GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA NHÂN QUYỀN LÀ PHÁT TRIỂN, BẢO VỆ CON NGƯỜI

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang là vấn đề sinh tử ở nhiều quốc gia thì thực tế vấn đề này tại Việt Nam lại được dư luận thế giới đánh giá cao, ca ngợi. Thậm chí, trước những thành tựu đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam nhiều nước đặt ra câu hỏi: Vì sao một đất nước còn nghèo, còn nhiều khó khăn như Việt Nam lại khống chế được dịch bệnh, không tổn hại tính mạng con người. Tuy nhiên, một số tổ chức, trang truyền thông và cá nhân lại cố tình bóp méo sự thật, tìm cách soi mói, bịa đặt, xuyên tạc rồi dựa vào đó để vu cáo Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc “Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”… không chỉ là phương châm chi phối nhận thức, quyết tâm và hành động của các ban, ngành, chính quyền từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam, mà còn là ý thức tự giác chi phối hành vi của toàn dân Việt Nam trong nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật; Chính phủ đã đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, phù hợp với điều kiện đất nước, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, có hành động quyết liệt, tạo nên sự đồng thuận trong toàn dân, huy động được sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an toàn, ổn định xã hội. Đây là cơ sở để dư luận thế giới đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch. Ðó cũng là đề tài thu hút truyền thông quốc tế với những tin tức, bài báo không chỉ mô tả, dẫn số liệu, khen ngợi, đưa tin về những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam.
Tuy nhiên một số tổ chức và cơ quan truyền thông lại phô bày sự bất nhẫn bằng cách đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu phi lý, thậm chí phụ họa, tạo diễn đàn cho những người lợi dụng dịch bệnh để chống phá điển hình như CIVICUS (Liên minh các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu) đòi Việt Nam “đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, ICJ (Ủy ban luật gia quốc tế) gửi thư tới Chính phủ Việt Nam “bày tỏ quan ngại về những người đang bị giam giữ mà tình hình sức khỏe, an nguy của họ đang gặp nguy cơ… vì số người đó không được chăm sóc y tế và điều trị y khoa đầy đủ trong nhà tù”. Ngang nhiên hơn, trong bài viết trên trang mạng của tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) xuất bản tại Mỹ, D.Hutt (D.Hút), nhà báo phụ trách chuyên mục Ðông-Nam Á của tạp chí Diplomat (Nhà ngoại giao), còn đẩy vấn đề theo hướng chính trị khi tùy tiện suy diễn rằng nỗ lực của Việt Nam là “cố gắng lấy lại uy tín xã hội”! Hay một số trang mạng như trang tiếng Việt của VOA, BBC, RFA,… đăng tải những yêu cầu phi lý của tổ chức nọ tổ chức kia, phỏng vấn người này người khác với các đánh giá chủ yếu theo giọng điệu xuyên tạc, vu cáo. Nổi lên trong đó là trang tiếng Việt của BBC, nơi tạo diễn đàn để một số người gọi là “nhân sĩ, trí thức” đòi hỏi “phải thả tất cả các tù nhân chính trị”; hay tự hỏi: “Virus corona: Trời thương dân Việt Nam hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?”, rồi trả lời: “Và chẳng ai dám nói tiếp theo sẽ không có con thứ ba hay một con Coro-mãng cầu nào đó, mà nó sẽ dành trọn niềm tin và hy vọng vào những công dân quen ăn ở bẩn thỉu”. Thậm chí, họ còn “cố đấm ăn xôi” đến nỗi khi đến tận ngày 15-5-2020, với bài: “Covid-19: Phản ứng thái quá giúp Việt Nam chống virus thành công ra sao?” của A.Jones (A.Giô-nét, có sự đóng góp của Nguyễn Giang, Bùi Thư của BBC News tiếng Việt), dù đã phải thừa nhận các thành công của Việt Nam, song vẫn cố phỏng vấn P.Robertson (P.Rô-béc-sơn) thuộc HRW (Theo dõi nhân quyền) để người này xưng “cán bộ đảng viên dân phố trung thành theo dõi người dân trong khu vực và báo cáo lên cấp trên,… không nghi ngờ gì là có “sự vi phạm nhân quyền quá mức” trong quá trình chống dịch. Nhưng không nhiều người biết về những chuyện này vì chính phủ kiểm soát hoàn toàn truyền thông”. Phát ngôn của P.Robertson do BBC công bố này đã không chỉ cố tình xuyên tạc, xúc phạm ý thức tự giác của nhân dân Việt Nam đang hướng theo tinh thần toàn cộng đồng cùng hợp tác phòng, chống dịch bệnh, mà còn cho thấy P.Robertson và các đối tượng nêu trên chỉ cố cổ xúy cho thứ nhân quyền muốn làm gì thì làm, bất chấp luật pháp cũng như sự an nguy của tính mạng người dân Việt Nam. Chẳng nhẽ P.Robertson, HRW chỉ thừa nhận một quốc gia có nhân quyền khi chính phủ ở đó để dịch bệnh mặc nhiên lây lan, phó thác tính mạng của con người vào sự may rủi, và để có nhân quyền, có tự do thì chính quyền, người dân không cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của người khác, không cần có trách nhiệm đối với sự an toàn của xã hội?
Cũng cần nhắc tới hiện tượng một số người không muốn Việt Nam phát triển, không muốn uy tín của Việt Nam tăng cao trên trường quốc tế,… nên đã hành xử thiếu thiện chí theo lối tìm mọi cách để “bôi bẩn bức tranh đẹp”. Họ nỗ lực “vạch lá tìm sâu”, không “tìm được sâu” thì họ vẽ, bịa ra “sâu”, sử dụng thuyết âm mưu để lươn lẹo đẩy vấn đề sang hướng tiêu cực, triệt để khai thác một vài hiện tượng xảy ra trong quá trình phòng, chống dịch bệnh và bị dư luận phê phán gay gắt để vu khống chính quyền, miệt thị nhân dân. Họ rêu rao “Chính phủ giấu thông tin”, xuyên tạc hoạt động cứu trợ, truy lùng nhân thân, thậm chí cả gia quyến người bị nhiễm Covid-19, để vu cáo, xúc phạm. Thậm chí, một linh mục thuộc Dòng Chúa cứu thế ở nhà thờ Thái Hà trên địa bàn Hà Nội còn trắng trợn cho rằng Chính phủ “để dịch bệnh lây lan khắp nơi, thực tế số người bị nhiễm gấp nhiều lần so với số công bố”, kêu gọi “người Việt ở hải ngoại không nên tin vào hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam”. Hay trước sự kiên quyết của chính quyền khi xử lý một số người tung tin giả về dịch bệnh, linh mục Ðặng Hữu Nam – Quản xứ ở Giáo xứ Mỹ Khánh thuộc Giáo phận Vinh trên địa bàn Yên Thành – Nghệ An đã xuyên tạc thành… chính quyền “bắt bớ người tung thông tin bệnh dịch để bưng bít thông tin”. Ngay việc khai báo y tế trực tuyến cũng bị họ xuyên tạc là xâm phạm trái phép để quản lý thông tin cá nhân.
Trong thế giới văn minh ngày nay, mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường phát triển của mình và hợp tác cùng nhau phát triển không có nghĩa xóa nhòa ranh giới của sự lựa chọn, mà càng đòi hỏi sự lựa chọn đó phải được tôn trọng. Với Việt Nam, từ sự lựa chọn một Nhà nước của dân, do dân, vì dân và coi mục đích cao nhất của nhân quyền là vừa tạo điều kiện để con người phát triển, vừa bảo vệ tính mạng con người mà trong đại dịch Covid-19 vừa qua chúng ta kịp thời ứng phó, chủ động triển khai các giải pháp, hoạt động đúng đắn, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất các hệ lụy từ đại dịch. Ðiều đó đã thể hiện rất rõ trong sự vào cuộc chủ động và tích cực của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành liên quan, các địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội; sự đồng lòng và ủng hộ của toàn dân; minh bạch trong thông tin, truyền thông; đón người Việt từ nước ngoài trở về; quan tâm, bảo vệ sức khỏe chu đáo mọi người dân, kể cả người nước ngoài đang du lịch hoặc làm việc tại Việt Nam; triển khai gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng giúp các đối tượng gặp khó khăn vì dịch bệnh; trong khả năng của mình chủ động đóng góp, hỗ trợ phương tiện y tế cần thiết giúp một số quốc gia, tổ chức quốc tế; chia sẻ thông tin, và kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm tổ chức phòng, chống dịch bệnh… Tất cả cho thấy hình ảnh một Việt Nam đang khẳng định là chỉnh thể thống nhất giữa ý chí và hành động, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội, bảo đảm nhân quyền trong toàn dân, có trách nhiệm với đất nước mình, có trách nhiệm với cộng đồng nhân loại.
Với những dẫn chứng trên, mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, cố tình hạ thấp kết quả phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam là phi lý, không thể nào phủ nhận được sự thật. Những thành công bước đầu đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 cho phép chúng ta tự hào về những gì đã làm được nhưng đồng thời cũng nhắc nhủ không được thỏa mãn, chủ quan. Phát huy thành quả đã đạt được, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống, bảo đảm để dịch bệnh không thể bùng phát trở lại. Bảo đảm sự an toàn và sức khỏe người dân, đồng thời nỗ lực, đồng lòng hơn nữa để khắc phục các thiệt hại, hạn chế tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, giúp đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển. Vì đó cũng sẽ tạo thêm nhiều điều kiện để bảo đảm nhân quyền./.

-SBH-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến