũng trong Đảng.
    1) Dưới “nhãn quan” của các nhà dân chủ “miệng”, nhân danh dân chủ thì Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam là không thể chấp nhận được và cần phải xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; việc Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) là sai lầm; là căn nguyên của một đất nước Việt Nam kém phát triển về kinh tế, thiếu tự do, dân chủ và nhân dân Việt Nam mãi nghèo, đất nước Việt Nam không biết bao giờ mới đi qua được thời kỳ quá độ…
    Theo họ, đất nước Việt Nam chỉ phát triển và nhân dân Việt Nam chỉ được tự do, hạnh phúc khi đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, khi thực hiện đa nguyên, đa đảng, xây dựng xã hội dân sự, v.v.. mà không hề hiểu rằng Việt Nam “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử… Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”[1].
    Không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, họ còn thường mượn một cớ, nhân một sự kiện chính trị nào đó để bôi nhọ Đảng, nói xấu những người cộng sản Việt Nam và cho rằng Đảng không cần phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, bởi: 1) Chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế kỷ XXI; 2) Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều; là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác – Lênin, không phù hợp với thực tiễn hiện nay,v.v.. Vì thế, theo họ, không thể và không cần lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng thì Đảng mới kịp đi với con đường tư bản chủ nghĩa mà thế giới hiện đang đi. Cùng với đó, họ đổ lỗi cho những hạn chế đang tồn tại là do Đảng và Đảng không phải là một khối đoàn kết, thống nhất, vì nước, vì dân phục vụ mà là những nhóm lợi ích, mưu lợi ích cho cá nhân và phe cánh…
    2) Khoét sâu vào những khuyết tật trong Đảng như tham ô, tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà căn nguyên sâu sa là do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, các “anh hùng bàn phím” cho rằng đó là bản chất của chế độ Đảng độc quyền lãnh đạo để thông qua đó bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng, thực hiện xã hội dân sự…
    Thật ra, tham nhũng luôn là vấn nạn đối với mọi quốc gia, dân tộc, dù quốc gia đó theo chế độ đa đảng hay một đảng độc quyền lãnh đạo như Việt Nam. Ở Việt Nam, sớm nhận thức được tác hại của tham nhũng đối với việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm” và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng để chú trọng phòng và đấu tranh chống lại tệ nạn nguy hiểm này.
    Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đấu tranh chống tham nhũng được xác định “là nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan’ đo đó, phải có kế hoạch cụ thể, có bước đi vững chắc, phải sử dụng nhiều biện pháp, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo; luôn được thể hiện rõ trong nội dung các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng…
    Trong phòng và chống tham nhũng, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án về tham nhũng kinh tế; việc khởi tố, xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên; trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý tại những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XII cho thấy chủ trương và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. Những kết quả trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) của Đảng đến những ngày tháng 10 năm 2020 được đăng tải trên các cơ quan truyền thông không chỉ khẳng định quyết tâm kiểm soát quyền lực trong Đảng và trong hệ thống chính trị mà còn góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng được trong sạch, vững mạnh.
    Vì thế, các luận điệu phản động đầy màu sắc kích động cho rằng tham nhũng, tiêu cực là bản chất của chế độ do một đảng lãnh đạo như ở Việt Nam; chống tham những là cái cớ để khai trừ và loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo những người không cùng phe nhóm là sự xuyên tạc, vu khống vô liêm sỉ của những người “ăn không nói có”. Kiểu thông tin độc hại này không chỉ gieo giắc nghi ngờ trong các tầng lớp nhân dân, trong những người không kiên định bản lĩnh chính trị mà còn trực tiếp phủ nhận những nỗ lực và thành tựu về đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam. Nó cho thấy những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là không có điểm dừng.
    3) Một trong những vấn đề quan trọng mà các thế lực thù địch thường sử dụng để chống phá Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa chính là bôi nhọ, xuyên tạc công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng.
    Đặc biệt, khi Đại hội XIII của Đảng đến gần, mỗi khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật các cá nhân hay tập thể vi phạm… là thêm một lần trên mạng xã hội lại đầy các thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc. Vin cớ đó, họ quy kết rằng: Làm gì có cán bộ hết lòng vì nước, vì dân; xử lý kỷ luật chính là cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe cánh của miền Bắc, miền Trung và miền Nam trong Đảng; cuộc thanh trừng nội bộ nhằm chia nhau quyền lực của Đại hội XIII đến hồi gay cấn; thậm chí là đã chọn xong “tứ trụ” và người làm Tổng Bí thư, cho nên Đại hội chỉ là hình thức…
Thực tế thì, xuyên suốt các nhiệm kỳ của Đảng, công tác cán bộ luôn được chú trọng, được thực thi nghiêm túc; nhất là, công tác cán bộ và nhân sự cho Đại hội XIII đã, đang và sẽ được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, công khai, minh bạch, nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, nhất là tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… đã từng bước được ngăn chặn.
    Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm tiêu chuẩn cán bộ như Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…đã cho thấy công tác nhân sự của Đại hội XIII được tiến hành cẩn trọng, khách quan, minh bạch, đúng lộ trình.
Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi quyền lực chính trị của mình bằng cách lãnh đạo Nhà nước, thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước để hiện thực hóa quyền, lợi ích, ý chí của nhân dân mà Đảng là đại diện và được ủy quyền. Vì thế, có thể khẳng định rằng: Những thông tin sai lệch về Đảng; những thông tin xuyên tạc về công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng; sự bịa đặt, quy chụp công tác quy hoạch cán bộ, nhất là nhân sự các cấp và cho Đại hội XIII trước thềm Đại hội là sự kích động, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, phủ nhận những nỗ lực trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bất kỳ thời điểm nào, thì những thông tin xấu, độc, nhiễu loạn như trên cũng cần phải được nhận diện đúng và kịp thời, để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao cảnh giác, tăng cường sức đề kháng!
    [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, tr. 70
TPĐA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến