"BỘ ĐỘI CỤ HỒ"- DANH HIỆU, PHẨM CHẤT CAO QUÝ CỦA NGƯỜI LÍNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

    Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của "Bộ đội Cụ Hồ" như dân tộc Việt Nam ta.
    “Bộ đội Cụ Hồ” đó không chỉ là danh hiệu cao quý do nhân dân trao tặng, mà còn phản ánh nét đẹp truyền thống, phẩm chất chiến đấu, hy sinh “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người lính, được Bác Hồ giáo dục và rèn luyện.
    Trải qua hơn 75 năm thành lập, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành mẫu hình đẹp đẽ, ăn sâu bám rễ trong lòng nhân dân, là niềm kiêu hãnh của thế hệ cán bộ chiến sĩ thời chiến trận cũng như thời bình.
    Xuất xứ tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ”
    Mùa Thu năm Ất Dậu (1945), Cách mạng tháng Tám thành công, các chiến sĩ giải phóng quân từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Do yêu cầu bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, để đối phó với âm mưu phản động của thực dân Pháp chống phá cách mạng hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Do Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới thành lập, công tác bảo đảm hậu cần khó khăn, quân trang, quân dụng, quân phục chưa được thống nhất, Đảng đã chỉ đạo gấp rút xây dựng đơn vị chủ lực và thành lập dân quân tự vệ.
    Ngày ấy, việc phân biệt giữa các lực lượng chủ yếu dựa trên phù hiệu đính trên mũ. Lính chủ lực thì phù hiệu nền đỏ sao vàng hình tròn, dân quân tự vệ thì nền đỏ sao vàng hình vuông. Hình ảnh anh giải phóng quân đầu tiên xuất hiện trên văn đàn chỉ vẻn vẹn mấy dòng “Trên đường phố, các anh đi hàng theo một lối đi rừng, mắt không hề nhìn hai bên phố, các cửa hàng cửa hiệu đèn điện sáng trưng” (Một lần tới Thủ đô - bút ký của Trần Đăng Khoa). Mặc dù đời sống các chiến sĩ thiếu thốn, khó khăn, song kỷ luật rất nghiêm, lễ phép, ôn tồn, nhân dân quý trọng.
    Đầu năm 1946, Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 được ký kết. Ta đồng ý cho Quân đội Đồng Minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật. Theo chân quân Tưởng vào Việt Nam là các đảng phái phản động như Việt Quốc (Việt Nam quốc dân đảng của nhóm Nguyễn Tường Tam), Việt Cách (Việt Nam cách mạng đồng minh hội của nhóm Nguyễn Hải Thần). Chúng đóng chốt ở nhiều nơi. Riêng Hà Nội, chúng chốt ở Ô Quan Chưởng, phố Ôn Như Hầu, ăn vận quần áo giống hệt lính Tưởng. Quân lính Tưởng nhếch nhác đã đành, quân Việt Quốc, Việt Cách càng tệ hơn. Chúng ngang nhiên hà hiếp dân lành. Không thể đánh đồng những chiến sĩ cách mạng với bọn lính kẻ cướp, người dân Hà Nội đã gọi lính cách mạng là “bộ đội”. Theo lý giải của họ, gọi bộ đội là chỉ người lính của cách mạng, lính bộ binh thường xuyên đi bộ chứ không đi ô tô như lính Tưởng. Gọi vậy cho dễ nhớ, dễ thuộc và thân thương. Hai tiếng bộ đội xuất hiện từ đó, tức là sau ngày 22-12-1944.
    Những năm đầu của cách mạng, chỉ có các em thiếu nhi mới gọi Bác Hồ là Bác. Những năm 1948, các đồng chí lãnh đạo Đảng ở Trung ương, Chính phủ kính cẩn gọi Người là Cụ Chủ tịch, nhân dân Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế gọi thân mật là Già Hồ, còn phần lớn nhân dân gọi người là Cụ Hồ, là Ông Cụ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp ở núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cán bộ Trung ương ăn ngô bếp nước, chén thịt rừng quay thân thiết như anh em trong một gia đình, nên ai ai cũng gọi Người là Bác và Người gọi các cộng sự bằng các chú, các cô.
    Năm 1946, lúc đó toàn dân dốc sức dốc lòng cho kháng chiến kiến quốc. Ở Hà Nội, người dân khổ cơ cực vì giặc Tưởng cấu kết với bọn phản động Việt Cách lộng hành. Quanh khu chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua - hai nơi buôn bán sầm uất nhất Hà Thành lúc đó, bọn Tưởng và Việt Cách ăn cướp hàng hóa của tiểu thương trắng trợn giữa ban ngày. Mỗi lần bọn chúng xuất hiện, bà con lại lấy xoong, nồi, vung, chảo, mẹt gõ liên hồi, hô hoán, xua đuổi và nói thẳng vào mặt chúng: “Nhìn các anh bộ đội Cụ Hồ kia kìa, người nhà của chúng tao đấy. Còn chúng mày, bám gót quan thầy về đây, chỉ là quân phá hoại. Đồ việt gian bán nước”. Từ đó danh từ “Bộ đội Cụ Hồ” xuất hiện một cách ngẫu nhiên và được lan truyền ra khu chợ tiểu thương, lan rộng khắp Hà Thành.
    Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã khẳng định bản chất quân đội của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì lợi ích nhân dân mà phụng sự, vì Tổ quốc mà hy sinh quên mình. Đó chính là sự khác biệt với quân đội của các nước khác trên thế giới.
    Chiến đấu vì dân, hi sinh vì Tổ quốc
    Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hàng ngàn, hàng vạn người lính chẳng tiếc tuổi xanh, đã hi sinh thân mình vì Tổ quốc, dù là thời chiến hay thời bình, biên giới hay hải đảo, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
    Khi đất nước bị xâm lăng, những người lính trong Đoàn quân Tây Tiến đã hăng hái ra chiến trường chẳng tiếc tuổi xanh. Để rồi, trở về sau những ngày “nằm gai nếm mật”, dù thân mình chỉ còn một nửa, vẫn tiếc nuối một thời hoa lửa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn hi sinh thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện chẳng tiếc tuổi xanh chèn pháo bằng cả thân mình. Tất cả sự hi sinh không quản máu xương ấy, xuất phát từ mục tiêu chiến đấu và sứ mệnh của người lính, được Bác Hồ giáo dục và rèn luyện, được nhân dân chở che, đùm bọc; được xã hội kính trọng tin yêu. Và vẫn còn đó những cán bộ chiến sĩ vẫn sẵn sàng tiếp bước cha anh sẵn sàng hi sinh thân mình để giữ bình yên cho biên cương của Tổ quốc như Liệt Sĩ Và Bá Giải, Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Cảnh Dần thuộc BĐBP Nghệ An…
    Bộ đội Cụ Hồ - danh hiệu cao quý mà nhân dân đặt cho đã đi vào lịch sử và trở thành niềm kiêu hãnh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Dù chiến tranh hay thời bình, biên giới hay hải đảo, đất liền hay biển vắng, danh hiệu cao quý ấy luôn được cán bộ, chiến sĩ giữ gìn, phát huy; được nhân dân tin tưởng, đùm bọc chở che. Trong suốt chiều dài lịch sử, từng thế hệ người lính luôn tự hào kiêu hãnh là Bộ đội của dân, Bộ đội Cụ Hồ. Và chính danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã tạo nên sức mạnh nội lực “Hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam” trong tim mỗi cán bộ chiến sĩ – danh hiệu cao quý nhất của người lính thời đại Hồ Chí Minh được nhân dân trao tặng.
St.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến