LUÔN KHẮC GHI LỜI BÁC: “NGƯỜI CHÍNH TRỊ VIÊN TỐT, THÌ BỘ ĐỘI ẤY TỐT”

Cách đây hơn 70 năm, từ ngày 6 đến 11/3/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai được triệu tập dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Trung ương Quân ủy, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam và đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị (nay là Tổng cục Chính trị).

Hội nghị quán triệt nhiệm vụ của toàn quân là “phát động chiến tranh du kích rộng rãi", "đẩy mạnh vận động chiến", "bồi dưỡng lực lượng, khuếch trương bộ đội". Công tác chính trị phải bảo đảm thực hiện phương châm chiến lược, động viên bộ đội nêu cao tinh thần anh dũng, đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn gian khổ, chống các biểu hiện tư tưởng chủ quan để hoàn thành nhiệm vụ.
Hội nghị ra Nghị quyết về hệ thống tổ chức công tác chính trị, nhiệm vụ và quyền hạn của các cấp chính trị trong quân đội, chế độ chính trị ủy viên và việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quân sự. Hội nghị quyết định cấp tiểu đoàn không có Ban Chính trị, trừ các tiểu đoàn độc lập, lưu động; cơ quan chính trị ở đại đội đổi tên là ban công tác chính trị đại đội. Hội nghị quy định chế độ chính trị ủy viên từ cấp trung đoàn trở lên và chế độ chính trị viên từ cấp tiểu đoàn trở xuống. Chính trị ủy viên là người thay mặt Bộ Tổng chỉ huy ở đơn vị và có quyền tối hậu quyết định về chính trị, quân sự, tài chính, nhưng không trực tiếp chỉ huy quân sự và lấn át sang công tác chuyên môn của đội trưởng. Chính trị viên từ tiểu đoàn trở xuống kiêm chỉ huy quân sự và chịu trách nhiệm trước cấp trên...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho hội nghị, nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của chính trị viên đối với bộ đội. Trong thư, Bác viết: "Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt”. Người nêu ra 3 nhiệm vụ chính của chính trị viên vô luận ở cấp bậc nào và những nội dung chính của các nhiệm vụ đó: "Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn. Đối với nhân dân: Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội… Đối với quân địch: Chính trị viên phải biết cách tuyên truyền khôn khéo, thiết thực, để giác ngộ họ, lôi kéo họ về phía ta".
Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai đánh dấu bước chuyển biến của công tác chính trị trong quân đội, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đối với quân đội.
Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta hơn 70 năm qua cho thấy, ở bất kỳ thời điểm nào, chất lượng bộ đội, nhất là chất lượng về mặt chính trị luôn phụ thuộc rất lớn vào tư cách, phẩm chất, năng lực của đội ngũ chính ủy, chính trị viên.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc chiến sống mái với quân thù suốt 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội (cuối năm 1946, đầu năm 1947), các chính ủy, chính trị viên đã động viên bộ đội chiến đấu dũng cảm và luôn sát cánh cùng bộ đội trên các chiến hào, trong từng góc phố, đánh bật nhiều đợt tiến công của quân Pháp, giữ vững Thủ đô... Chính trị viên đại đội Lê Gia Định đập kíp bom ba càng, anh dũng hy sinh trước thềm Bắc Bộ Phủ, tiêu diệt cả tiểu đội địch, nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Noi theo tấm gương đó, các lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu đến người cuối cùng ở Nhà máy điện, Nhà máy nước Yên Phụ, đầu cầu Long Biên; giao tranh quyết liệt với quân Pháp ở trụ sở Chính phủ, Bưu điện Bờ Hồ, đầu phố Hàng Lọng, Ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, Trường Bưởi, Nhà máy bia....
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc xây dựng và phát triển vai trò đội ngũ chính ủy, chính trị viên tiếp tục được xác định là vấn đề chiến lược trong xây dựng quân đội về chính trị. Trong trận chiến đấu ngày 18/11/1964 tại trọng điểm Cha Lo, ở miền tây Quảng Bình, trong khói lửa đạn bom của quân thù, Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân bị thương, bị gãy nát chân phải vẫn chỉ huy, động viên bộ đội chiến đấu... Và trong giây phút trận địa im hẳn tiếng súng, bỗng vang lên lời hô của Nguyễn Viết Xuân: “Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ! Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã tiếp thêm ý chí cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 vững vàng trên mâm pháo, tiếp tục nhả đạn bắn máy bay địch và trở thành khẩu hiệu hành động thi đua bắn rơi máy bay Mỹ, kiên quyết chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ.
Hơn 70 năm qua, những tư tưởng của Bác trong thư gửi Hội nghị chính trị viên đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".
NGUYỄN THÀNH HỮU

Nhận xét

Bài đăng phổ biến