PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

 

Ngay sau khi thành công của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các thế lực thù địch trong nước và ở nước ngoài tỏ thái độ hậm hực, bực tức vì sự xuyên tạc, phá hoại quân đội ta của chúng không đem lại kết quả như mong muốn. Hiện nay, sự chống phá của chúng đối với Quân đội ta càng trở lên điên cuồng hơn, thâm hiểm hơn với mưu đồ cũ: từng bước “pha loãng” chính trị tiến tới “phi chính trị hóa” quân đội. Đấu tranh phòng “phi chính trị hóa”, bảo vệ nền tảng tư tưởng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam đang trở thành một mặt trận nóng bỏng, cấp thiết hơn lúc nào hết. Đây là nhiệm vụ cấp bách của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi mặt công tác của Quân đội ta, trong đó công tác tư tưởng, lý luận của quân đội phải là lực lượng tiên phong, trụ cột, đi đầu trong cuộc đấu tranh này.

          Thực tiễn cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử đã chứng minh điều đó. Quân đội của một giai cấp, một nhà nước ra đời và xuất phát từ nhu cầu khách quan của giai cấp và nhà nước tổ chức ra nó, để phục vụ mục đích chính trị của giai cấp sinh ra và nuôi dưỡng nó. Quân đội bao giờ cũng mang bản chất của giai cấp tổ chức ra nó, chịu ảnh hưởng của hệ tưởng và phục vụ mục tiêu lý tưởng của giai cấp ấy.

          Các nhà kinh điển Mác- Lênin là những người đầu tiên chứng minh sự xuất hiện của Quân đội gắn liền với sự bình đẳng về lợi ích giữa những tập đoàn người khác nhau về địa vị xã hội. Sự ra đời và phát triển của quân đội luôn gắn bó hữu cơ với sự ra đời và phát triển của nhà nước. Ngay khi ra đời, quân đội đã thấm đậm trong mình nó yếu tố chính trị và trở thành công cụ chuyên chính của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Lịch sử chính trị thế giới từ khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp đã chứng minh rằng: bất kỳ chế độ chính trị nào, bất kỳ hình thái kinh tế- xã hội nào thì sự xuất hiện của quân đội là khách quan từ nhu cầu của xã hội và quân đội đó luôn mang bản chất chính trị, phục vụ cho giai cấp thống trị tổ chức ra quân đội.

          “Quân đội đứng ngoài chính trị”, “quân đội không tham gia hoạt động chính trị”, “quân đội trung lập”, hay “quân đội phi giai cấp”... chỉ là những quan điểm, thủ đoạn giả dối, lừa bịp, ngụy biện mà giai cấp tư sản ra sức tô vẽ, xuyên tạc hòng đánh lạc hướng cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội mà thôi.

          Hiện nay, các học giả tư sản đang cố gắng, nặn ra nhiều loại lý luận xuyên tạc, hòng chứng minh “tính đúng đắn” cho cái nghịch lý trên để lừa bịp con người. Họ cố tình đánh bóng cho quân đội tư sản từ “nhân dân mà ra” để “ngụy trang” cho quân đội tư sản trung lập với chính trị, không liên hệ gì với các đảng phái chính trị. Nhưng cho dù bất cứ hình thức nào đi chăng nữa, bản chất chống nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân của quân đội tư sản và sự liên hệ với đảng chính trị cầm quyền không hề thay đổi. Quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch hiện nay chẳng qua chỉ là sự lừa bịp, giả dối. Không bao giờ và không thể có một quân đội lại trung dung đứng ngoài chính trị. Quân đội và giai cấp luôn có mối quan hệ khăng khít, ràng buộc, quy định lẫn nhau không thể tách rời. Claodơvít, một nhà quân sự lỗi lạc đã khẳng định: chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn khác nhau. Chính trong tim những người đang hô vang khẩu hiệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội, lại là những kẻ mang đầy “dòng máu chính trị”, tham vọng nắm toàn quyền chi phối quân đội, phục vụ lợi ích của giai cấp mình. Thế mà không hiểu tại sao vẫn có những con người lại tin vào lý luận lừa bịp này, tung hô, cổ súy cho những quan điểm này. Phải chăng đó là sự ấu trĩ về chính trị hay họ tham vọng một mục đích cá nhân gì khác.

          Như vậy, xét về bản chất, quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với quân đội là muốn tách quân đội ra khỏi hệ tư tưởng vô sản; tách quân đội khỏi hoạt động chính trị của giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp nắm quyền thống trị trong xã hội; là sự tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội; làm cho quân đội mất phương hướng chính trị giai cấp, quân đội không còn mang bản chất chính trị của giai cấp lãnh đạo nữa. Từ đó, chúng từng bước “tư sản hóa” quân đội trở thành quân đội nhà nghề của một số người, của giai cấp tư sản, chiến đấu cho giai cấp tư sản, phản bội lại mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản.

          Với lịch sử truyền thống hơn 70 năm chiến đấu, xây dưng và trưởng thành, quân đội đã trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, vì vậy kẻ thù luôn biết chắc chắn một điều kiện là không thể tiêu diệt được một quân đội cách mạng kiên trung với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc này trong thời gian ngắn. Do đó, kẻ thù dùng thủ đoạn “mưa dầm”, “thấm thấu”, từng bước làm phai nhạt bản chất giai cấp công nhân của quân đội, làm cho quân đội xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, làm cho quân đội thờ ơ, lạnh nhạt chính trị tiến tới “phi chính trị hóa” quân đội. Âm mưu thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch diễn ra rất tinh vi, nham hiểm và khéo che đậy. Quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch đối với quân đội ta luôn có mối liên kết chặt chẽ với các hệ thống quan điểm cơ bản khác trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, với các hành động chống phá quân đội của bọn cơ hội, hữu khuynh. “phi chính trị hóa” quân đội là một thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã và đang điên cuồng chống phá quân đội ta.

          Trước hết, các thế lực thù địch tập trung tìm mọi cách tách quân đội nhân dân Việt Nam khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm mất phương hướng chính trị giai cấp, đi chệch nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị, làm cho quân đội ta xa dần với bản chất giai cấp công nhân, xa lạ với bản chất từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt Quân đội nhân dân Việt Nam là một nguyên tắc bất di bất dịch. Chừng nào quân đội còn tồn tại thì không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Buông lỏng, coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cũng đồng nghĩa với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị ngay trong nội bộ các tổ chức của quân đội và như vậy chúng ta lại tự “phi chính trị hóa” chính mình theo mưu đồ, kịch bản và mong muốn của kẻ địch.

          Với âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc, các thế lực thù địch muốn từng bước phá hoại nền tảng chính trị tư tưởng của quân đội, làm cho quân đội từng bước xa rời bản chất giai cấp công nhân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, phá hoại về tư tưởng chiến đấu của quân đội. Bằng các thủ đoạn nham hiểm “pha loãng chính trị” của quân đội ta một cách từ từ, từng bước hình thành quân đội ta một đội ngũ cán bộ trẻ mang tư tưởng của quân đội tư sản, thờ ơ với chính trị, giai cấp, phai nhạt niềm tin để từng bước thay đổi đội ngũ cán bộ trung kiên với Đảng với cách mạng, đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của dân tộc, thống nhất Tổ quốc, suốt đời phấn đấu cho Đảng, nhân dân và chế độ xã hội chún nghĩa. Đối với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chỉ huy, lãnh đạo, chúng ra sức kích động bằng kinh tế và sự hy sinh, bằng việc xuyên tạc công lao đóng góp và những mặt hạn chế của công tác chính sách cán bộ, reo rắc trong đội ngũ cán bộ này một tâm lý hoài nghi, bất mãn với Đảng, với chế độ, dao động, thiếu sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, không tin vào chính khả năng, sức mạnh của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa và không tin vào chính bản thân mình.

          Sự ra đời, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta từ khi thành lập đến nay không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nuôi dưỡng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, sự chăm sóc yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Bản chất quân đội ta là sự phản ánh tập trung thống nhất biện chứng tính chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Tổ chức lực lượng, nguyên tắc tổ chức, mục tiêu chiến đấu và xây dựng của quân đội ta luôn luôn phản ánh lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc Việt Nam.

          Để đánh bại các quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với quân đội, góp phần xây dựng quân đội về chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi công tác đảng, công tác chính trị của quân đội phải làm cho quân đội luôn luôn kiên định lập trường giai cấp, đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững và không ngừng tăng cường nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, củng cố và giữ vững niềm tin khoa học vào lý tưởng cộng sản, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, làm cho mỗi quân nhân luôn phân biệt đúng đắn bạn, thù, nhạy bén sắc sảo về chính trị, có sức đề kháng miễn dịch chính trị cao, sẵn sàng phòng ngừa và đập tan mọi quan điểm, luận điệu xuyên tạc của kẻ thù; xây dựng quân đội luôn luôn là lực lương xung kích trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ quân đội. Quân đội phải là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc, với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Với âm mưu phá hoại của kẻ địch là tìm chỗ sơ hở, yếu kém của quân đội ta để chúng xâm nhập hệ tư tưởng tư sản vào, nếu ta chủ động xây dựng chất lượng chính trị tư tưởng của quân đội tốt, sức miễn dịch, đề kháng cao thì chúng ta không sợ bị ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản. Trong cuộc đấu tranh giai cấp ở Nga, chính V.L. Lênin đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”.

          Đấu tranh phản bác lại quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội đang là một cuộc đấu tranh rất nóng bỏng nhưng vô cùng gay go, phức tạp đòi hỏi phải được tiến hành mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, của mọi tổ chức, mỗi con người trong quân đội. Sức mạnh trong cuộc đấu tranh này phải là sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nên một “hàng rào chính trị tư tưởng” vững chắc không để có các kẽ hở, có cơ hội cho các quan điểm sai trái lọt vào quân đội và trong xã hội. Chủ động về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân là kế sách tối ưu để dập tan âm mưu thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội trong cuộc đấu tranh này. Thực tiễn quân đội Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX đã cho chúng ta một bài học sâu sắc và khẳng định một chân lý đanh thép là: Một quân đội dù được trang bị vũ khí tối tân hiện đại, được huấn luyện một cách bài bản, những vẫn có thể mất sức chiến đấu, vẫn bị các thế lực lũng loạn, vô hiệu hóa ngay trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, nếu như quân đội đó không thực sự vững vàng về chính trị, không giữ được phương hướng chính trị giai cấp, mơ hồ, thờ ơ về chính trị, phai nhạt mục tiêu lý tưởng chiến đấu.

          Qúa trình ra đời, tồn tại và phát triển của bất cứ một kiểu quân đội nào trên thế giới cũng đều gắn liền với vấn đề chính trị, hay nói một cách khác đó là “con đẻ” của chính trị, luôn luôn chứa đựng trong lòng nó bầu máu nóng chính trị. Chừng nào quân đội còn tồn tại thì khi đó quân đội còn “duyên nợ” với chính trị. Điều quan trọng cần phải nhận thức đúng “cái chính trị” ấy là của giai cấp nào. Không một lúc nào chúng ta mơ hồ về một quân đội “phi chính trị”, một quân đội trung lập cả. Từ đó phải nhận thức cho đúng sự lừa bịp, che đậy tham vọng khống chế quân đội, chuyển quân đội sang tay giai cấp khác của các quan điểm đòi “phi chính trị hóa” quân đội của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với quân đội ta hiện nay. Công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội ta phải hết sức tỉnh táo, nhạy bén và thực sự cứng rắn trước những quan điểm phản động đó. Bài học trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của quân đội ta là bất cứ một công việc gì, dù khó khăn phức tạp tới đâu, muốn thực hiện tốt trước hết phải thông suốt về tư tưởng và nhận thức đúng bản chất về nó. Buông lỏng, coi nhẹ công tác đảng, công tác chính trị trong lúc này cũng đồng nghĩa với sự thoái lui, tự khuất phục trước kẻ thù, tự mình làm yếu đi chỗ mạnh của mình. Đứng trước những quan điểm thù địch, phản động ấy, phải kiên quyết giữ vững trận địa chính trị tư tưởng của quân đội, phản bác lại những quan điểm sai trái, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, đập tan sự phá hoại của kẻ địch, xây dựng quân đội thực sự tinh nhuệ về chính trị, ngang tầm với nhiệm vụ của quân đội, của cách mạng trong giai đoạn mới./.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến