Những việc cần làm ngay" - dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực

 Từ Đại hội VI của Đảng (1986), nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới. Bối cảnh quốc tế và trong nước lúc này hết sức khó khăn và phức tạp. Nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng nhanh với tốc độ “phi mã”, tình trạng khó khăn trong đời sống nhân dân chưa được giải quyết. Tình trạng lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, giáo điều trong cả nhận thức và hành động còn nặng nề; các hiện tượng tiêu cực xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội.Trong khi đó, các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô chìm sâu trong khủng hoảng và bên bờ vực sụp đổ.

Hiểu rõ vai trò, chức năng của báo chí "là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm của người viết báo trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn báo chí là một trong những phương tiện hữu hiệu để khơi dậy dư luận xã hội chống những tiêu cực.
Là người coi trọng thực tiễn, với tư duy nhạy bén, năng động, đồng chí nhận thấy một tác nhân cơ bản cản trở quá trình đổi mới là tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu của một số cán bộ lãnh đạo cơ quan công quyền. Để củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, với sự nghiệp đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng "Những việc cần làm ngay" nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.
Lúc đó, có người đã hỏi đồng chí Nguyễn Văn Linh rằng, với cương vị đứng đầu Đảng, đồng chí có thể chỉ thị, yêu cầu làm việc này,đâu cần phải viết báo. Đồng chí đã trả lời, mình có thể cùng với Bộ Chính trị chỉ thị việc này, việc khác, nhưng tác dụng của tờ báo lại khác, tạo ra dư luận xã hội lại có sức mạnh riêng. Cũng có người thắc mắc tại sao đồng chí không ký rõ họ tên dưới bài viết để hiệu lực cao hơn mà lại ký tên tắt, ký bút danh. Đồng chí giải đáp, ký tên tắt, ký bút danh để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết… Chừng đó thôi cũng có thể thấy được sự sáng tạo, dân chủ của đồng chí trong lựa chọn phương pháp đấu tranh chống tiêu cực.
Tính từ ngày 25-5-1987, khi lần đầu xuất hiện trên trang nhất báo Nhân Dân bài báo chạy tít đậm Những việc cần làm ngay với bút danh N.V.L đến ngày 28-9-1990 đăng bài cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết 27 bài, tập trung phê phán các hành vi quan liêu, tham nhũng, hống hách, cửa quyền, ức hiếp quần chúng; lợi dụng việc công để làm lợi riêng,…của một số cán bộ có chức, có quyền, mà lâu nay vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, không ai dám nói; phê phán việc ngăn sông cấm chợ; phê phán tình trạng bất hợp lý gây ra những ách tắc trong sản xuất và phân phối, lưu thông hàng hóa…; và nêu lên thực trạng Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật, ai làm không tốt thì phê bình để tự sửa chữa, trừng phạt nếu cần. Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai phạm lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự “im lặng đáng sợ”…. Đó là một biểu hiện của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến nhân dân của những người có địa vị, thẩm quyền và trách nhiệm.
Có thể nói, chủ đề mà đồng chí Nguyễn Văn Linh chọn viết trong loạt bài này là rất khó và nhạy cảm. Khó! Bởi phải chỉ mặt, đặt tên những việc làm tiêu cực, những kẻ tiêu cực ở vào bất cứ thời kỳ nào cũng vậy, không bao giờ là việc dễ dàng. Nhạy cảm! Bởi vì chống tiêu cực thì rất dễ đụng chạm đến “người này, người kia”. Chính vì thế nên đã có người dịch bút danh N.V.L thành “nhảy vào lửa”. Cho nên, khi “Những việc cần làm ngay” mới xuất hiện được một, hai số trên báo Nhân Dân, mặc dù được đông đảo đồng bào, đồng chí ủng hộ nhưng vẫn có một số người lo lắng, băn khoăn cho chuyên mục này và lo lắng cho cả chính tác giả bài báo. Quả đúng vậy! Sau một số bài đăng trên báo Nhân Dân, đã có người trực tiếp đến gặp đồng chí Tổng Bí thư can ngăn “nên cẩn thận hơn một chút”, nếu không, “tay phải sẽ đánh vào tay trái”; “bài viết sẽ không được hưởng ứng, lúc đó mới thôi viết, thế là đánh trống bỏ dùi, đã vô ích, lại mất tín nhiệm”; dẫn đến đôi co, phản tác dụng; “mới nói việc nhỏ, ắt có sự không bằng lòng, cho rằng chỉ tắm từ vai xuống còn đầu thì chưa hay không dám”; có người thì cho rằng như thế là “bôi đen chế độ”, “không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa, v.v...”.Họ khuyên đừng viết nữa vì có “biết bao nhiêu việc cần làm sao phải hăng hái đi chống tiêu cực như vậy? Vài trăm tấn tỏi, mấy vị mang hộ chiếu ngoại giao đi buôn… có gì là ghê gớm, phê bình và tự phê công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo”...
Không chỉ có vậy, những việc cần làm ngay của đồng chí N.V.L cũng bị “khá nhiều” các ý kiến phản kích phê bình. Loại phản kích phổ biến là bác bỏ, coi người viết bài phê bình có dụng ý xấu. Nhiều đơn vị, cơ quan bị phê bình còn tỏ thái độ gay gắt, đưa ra những ý kiến mang tính “chụp mũ”. Có nơi thay cho sự nghiên cứu kỹ ý kiến phê bình, bàn cách sửa chữa khuyết điểm lại mở cuộc điều tra nội bộ xem ai là người có khả năng tiết lộ sự việc với cơ quan báo chí. Có những nhà báo viết bài phê bình đã bị tổ chức, cá nhân được phê bình “điều tra” xem có phải là phần tử xấu hay không, thậm chí điều tra bằng cách đọc lại tất cả những bài viết của nhà báo đó từ trước đến nay để xem có tìm được gì nghi ngờ không? Có nhà báo còn bị cảnh cáo rằng: anh viết như vậy là “viết dưới giá treo cổ”. Ngay đến Tổng Bí thư viết bài đăng báo chống tiêu cực cũng bị can ngăn, điều đó cho thấy cuộc chiến chống tiêu cực lúc đó khó khăn biết chừng nào!
Với phẩm chất của một người cộng sản chân chính, đồng chí Nguyễn Văn Linh thẳng thắn trả lời: Chúng ta không nên thận trọng đến mức rụt rè. Có gì sai khi chúng ta dám nói lên sự thật, cho dù sự thật đó có đau lòng, để khắc phục sửa chữa; sửa chữa để tiến lên; phải tiếp tục đẩy mạnh phê bình và tự phê bình; phải kiên quyết chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân và phải xử lý thật nghiêm…và khẳng định “vẫn cứ viết vì thấy cần quá”, “cần đưa các nhân tố mới lên, lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”. Đồng chí còn yêu cầu: “các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương nghị quyết Trung ương...”, “các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ, việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến