KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA PHONG CÁCH TƯ DUY HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Tóm tắt: Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là những nét riêng, độc đáo, đặc sắc có có tính hệ thống, ổn định trong cách thức vận dụng phương pháp tư duy biện chứng duy vật  vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của Hồ Chí Minh. Kế thừa và phát huy những giá trị của phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên chính là tổng thể cách thức và biện pháp chuyển hóa những đặc trưng trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh thành phẩm chất, năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Từ khóa: Phong cách tư duy Hồ Chí Minh; kế thừa; phát huy; cán bộ; đảng viên.
Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung rất phong phú, là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: phong cách tư duy; phong cách làm việc; phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử; phong cách sinh hoạt; phong cách quần chúng và phong cách nêu gương… Trong hệ thống phong cách ấy, phong cách tư duy là một nội dung quan trọng, có vai trò xuyên suốt trong chỉnh thể hệ thống phong cách của Người.
Hồ Chí Minh đến với học thuyết Mác – Lênin, nhằm mục đích duy nhất là cởi ách cho dân tộc. Ở Người đã thâu thái được những cái tinh túy nhất của biện chứng pháp đem về áp dụng vào cách mạng Việt Nam. Do vậy, Hồ Chí Minh là một người mácxít, phương pháp tư duy của Người mang bản chất cách mạng và khoa học của phương pháp biện chứng duy vật của những người mácxít. Chính cách thức vận dụng phương pháp tư duy biện chứng duy vật (hay các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật) của Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam đã tạo nên phong cách tư duy với những đặc trưng riêng, chỉ có ở Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể hiểu phong cách tư duy Hồ Chí Minh là những biểu hiện đặc thù, những biểu hiện sinh động của phương pháp tư duy biện chứng duy vật; là cách thức vận dụng sáng tạo phương pháp tư duy biện chứng duy vật tạo ra những nét riêng, độc đáo, đặc sắc có có tính hệ thống, ổn định của Hồ Chí Minh. Có thể thấy những giá trị trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số đặc trưng như sau:
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo
Nghĩa là một phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên xi cái gì của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý cách mạng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước. Theo đó, tư duy độc lập ở Người, là cách nghĩ, cách làm không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi, không giáo điều. Tự chủ là tự mình làm chủ mọi suy nghĩ và hành động của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự bản thân mình phải thấy trách nhiệm lớn lao trước đất nước và dân tộc. Độc lập, tự chủ trên tinh thần: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”[1]. Tuy nhiên, độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với quan niệm siêu hình, hạn chế những hoạt động đó trong khuôn khổ dân tộc thuần tuý, mà luôn liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ.
 Tư duy sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù. Sáng tạo còn là sẵn sàng từ bỏ những cái gì đã cũ đã lỗi thời, những gì không phù hợp với thực tiễn, những cái gì đúng trước kia nhưng nay không còn phù hợp. Theo tinh thần: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ; cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm; cái gì mới mà hay thì ta phải làm”[2]. Đồng thời sáng tạo cũng là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hòi của cuộc sống đặt ra. Cái mới, cái sáng tạo của Hồ Chí Minh là phù hợp với quy luật khách quan, đồng thời phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội loài người. Cái mới có thể kế thừa cái cũ, bổ sung giá trị mới, làm cho cái mới khác về chất so với cái cũ. Cái mới cũng là cái chưa từng có trong tiền lệ lịch sử.
Tư duy rất thiết thực luôn gắn với thực tiễn đất nước, thời đại
 Đây là một trong những đặc trưng nổi bật trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh. Trong mọi suy nghĩ và hành động của Người luôn đứng trên mảnh đất hiện thực là thực tiễn cách mạng Việt Nam làm xuất phát điểm để đi tìm lý luận cách mạng mới. Trong hành trình đi tìm lý luận cách mạng, tư duy của Người luôn đáu đáu tìm xem hiện thực Việt Nam thiếu những gì, để tiếp thu, thâu thái những cái thiết thực nhất, trực tiếp nhất phục vụ cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở nước ta. Ngay từ những năm đầu của cuộc đời hoạt động cách mạng, vấn đề tự do cho dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc đã làm điểm xuất phát và là động lực để Hồ Chí Minh đi tìm chân lý: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”[3]. Rõ ràng, xuất phát từ hoàn cảnh đất nước đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải tìm ra một lối đi mới đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. Thực tiễn đó và thực tiễn các nước chính quốc đã là điểm xuất phát của tư duy của Hồ Chí Minh hướng vào đó để tìm ra con đường cứu nước mới cho dân tộc.
Khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Nhưng chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết cách mạng rộng lớn, bao quát nhiều vấn đề về giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, chủ yếu hướng vào các nước tư bản phát triển nhất. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin từ nhu cầu trước mắt là giải phóng dân tộc ở thuộc địa, nên Người đã biết lựa chọn, tiếp thu những cái cần thiết cho giai đoạn trước mắt của cách mạng Việt Nam, phù hợp với điều kiện lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, từ đó đề ra được đường lối đúng đắn, bước đi thích hợp cho cách mạng Việt Nam do đó đã hạn chế được những sai lầm nóng vội, “tả” khuynh, từng bước đưa cách mạng Việt Nam cập bến bờ thắng lợi.
Luôn thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
Nghĩa là tư duy của Người luôn lấy thực tiễn là cơ sở, điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý. Trong mọi hoàn cảnh, Người luôn xuất phát từ thực tiễn để rút ra những nhận định giải đáp những yêu cầu của thực tiễn, khái quát thành lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Thực chất, chính là Người vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo quan điểm thực tiễn của triết học Mác – Lênin, nó trở thành nguyên tắc thực tiễn trong suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh. Vì vậy, khi đến với chủ nghĩa Mác, Người không áp dụng máy móc một cách giáo điều, mà luôn đứng trên “mảnh đất hiện thực” cách mạng Việt Nam, trên nền của văn hóa phương Đông nói chung để vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin. Cho nên, khi học tập chủ nghĩa Mác, Người luôn quán triệt quan điểm biện chứng, học tập những gì là đúng đắn, đồng thời bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác trên cơ sở những vấn đề thực tiễn ở nước ta nói riêng và các nước phương Đông nói chung. Vì vậy, ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã từng viết: “Dù sao cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Xem xét lại chủ nghĩa mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[4]. Như vậy, quan điểm thực tiễn luôn được Hồ Chí Minh quán triệt sâu sắc và triệt để, luôn đảm bảo lý luận thống nhất với thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận trên cơ sở thực tiễn và phù hợp với thực tiễn.
Tư duy mềm dẻo và linh hoạt
 Đây là một đặc trưng rất riêng, nổi bật trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh dị ứng với mọi biểu hiện của lối suy nghĩ siêu hình, phiến diện, khô cứng. Tư duy của Người luôn uyển chuyển và linh hoạt trong cách ứng xử với từng tình huống cụ thể, nhưng không xa rời nguyên tắc lập trường để đạt tới đích cuối cùng. Trong mọi hoàn cảnh phải luôn kiên định nguyên tắc nhưng linh hoạt lựa chọn các biện pháp để thực hiện. Đặc trưng này không những thể hiện tính khoa học mà được coi như một nghệ thuật lãnh đạo của Người với những chủ trương, sách lược mềm dẻo nhưng vẫn kiên định lập trường. Đặc trưng như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình đấu tranh, đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt, phù hợp yêu cầu của thực tiễn qua từng giai đoạn cách mạng.
Tư duy mềm dẻo và linh hoạt của Người được thể hiện cô đọng trong quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tư duy của Người, dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái không thay đổi mà ứng phó với cái cái luôn thay đổi. Cái bất biến là mục đích, là cái mang tính nguyên tắc, quy luật tất yếu, còn cái vạn biến là cách ứng xử linh hoạt, chủ động, tích cực, phù hợp với tình hình cụ thể. Tuy nhiên, ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, từ bỏ, đánh mất cái bất biến; tuyệt đối không thể đem cái bất biến ấy ra mua bán, đổi chác. Hoàn cảnh luôn thay đổi, cuộc sống cũng như sự nghiệp cách mạng luôn thay đổi, phát triển, bởi vậy, sách lược trong từng lĩnh vực cụ thể cũng phải mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi (cái vạn biến). Nhưng dù có mềm dẻo, uyển chuyển, thay đổi như thế nào đi chăng nữa cũng không được quên mục đích cuối cùng (cái bất biến), bởi nếu không sẽ dễ bị lạc vào cái mê cung, rừng rậm của vạn biến, cái vụn vặt mà không biết đường ra. Đó là cái nhìn toàn cảnh có tính chất vĩ mô đối với cách mạng cả nước. Dĩ nhiên, nếu đi sâu vào từng lĩnh vực, phạm vi nhỏ hơn lại xuất hiện những cái “bất biến” và “vạn biến” ở cấp độ nhỏ hơn, trong phạm vi hẹp hơn. Từ đó ta có cách nhìn nhận, đánh giá một cách biện chứng, mềm dẻo, uyển chuyển; nhưng những cái “bất biến” nhỏ này đều phải hướng đến cái “bất biến” lớn nhất mà ta đã nói ở trên.
Tư duy mở và luôn có tính dự báo
Tư duy của Hồ Chí Minh không chấp nhận với những gì có tính khuôn mẫu, áp đặt và những gì sẵn có. Đó là một phong cách tư duy không ngừng vận động cùng với sự vận động và phát triển của thực tiễn, không coi bất cứ nguyên lý, mệnh đề lý luận nào là đã hoàn tất, là chân lý cuối cùng, là bất khả xâm phạm. Người luôn hướng tư duy của mình ra ra bên ngoài để học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa – tư tưởng của nhân loại để làm giầu tri thức và phát triển tư duy của mình. Quá trình tư duy của Người là quá trình suy ngẫm, so sánh, lọc bỏ, lựa chọn, phân biệt đúng sai, hay dở, tiến bộ hay lạc hậu. Tư duy mở của Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa và phát triển các học thuyết đã có thành quan điểm riêng mình. Sự kế thừa đó mang tính biện chứng, theo tinh thần: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. .. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[5]. Hồ Chí Minh luôn đặt tư duy của mình trong dòng chảy của nhân loại, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn cao nhất của chân lý, nên những nhận thức ban đầu chưa thật chính xác Hồ Chí Minh không ngại ngần điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Bởi không có nguyên lý nào là cố định bất biến. Như vậy, nhờ có tinh thần kế thừa biện chứng, một tư duy luôn rộng mở để thâu hóa tất cả những tư tưởng lý luận tiến bộ, nên Người luôn biết tự điều chỉnh, tự hoàn thiện những vấn đề lý luận cách mạng để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Chính sự kế thừa và phát triển đó, nên Hồ Chí Minh nắm bắt được cái mới, cái hợp quy luật, khi đem những vấn đề lý luận đã được kế thừa đó soi vào thực tế, Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật vận động của các sự vật hiện tượng. Vì vậy, trong tư duy của Người luôn có tính dự báo cao về sự vận động biến đổi của các sự vật, hiện tượng, các quá trình trong thực tế. Điều này, chứng tỏ ở Người phải có nhãn quan chính trị xa rộng, hiểu được quy luật vận động của lịch sử, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, dự kiến được bước đi của đất nước, nhờ đó có thể đưa dân tộc vượt qua được hiểm họa ở những bước chuyển đột biến của lịch sử. Có thể dẫn ra đây một vài dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh đã được lịch sử xác nhận: Năm 1924 Người đã dự báo về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới và tiên đoán nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản. 15 năm sau, dự báo đó trở thành hiện thực: năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, năm 1941, phát xít Đức tiến công Liên Xô, các nước xung quanh Thái Bình Dương trở thành một chiến trường ác liệt…. hoặc 1942, khi viết “Lịch sử nước ta”, Người đưa ra dự báo: “1945, Việt Nam độc lập”…
Đây không phải là một năng lực siêu phàm, hiểu theo một nghĩa huyền bí, như được thần linh mách bảo. Năng lực tiên liệu, dự báo của Người một phần nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và ph­ương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lênin, là kết quả của một quá trình tích lũy thông tin, phân tích hàng loạt sự kiện trong nư­ớc và thế giới, tổng kết  lịch sử và tổng kết hiện tại, rút ra quy luật vận động của hiện thực, rồi vận dụng nó để phán đoán những diễn biến mới, xu hướng phát triển mới của tình hình. Phần nữa là Người đã tích lũy một vốn văn hóa phương Đông sâu sắc cùng một vốn tri thức lịch sử và thực tiễn phong phú. Sự tích hợp của các yếu tố đó, giúp Người phán đoán, có thể nhìn thấy được tương lai mà người bình thường chưa thể thấy.
Tư duy rất cụ thể
Tức là văn phong để biểu đạt tư duy của Hồ Chí Minh rất trong sáng, ngắn gọn, giầu hình ảnh, nhưng hiệu quả truyền đạt cao. Để biểu đạt tư duy của mình, Hồ Chí Minh không dùng cách diễn đạt trừu tượng, hàn lâm, theo cách thể hiện của triết học hay các nhà tư tưởng lý luận vẫn hay sử dụng. Với Hồ Chí Minh lại sử dụng ngôn từ một cách giản dị, cô động, hàm súc, dễ nhớ, dễ hiểu, mà vẫn thể hiện được cái bản chất, cái cốt lõi của sự vật. Hồ Chí Minh đã chọn cách đơn giản hóa những vấn đề đã khái quát trong tư duy, để đưa những vấn đề đó về gần với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Không phải Hồ Chí Minh thiếu uyên bác để viết để nói những vấn đề lý luận mang tính hàn lâm, uyên bác. Thực tế cho thấy Người đã được hấp thụ một nền Hán học uyên bác, trong những năm sống và hoạt động lý luận ở nước ngoài, giữa một trung tâm văn hóa, khoa học và cách mạng ở châu Âu. Người đã từng làm việc với những chính khách hàng đầu của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản quốc tế. Người có thừa uyên bác để diễn đạt tư tưởng của mình bằng văn phong hàm lâm. Khi cần Người cũng từng có lối viết uyên bác, hàn lâm, bằng những bài báo, bức thư, luận văn, bút chiến đanh thép tố cáo bọn thực dân, khiến bọn chính khách tư sản phải kinh nể.
Tuy nhiên, từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, 95% dân số là thất học mù chữ, họ đứng dậy làm cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Với phương châm: “lý luận cốt để áp dụng vào thực tiễn”. Vì vậy, phải cho lý luận cách mạng thấm sâu vào quần chúng, mới có tác dụng dẫn dắt, chỉ đạo hành động cách mạng. Nếu “Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch … là quyết không muốn cho quần chúng xem”[6]. Điều đó quy định cách sử dụng văn phong lý luận của Người. Theo đó, Người phải chọn cách diễn đạt, ngôn ngữ sao cho giản dị, ngắn ngon, trong sáng, sử dụng những hình ảnh đắt, gần gũi với đời sống hàng ngày, phù hợp với lối tư duy bằng hình ảnh của người phương Đông. Qua đó có tác dụng cải tạo tư tưởng của đối tượng, nhưng không làm mất đi tính lý luận của nó. Vì vậy, phần lớn những bài viết của Người dưới dạng thư từ, lời kêu gọi, các bài nói chuyện cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội và đạo đức… cho đồng bào và chiến sỹ, thanh niên, nhi đồng, phụ nữ…Tất cả đều giản dị, những khái niệm lý luận hàn lâm được thay thế bằng những từ ngữ thông thường. Khi diễn tả những vấn đề về cách mạng, mặc dù vấn đề phức tạp đến đâu, nhưng Người luôn chọn lọc những hình ảnh điển hình nhất, khái quát nhất để so sánh nói lên bản chất của nó hơn là dùng lý luận dài dòng. Hình ảnh “con đỉa hai vòi” khi nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; hình ảnh “hai cánh của con chim” khi nói về mỗi quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng ở chính quốc; hình ảnh “lý luận như cái tên (hoặc viên đạn), thực hành cũng như cái đích để bắn” khi nói về vị trí vai trò của lý luận với hoạt động thực tiễn … là những minh chứng điển hình.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh toàn dân tài sản tinh thần to lớn mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Những đặc trưng trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách tư duy người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng phương pháp tư duy cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Vì vậy, kế thừa và phát huy những giá trị trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là việc làm thiết thực đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ phát triển mới. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh việc học tập và làm theo phong cách nói chúng và phong cách tư duy Hồ Chí Minh nói riêng với đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”[7]. Thực hiện việc kế thừa và phát huy đó trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo chúng tôi cần thực hiện một số vấn đề sau:
Một là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tuyên truyền, phổ biến những giá trị của phong cách tư duy Hồ Chí Minh cho toàn xã hội nói chung và mọi cán bộ, đảng viên.
Thực tế hiện nay, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu nhiều, gần đây phong cách Hồ Chí Minh mới được đề cập và nghiên cứu, nhất là phong cách tư duy Hồ Chí Minh rất ít các công trình bàn đến. Do vậy, nghiên cứu làm rõ bản chất, những yếu tố căn bản, con đường hình thành phát triển, đặc trưng trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh… làm cơ sở để mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ thêm những vấn đề căn bản cốt lõi về phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Việc tuyên truyền, phổ biến những giá trị trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tự giác từ mỗi người, mỗi cấp, mỗi ngành, khơi dậy phong trào tư giác học tập và rèn luyện theo những đặc trưng trong phong cách tư duy của Người, đẩy lùi những biểu hiện giáo điều, bảo thủ, trì trệ, lý luận suông trong tư duy của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến những giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung phong cách tư duy Hồ Chí Minh nói riêng phải: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[8].
Hai là, tổ chức tốt việc học tập và rèn luyện theo những đặc trưng giá trị của phong cách tư duy Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên.
Tổ chức tốt việc học tập và rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh sẽ làm cho các đặc trưng trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh được chuyển hóa, xác lập và phát triển ở mỗi cán bộ, đảng viên. Chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức học tập và rèn luyện sẽ quyết định mức độ phát triển nhân cách, phương pháp, tác phong, phong cách công tác của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và mức độ thành công của việc thực hiện Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị. Do đó, cần phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên nắm vững mục đích yêu cầu, nội dung của việc học tập và rèn luyện, trọng tâm là đưa việc học tập và rèn luyện thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên mà trước hết là của người đứng đầu các tổ chức, tức là phải: “Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”[9]. Phương châm của việc học tập và rèn luyện trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Việc chức tốt học tập và rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh phải là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân, đồng thời là công việc tự giác, thường xuyên hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết các công việc cụ thể, thiết thực, thúc đẩy cơ quan, đơn vị phát triển, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tệ quan liêu, tham nhũng, các tệ nạn xã hội.
Ba là, xây dựng chuẩn mực đạo đức, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng địa phương cơ quan, đơn vị.
Phong cách, phương pháp tư duy của cán bộ, đảng viên được thể hiện qua cách thức làm việc, cách thức ứng xử trong các quan hệ công tác, qua ngôn ngữ giao tiếp với mọi người. Mỗi cơ quan, đơn vị ngoài những yêu cầu chuẩn mực về đạo đức, phong cách làm việc, phong cách ứng xử chung cho mọi cán bộ, đảng viên, còn có những yêu cầu, chuẩn mực riêng do môi trường và đặc điểm nhiệm vụ công tác quy định. Theo đó, để học tập và rèn luyện theo những đặc trưng giá trị trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan đơn vị cần lượng hóa và cụ thể hóa các đặc trưng ấy thành các tiêu chí cho mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ quan đơn vị mình học tập và rèn luyện theo. Theo tinh thần của chỉ thị 05 CT/TW là: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”[10]. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng những điển hình mẫu mực từ đó nhân rộng điển hình trong đơn vị. Thông qua các hoạt động thực tiễn như hội thi hội thao, văn hóa văn nghệ, tuyên truyền cổ động … để đưa các điển hình đó vào thực tế của đơn vị mình. Đồng thời qua các giai đoạn cần có sự đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh chuẩn mực mô hình đó cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Bốn là, gắn việc học tập và rèn luyện theo những đặc trưng giá trị của phong cách tư duy Hồ Chí Minh với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.
Động lực của quá trình học tập và rèn luyện theo các đặc trưng giá trị trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là việc biểu dương, khen thưởng và phê bình nhắc nhở các cá nhân, tập thể trên cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên. Động lực này liên quan mật thiết đến lợi ích của mỗi cá nhân và tập thể. Trong hệ thống các động lực thúc đẩy mỗi con người thì lợi ích là động lực trực tiếp và có tác dụng hiệu quả nhất trong thúc đẩy mỗi người thực hiện theo mục đích yêu cầu đã đặt ra và phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong công việc. Do vậy, phải: “Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm”[11]. Để nội dung đánh giá được khách quan có cơ sở, phải xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túchệ thống các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội.
Kế thừa và phát huy những giá trị của phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm có ý nghĩa thiết thực trực tiếp nâng cao nhận thức về những giá trị to lớn trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách tư duy của Người nói riêng. Nó còn góp phần xây dựng và phát triển phẩm chất, năng lực, phong cách công tác, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách giao tiếp trong cách quan hệ công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Ngăn chặn và đẩy lùi các yếu kém và những “căn bệnh” đã ăn sâu bám rễ trong tư duy lãnh đạo, quản lý của cán bộ, đảng viên. Từ đó, góp phần xây dựng các tổ chức vững mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện được mục đích và ý nghĩa to lớn đó, cần phát huy trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội và nhất là trách nhiệm của những người đứng đầu và sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến