Nhận diện các hoạt động xảo trá của các thế lực thù địch trên mạng

 

Thời gian qua, bên cạnh việc móc nối, đưa người ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện, số đối tượng phản động nội địa đã triệt để lợi dụng các tiện ích của mạng Internet, nhất là các ứng dụng OTT có tính bảo mật cao (như Facebook, Skype, Viber, Gotomeeting, Whats app…) để tuyên truyền, phát triển lực lượng, kích động biểu tình, tụ tập đông người…, đặc biệt chúng tăng cường hoạt động hội họp, huấn luyện trực tuyến trên mạng Internet ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia.

Từ đầu năm 2016 đến nay, số đối tượng phản động nội địa đã sử dụng các ứng dụng OTT để tổ chức được 84 buổi hội họp trực tuyến với số lượng từ 15 đến 35 đối tượng tham gia, nội dung chính là bàn thảo về hoạt động chống đối, về “dân chủ, nhân quyền”, “cách thức bảo mật”, “cách đối phó với Công an, chính quyền”, kỹ năng hoạt động nhóm… Riêng nhóm HAEDC đã tổ chức được tới 65 buổi hội họp và 11 đợt huấn luyện với 104 buổi. Hoạt động hội họp huấn luyện trực tuyến trên mạng Internet của đối tượng phản động nội địa gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn, bởi các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, việc thiết lập “phòng họp trực tuyến” trên dịch vụ OTT (Skype, Viber, Gotomeeting, Whats app…) rất đơn giản, dễ thực hiện, nhanh chóng, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý; phương tiện, thiết bị và phương thức kết nối Internet đa dạng (có thể sử dụng máy tính, laptop, điện thoại thông minh… để kết nối với Internet cố định, 3G, Wifi…). Đối với “phòng họp” mở trên Skype, các thành viên khi đã tham gia thì có thể ra vào và “gọi” người tham gia, trao đổi bất kỳ lúc nào, ngay cả khi người quản trị không online.

Thứ hai, các “phòng họp” đều có hệ thống máy chủ rất mạnh ở nước ngoài, có sức chứa lớn (từ 20 đến 100 nickname tham gia cùng lúc), bảo mật cao (các đối tượng dự họp phải điểm danh; đối tượng chủ trì trực tiếp nhìn mặt, nghe giọng mới cho tham gia); thông tin tài liệu trao đổi thường được lưu trữ ở máy chủ ảo nên che dấu  được chứng cứ. Với hình thức này, chúng đã gây không ít khó khăn cho công tác giám sát, đấu tranh của ta.

Thứ ba, các đối tượng có thể dễ dàng đối phó với việc áp dụng đối sách, ngăn chặn của cơ quan An ninh qua việc lựa chọn khoảng thời gian từ 20h30 - 24h và vào các ngày nghỉ; hoặc đến các địa điểm chính quyền khó áp dụng đối sách như tại nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội, giáo xứ Cồn Sẻ ở Quảng Bình…; thường xuyên thay đổi trạng thái sử dụng mạng Internet (thay đổi nhiều sim di động 3G trả trước, nhờ người khác đứng tên hợp đồng Internet hoặc sử dụng nhờ Wifi của người khác); thay đổi thời gian thực hiện, thiết lập “phòng họp” khi thấy có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ “phòng họp” bị giám sát…

Thứ tư, công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của ta còn hạn chế; việc bao vây, phong tỏa, khống chế thông tin liên lạc và phương tiện liên lạc kết nối Internet của đối tượng hiệu quả chưa cao; chưa có giải pháp kỹ thuật tổng thể để ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động này trên diện rộng. Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin, truyền thông còn có sơ hở; sự tham gia phối hợp trong công tác đấu tranh của các nhà cung cấp dịch vụ, các bộ, ban, ngành liên quan còn hạn chế.

Từ tình hình trên, thời gian tới, để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động hội họp, huấn luyện trực tuyến của các đối tượng phản động nội địa, các cơ quan chức năng cần thường xuyên thu thập, cập nhật thông tin về việc sử dụng mạng Internet của các đối tượng phản động nội địa; làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện sớm âm mưu, ý đồ tổ chức hội họp, huấn luyện trực tuyến trên mạng Internet của đối tượng phản động; phải có sự phối hợp chặt chẽ thống nhất giữa các lực lượng tham gia trong đấu tranh, ngăn chặn; tăng cường phương tiện, nâng cao năng lực của bộ phận kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động đấu tranh; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Tóm lại, hoạt động hội họp, huấn luyện trực tuyến trên mạng Internet của các đối tượng phản động nội địa thời gian tới sẽ rất nguy hiểm, vì vậy cần phải kiên quyết, chủ động đấu tranh ngăn chặn. Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là cơ quan an ninh các cấp phải tập trung cao, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh với tinh thần chủ động, làm thất bại âm mưu, ý đồ của chúng, đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống./.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến