QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN

Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rất chú trọng vai trò của giai cấp công nhân, xem giai cấp công nhân là động lực chủ yếu của phong trào giải phóng dân tộc.

Những năm ở Pháp, Quốc tế Lao động 1/5/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự mít tinh kỷ niệm cùng nhóm đảng viên Xã hội Pháp.

Quốc tế Lao động 1/5/1924, theo lời mời của Thành ủy Moscow thuộc Liên Xô (trước đây) và Ban Thư ký của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia và phát biểu ý kiến trong cuộc mít tinh kỷ niệm tại Quảng trường Đỏ.

Quốc tế Lao động 1/5/1925, cùng một số nhà cách mạng Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông, tiến tới thành lập Hội Nông dân. Lúc này, Người trên cương vị đại diện cho Quốc tế Cộng sản, đã tham gia thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” vào năm 1925 tại Trung Quốc.

Trong những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đời sống nhân dân lao động ở thuộc địa. Tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) do Người chủ trì, một nội dung trong Chánh cương vắn tắt của Đảng được Đại hội thông qua đã nêu rõ:

Nhiệm vụ của cuộc cách mạng ấy, về phương diện xã hội thì làm sao cho dân chúng được tự do, nam nữ bình quyền và phổ thông giáo dục theo công nông hóa.

Về phương diện chính trị: đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tổ chức ra chính phủ công nông binh và quân đội công nông.

Về phương diện kinh tế thì phải thủ tiêu hết các thứ quốc trái, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc Pháp giao cho chính phủ công nông binh quản lý, thu hết ruộng đất chia cho dân nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày mở mang công nghiệp và nông nghiệp, thi hành luật ngày làm tám giờ.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy mới ra đời nhưng đã lãnh đạo cuộc tuần hành Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân ở 5 xã ven TP Vinh (Nghệ An) dấy lên cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đặc biệt, đến ngày 1/5/1938, trong lúc phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp đang sôi nổi, công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã công khai kỷ niệm Quốc tế Lao động 1/5 bằng cuộc mít tinh tại Nhà Đấu Xảo Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 25.000 người từ các giới thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... Tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), một cuộc mít tinh đã được tổ chức tại Rạp hát Thành Xương với 5.000 người tham dự.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc tế Lao động 1/5/1946 được tổ chức kỷ niệm với Lễ mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi hướng về đồng bào toàn quốc, đặc biệt là nhân dân lao động:

“Cùng toàn quốc đồng bào! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1/5 là một ngày tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa... Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.4, NXB Chính trị Quốc gia, H.2002, tr.219).

Sau đó, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo. Trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương.

Hơn 70 năm qua, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và thực hiện Di chúc của Người, chúng ta thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn để lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực tốt đẹp: “... Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng cơ khí (Nhà máy Gang thép Thái Nguyên) ngày 1/1/1964. Ảnh: Tư liệu


-DT-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến