Xây dựng văn hóa lãnh đạo của chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội

Sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là cơ sở, cần phải trú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng ở đơn vị cơ sở, đây là lực lượng trực tiếp nhất và đông đảo nhất. Để phát huy vai trò của các lực lượng này, chính trị viên (CTV) là đóng vai trò trực tiếp và quan trong nhất. Vì ở đơn vị cơ sở CTV là người chủ trì về chính trị, là người trực tiếp tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của các cấp vào thực tiễn các hoạt động ở đơn vị, đồng thời họ cũng là người quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát các công việc đó. Như vậy, hoạt động lãnh đạo của CTV phải tác động làm khơi dậy nguồn lực và sức mạnh nội sinh của mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia vào sự nghiệp xây dựng Quân đội. Điều kiện thiết yếu nhất để CTV làm được điều đó là trong hoạt động lãnh đạo của CTV phải đạt tới tầm văn hoá.
Văn hóa lãnh đạo là cái hay, cái đẹp, cái giá trị được thể hiện ra trong hoạt động đưa đường lối của Đảng vào tổ chức quần chúng của CTV. Đây là chìa khoá để khơi dậy nguồn lực nội sinh to lớn, vô tận trong cán bộ, chiến sĩ, tập thể quân nhân để huy động vào thực hiện các hoạt động của đơn vị, bảo đảm cho đơn vị luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Thước đo của văn hóa lãnh đạo của CTV ở lòng tin của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vào tính đúng đắn của mọi chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết, phương hướng xây dựng đơn vị của các cấp; là tình cảm, là lương tâm, trách nhiệm của họ đối với mọi hoạt động của đơn vị; là tinh thần đoàn kết nhất trí, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của mọi thành viên. Lòng tin, tình cảm, lương tâm, trách nhiệm ấy có nguồn gốc sâu sa ở bản chất tốt đẹp, tính nhân văn của mọi chủ trương, chính sách của Đảng; ở tính đúng đắn, phù hợp của chỉ thị, nghị quyết với nguyện vọng của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nguồn gốc trực tiếp là sự lan toả các giá trị trong văn hoá lãnh đạo của CTV đến mọi thành viên trong đơn vị. Nói cách khác, đây là sự lan toả, cái hay, cái đẹp, cái giá trị trong nhân cách, thông qua phương thức, cách thức, biện pháp lãnh đạo, quản lý, chỉ huy của CTV tới mọi thành viên trong đơn vị. Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ sự ảnh hưởng này: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”[1].
Những yếu tố căn bản tạo nên văn hóa lãnh đạo của CTV đó là: Đạo đức cách mạng; tri thức khoa học toàn diện, tập trung chủ yếu vào tri thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, tri thức khoa học chính trị, tri thức khoa học lãnh đạo; phương pháp, phong cách lãnh đạo, quản lý, chỉ huy khoa học, dân chủ, quần chúng và đúng pháp luật. Sự kết hợp giữ đạo đức cách mạng trong sáng, tri thức khoa học toàn diện và năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, hình thành ở CTV nghệ thuật lãnh đạo. Nghệ thuật ấy chính là sự kết hợp giữa đức và tài. Cái tài đã được nhân cách hóa, cái đức đã được thẩm thấu trong cái tài. Nghệ thuật hay văn hoá trong lãnh đạo luôn đối nghịch với các thủ đoạn trong lãnh đạo – những điều xấu xa trong hành động và mục tiêu của lãnh đạo. Xây dựng văn hóa lãnh đạo của CTV là hoạt động tác động tích cực, tự giác gia tăng các yếu tố căn bản trong cấu trúc văn hóa lãnh đạo, giúp cho CTV làm tốt công tác tập hợp và phát huy nguồn sức mạnh nội sinh của mọi cán bộ, chiến sĩ vào thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Từ những vấn đề trên, việc xây dựng văn hoá lãnh đạo của CTV ở đơn vị cơ sở, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
Một là, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, trau dồi lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho CTV.
Đạo đức cách mạng là cái gốc, là nguồn gốc nội sinh của văn hoá lãnh đạo của CTV. Vì đạo đức là cái gốc của người cách mạng, Hồ Chí Minh ví đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, lý tưởng xã hội chủ nghĩa là những nhân tố cơ bản tạo nên văn hóa trong nhân cách – cái gốc của văn hóa lãnh đạo của CTV, là sức hút và lan tỏa các giá trị văn hóa Đảng tới mọi thành viên trong đơn vị. Do đó, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, trau dồi lý tưởng xã hội chủ nghĩa là biện pháp tiên quyết, tạo nên hạt nhân nòng cốt trong xây dựng văn hóa lãnh đạo cho CTV. Để đạt được điều đó, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phải coi trọng giáo dục chính trị – tư tưởng, đạo đức, lối sống cho CTV. Phải làm cho CTV thực sự thấm nhuần sâu sắc lý tưởng cách mạng, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng; trong mọi lĩnh vực và thời điểm CTV thực sự trở thành người chuẩn mực về đạo đức, lối sống, lý tưởng cao đẹp và là người tiên phong trong thực hành đạo đức cách mạng và thể hiện lối sống có văn hóa để thực sự trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của mọi cán bộ chiến sĩ trong đơn vị.
Đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, lý tưởng xã hội chủ nghĩa sẽ không đầy đủ và hoàn thiện nếu không cường vai trò, hiệu lực của kỷ luật Đảng, tăng cường vai trò của các thiết chế văn hóa và đấu tranh suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nếu như tăng cường công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, đạo đức, lối sống nhằm xây dựng các phẩm chất cần thiết trong văn hóa nhân cách của CTV, thì tăng cường vai trò, hiệu lực của kỷ luật Đảng, tăng cường vai trò của các thiết chế văn hóa và đấu tranh suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sẽ chống lại các phản giá trị trong văn hóa nhân cách, làm cho đạo đức, lối sống và lý tưởng của CTV phát triển đúng định hướng theo các chuẩn văn hóa nhân cách của người cán bộ chính trị trong Quân đội.
Trong tình hình hiện nay, để rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, trau dồi lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho CTV, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho CTV. Cần phải nhận thức rằng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh không phải là cái gì cao siêu, xa vời, chỉ để chiêm ngưỡng, ca ngợi, mà đạo đức đó rất thiết thực, cụ thể, mọi người đều có thể học tập và làm theo. Hơn ai hết cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thật sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, phải làm gương cho cấp dưới, cấp trên có trong sáng về đạo đức mới có thể giáo dục, kiểm tra được đạo đức của cấp dưới. Mỗi một người cán bộ lãnh đạo phải là tấm gương về sự tự phấn đấu, rèn luyện không ngừng mới có thể hoàn thành trọng trách được giao.
Hai là, trang bị tri thức khoa học toàn diện cho CTV.
Trang bị tri thức khoa học toàn diện cần tập trung vào trang bị các nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; tri thức khoa học chính trị và tri thức lãnh đạo, quản lý, chỉ huy; kiến thức, kỹ năng về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị… Những tri thức là công cụ để CTV giải mã được cái hay, cái giá trị, các giá trị văn hóa trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, từ đó tiếp nhận và chuyển hoá nó thành giá trị văn hoá trong nhân cách của CTV; là điều kiện để hoàn thiện văn hoá trong nhân cách, là cơ sở để củng cố lập trường tư tưởng và nhân sinh quan cách mạng, là cơ sở để lựa chọn, đề xuất và điều chỉnh hành vi ứng xử trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị cho phù hợp với chuẩn giá trị của các mối quan hệ quân nhân, quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng lãnh đạo, chi huy…
Quá trình trang bị tri thức khoa học cần làm cho CTV thấy rõ tính hợp lý, tính đúng đắn, sự cần thiết trong vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng đối với dân tộc, tính khoa học, cách mạng và là học thuyết duy nhất đúng đắn cho việc giải phóng dân tộc, giai cấp và nhân loại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối của Đảng tiêu biểu cho khát vọng hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của giai cấp, dân tộc Việt Nam; đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tuyệt đối trung thành, hy sinh, phấn đấu vì lợi ích tối cao và lợi ích chính đáng hằng ngày của giai cấp, dân tộc, của con người Việt Nam; đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước hội tụ, kết tinh, phát huy những giá trị tinh hoa của văn hoá, đạo đức dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; hình thành, thực thi, truyền bá hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời đại mới…
Trang bị tri thức khoa học về lãnh đạo, quản lý giúp CTV có kiến thức và kỹ năng nắm bắt và phân tích kịp thời những sự kiện, quá trình và tình huống chính trị cụ thể, khả năng phân tích tâm trạng, thái độ, phản ứng chính trị ở các đối tượng khác nhau trong những thời điểm khác nhau để có những quyết sách tương ứng và kịp thời. Thiếu những kiến thức và kỹ năng hành động chính trị cụ thể do khoa học lãnh đạo, quản lý đem lại, CTV sẽ rất lúng túng trước các tình huống phức tạp và tế nhị đòi hỏi phải ứng xử nhanh nhạy, chính xác. Tri thức khoa học về lãnh đạo, quản lý thiết thực và cần thiết nhất đối với CTV là tri thức về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Tri thức này, giúp cho CTV thực hiện tốt vai trò là trung gian, cầu nối để đưa văn hóa Đảng, truyền thống văn hóa Quân đội và đơn vị vào mọi thành viên và làm cho văn hóa ấy thấm sâu vào quần chúng, tạo nên tình cảm, niềm tin, thái độ và ý chí trong tiếp nối, phát huy và hiện thực các giá trị ấy thông qua các hoạt động cụ thể của từng cá nhân. Do đó, ở nhà trường, trang bị tri thức về hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải đầy đủ, toàn diện và sát thực với các hoạt động ở đơn vị cơ sở; ở đơn vị cơ sở, cần có các hoạt động rèn luyện, bồi dưỡng, bổ trợ, huấn luyện bổ sung giúp CTV bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn thiếu và bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với điều kiện, yêu cầu huấn luyện, xây dựng của đơn vị.
Ba là, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo cho CTV.
Năng lực lãnh đạo của CTV đạt tới các giá trị văn hóa, thì năng lực ấy cần phải có là phương pháp, phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, quần chúng và đúng pháp luật. Phương pháp, phong cách lãnh đạo là phương thức để hiện thực hoá các giá trị chung của văn hoá Đảng, văn hoá quân sự vào môi trường công tác của đơn vị và thực tiễn hoạt động của mọi thành viên; là công cụ để thể hiện văn hoá lãnh đạo của CTV. Vì tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Quân uỷ Trung ương và các cấp đi vào đời sống các quân nhân, truyền tải đến mọi hoạt động của các quân nhân, thông qua đội ngũ cán bộ, mà chủ yếu và trực tiếp nhất là thông qua hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ huy của CTV. Văn hoá lãnh đạo của CTV được thể hiện trực tiếp qua phương pháp, phong cách làm việc, sinh hoạt, thông qua đó, mà mọi thành viên trong đơn vị có thái độ tôn trọng hay xem thường, tin tưởng hay không tin tưởng. Do vậy, rèn luyện, thực hành phương pháp, phong cách khoa học là công việc cần thiết, hệ trọng trong xây dựng văn hoá lãnh đạo của CTV. Ngay từ khi mới thành lập Quân đội, Hồ Chí Minh yêu cầu về phẩm chất, năng lực của CTV: “Chính trị viên phải có nhiều năng lực lãnh đạo, năng lực này phải đủ mọi mặt quân sự lẫn chính trị, năng lực giải quyết vấn đề cấp bức cũng như vấn đề sinh hoạt hằng ngày về chính trị hay vật chất”[2].
Phương pháp, phong cách lãnh đạo của CTV  được hình thành trên cơ sở học tập, vận dụng phương pháp luận mác xít, phép biện chứng duy vật; từ phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh; từ phương thức lãnh đạo của Đảng và từ sự trải nghiệm, đúc kết hoạt động thực tiễn, từ việc nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới. Vì vậy, ngay từ quá trình đào tạo học viên trở thành CTV, đến khi trên cương vị CTV, các nhà trường và lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị ở các đơn vị cơ sở, bằng nhiều cách khác nhau, phải coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy vật và cách thức vận dung phương pháp tư duy ấy vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn – cái gốc, nền tảng cho sự hình thành phương pháp, phong cách công tác của CTV. Việc lên lớp, thực hành, thực tập, hoạt động bồi dưỡng, quản lý, giáo dục, rèn luyện ở nhà trường phải luôn trú trọng bồi dưỡng, rèn luyện cả về lý luận và thực tiễn phương pháp, phong cách công tác của người CTV tương lai cho CTV. Ở đơn vị cơ sở, cần đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, phong cách công tác thông qua các hoạt động thực tiễn của CTV. Đây là môi trường để kiểm nghiệm, rèn luyện phương pháp, phong cách công tác của CTV hiệu quả và thiết thực nhất, giúp phương pháp, phong cách công tác của CTV hình thành và xác lập hiệu quả nhất.
Trong tình hình hiện nay, bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, phong cách công tác của CTV ở đơn vị cơ sở, biện pháp có ý nghĩa thiết thực và thời sự nhất là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 87 – CT/QUTW của Quân ủy Trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phương pháp, phong cách tư duy, làm việc, sinh hoạt, ứng xử cho toàn Đảng, toàn dân và toàn Quân học tập và noi theo. Đối với CTV, việc học tập và noi theo phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực, hình thành phong cách nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tôn trọng, gần gũi, thấu hiểu và tin ở cán bộ chiến sĩ; khiêm tốn, giản dị, lành mạnh, hoà đồng, nêu gương sáng trước toàn thể đơn vị… đó là những chuẩn tắc cần có trong phương pháp, phong các lãnh đạo, quản lý của CTV hiện nay, theo đúng yêu cầu: “Đối với bộ đội chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”[3].
Bốn là, xây dựng văn hoá lãnh đạo cho CTV phải kiên trì, dũng cảm, không ngừng nâng cao sức chiến đấu, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa “xây” và “chống”.
Văn hóa nói chung, văn hóa lãnh đạo của CTV nói riêng là lĩnh vực nhạy cảm, tinh tế liên quan đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý, lợi ích của CTV, do vậy xây dựng văn hóa lãnh đạo không thể là công việc một sớm, một chiều, giản đơn, thuận buồm, xuôi gió. Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, một cuộc đấu tranh cam go giữa cái tiến bộ, mới mẻ, tốt đẹp với cái lạc hậu, cũ kỹ, xấu xa; vừa sáng tạo những giá trị văn hóa mới, vừa phải tỉnh táo, kiên trì, dũng cảm đấu tranh phòng ngừa, xóa bỏ những độc tố phi văn hóa, phản văn hóa trong cả nhân cách và việc làm thực tiễn.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nói chung và đội ngũ những đại biểu của Đảng trong Quân đội – CTV, luôn tồn tại và hoạt động trong môi trường xã hội, vừa tác động tích cực đến quá trình xây dựng, lành mạnh hóa xã hội, vừa chịu sự tác động của môi trường xã hội theo cả hai chiều thuận, nghịch. Kinh tế thị trường phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, đồng thời với những nhân tố tích cực cũng nảy sinh những nhân tố tiêu cực; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực đế quốc, phản động, thù địch với những thủ đoạn tinh vi, ác độc, đã và đang tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý – thông tin, sử dụng các độc tố phản văn hóa tiến hành cuộc “xâm lăng văn hóa”. Từ nhiều con đường, từ nhiều phương thức, lúc ồn ào, lộ liễu, lúc âm thầm, tinh vi, những mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế len lỏi, thâm nhập, tác động vào Đảng, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Trước tác động đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do đó, phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đầy lùi vấn nạn này.
Thực hiện cuộc đấu tranh để xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới, phòng ngừa những cái phi văn hóa phát sinh, cần tập chung chủ yếu và trực tiếp vào việc nâng cao bản lĩnh văn hóa trong Đảng, từng tổ chức đảng, đảng viên và từng CTV. Bản lĩnh văn hoá trong Đảng, tổ chức đảng, từng đảng viên và CTV là tổng hợp toàn bộ những nhân tố thể hiện cốt cách, khí phách, tư chất và sức mạnh khẳng định bản sắc văn hóa của một đảng và tư cách người đảng viên chân chính. Trước tác động của các mặt tiêu cực bên trong và bên ngoài bản lĩnh văn hóa sẽ giúp Đảng và từng đảng viên “miễn dịch” với mọi tác động của các phản giá trị đang làm băng hoại văn hoá và “đào thải” những phản giá trị và những “vi rút” gây bệnh từ bên trong, đang nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, để trong Đảng, từng đảng viên không còn những nhân tố làm băng hoại đạo đức, lối sống, suy đồi về văn hoá. Do vậy, sự thống nhất giữa phòng ngừa, đào thải những phản giá trị ở bên trong với đẩy lùi sự xâm nhập những phản giá trị từ bên ngoài cần được coi là giải pháp hữu hiệu trong xây dựng sức đề kháng cho văn hoá Đảng hiện nay.
Năm là, không ngừng nâng cao trình độ chính trị của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một nguyên tắc hoạt động chính trị: “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”[4]. Trình độ chính trị của của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là một thước đo về hiệu quả văn hóa lãnh đạo của CTV. Mặt khác, chỉ trên một nền tảng được bảo đảm về chính trị của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thì việc nâng cao văn hóa lãnh đạo của CTV có cơ sở thực tế để tiến hành. Hơn nữa, khi trình độ chính trị của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao sẽ tạo ra những thách thức cần thiết đòi hỏi CTV phải có bước trưởng thành cao hơn và phải đạt tới các chuẩn giá trị của văn hóa lãnh đạo. Nâng cao trình độ chính trị của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là nhằm lôi cuốn mọi thành viên vào hoạt động quản lý, lãnh đạo, chỉ huy của CTV, phát triển ở họ tính tích cực chính trị, sự phản xạ và sự hưởng ứng nhanh chóng trước mọi hành động của CTV. Trình độ chính trị còn là điều kiện bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm bắt và thực hành dân chủ. Càng có trình độ chính trị cao họ càng nhận thức sâu hơn về những giá trị xã hội, về quyền và nghĩa vụ của mình cũng như khả năng độc lập đánh giá và suy lý về những phương pháp, phong cách làm việc, sinh hoạt của CTV. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”[5].
Văn hóa lãnh đạo của CTV là trung gian truyền dẫn, lan toản và thẩm thấu văn hóa Đảng, truyền thống văn hóa của Quân đội và đơn vị tới mọi thành viên, làm khơi dậy và phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của họ tham gia vào mọi hoạt động của đơn vị, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị hiện nay. Do đó, hoạt động của CTV, không đơn thuần dừng lại ở việc làm tốt chức năng, nhiệm vụ của một người lãnh đạo, người quản lý, người chỉ huy, cần phải nâng lên tầm văn hóa trong các hoạt động ấy.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến