Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư­ tư­ởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của n­ước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp (xã hội) và giải phóng con ng­ười. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh tính đúng đắn và sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, gần đây lại có luận điểm cho rằng: “Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc!”. Đây là một luận điểm không hiểu hoặc cố tình không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện mục đích bảo vệ và tuyên truyền “sâu rộng” luận điểm này, những “học giả”, những phần tử cơ hội đã phải dùng nhiều thủ đoạn lừa bịp, thâm độc, thể hiện:
Thứ nhất, họ cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ nhấn mạnh đến đấu tranh dân tộc, còn chủ nghĩa Mác – Lênin nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp; do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có giá trị trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chứ không có giá trị đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai đoạn hiện nayThực chất luận điểm này là xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm tách tư tưởng Hồ Chí Minh với bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin. Các “học giả”, phần tử cơ hội cho rằng, tư­ tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc một cách chung chung, trừu tượng; cố tình bóp méo, cắt xén, hiểu không đúng t­ư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa dân tộc. Trên cơ sở đó, họ đã làm mập mờ tính chất giai cấp, để đi đến phủ định bản chất giai cấp công nhân của t­ư tưởng Hồ Chí Minh.
Ai cũng biết, chủ nghĩa Mác – Lênin có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để giải quyết vấn đề dân tộc, điều này được thể hiện ở mục tiêu cuối cùng của công cuộc giải phóng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân và quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản trong quá trình cách mạng Việt Nam; chủ trương đại đoàn kết dân tộc rộng rãi trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (1). Ngư­ời chỉ rõ vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng nói chung, đối với tư­ t­ưởng của mỗi ngư­ời cách mạng Việt Nam nói riêng: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (2). Chủ nghĩa Mác – Lênin đem lại cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận khoa học, chỉ đạo hoạt động nhận thức của Người; là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến bản chất giai cấp và có ảnh h­ưởng sâu sắc nhất đến nội dung của t­ư t­ưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, khi cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là “chủ nghĩa dân tộc” là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Cách diễn đạt này không chỉ muốn tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, mà thực chất là để phủ nhận tư tưởng của Người về vấn đề dân tộc.
Thứ hai, khi khẳng định “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc”, các thế lực thù địch muốn đồng nhất “chủ nghĩa dân tộc” trong tư tưởng của Người với “chủ nghĩa dân tộc sô vanh”, “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”, mang bản chất của giai cấp tư sản. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch.
Chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc chân chính, theo lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, gắn dân tộc với quốc tế, dân tộc với giai cấp, hướng tới triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Xuất phát từ việc nhận thức và giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. “Chủ nghĩa dân tộc” mà Hồ Chí Minh nói đến là chủ nghĩa dân tộc chân chính của nhân dân các dân tộc thuộc địa đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, lại được Quốc tế Cộng sản phát động, chỉ đạo nhằm phát triển hướng tới chủ nghĩa quốc tế, nên nó khác về bản chất so với chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, sô vanh của phong kiến và tư­ sản. Như vậy, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh dùng ở đây, nói như C.Mác, không phải như giai cấp tư sản đã hiểu, mà là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính của người dân bản xứ.
Thứ ba, lợi dụng sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp; chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá; ở Việt Nam hiện nay, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao thành chủ nghĩa Hồ Chí Minh. Đây là một luận điểm cũng nhằm tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Lịch sử xã hội xã hội chủ nghĩa đã chỉ ra nhiều người kế thừa chủ nghĩa Mác – Lênin đã phạm sai lầm, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, với việc phủ nhận kinh tế thị trường, duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu… đã dẫn đến tình trạng xã hội trì trệ, sự thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ. Xét về phương diện lý luận, sai lầm đó bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều về lý luận – đồng nhất lý luận với phương pháp luận; không kịp thời vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lênin khi tình hình đã thay đổi. Linh hồn của chủ nghĩa Mác – Lênin là phép biện chứng duy vật, là quan điểm phát triển, quan điểm giai cấp và quan điểm lịch sử, cụ thể,… Về điều này, chính C.Mác đã từng nói, học thuyết của các ông không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho cuộc sống. V.I. Lênin cũng đã nhiều lần nhắc nhở các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn của dân tộc mình và phải biết lắng nghe “sự mách bảo của cuộc sống”. Như vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội chưa khoa học, chưa phù hợp với thực tiễn lịch sử, chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác – Lênin. Do vậy, việc đồng nhất sự sụp đổ đó với bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin là một sự bịa đặt trắng trợn, không phù hợp với sự thật lịch sử.
Trên lập trường giai cấp công nhân và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua, vấn đề “chủ nghĩa dân tộc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là rõ ràng; đó là chủ nghĩa chân chính, mang bản chất cách mạng và khoa học, thuộc về hệ tư tưởng mác – xít. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản thống nhất với nhau; trong những điều kiện nhất định, chủ nghĩa dân tộc có thể phát triển thành chủ nghĩa quốc tế vô sản. Điều này hoàn toàn đúng với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen: “… giai cấp vô sản ở mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự mình xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” (3). Là một chiến sĩ quốc tế, Hồ Chí Minh kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và có nhiều nỗ lực nhằm thức tỉnh dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc thuộc địa. Người đã đưa ra khẩu hiệu “Lao động tất cả các nước đoàn kết lại”. Bởi vậy, “chủ nghĩa dân tộc theo Hồ Chí Minh, hoàn toàn không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc phong kiến, tư sản hay của Quốc tế II, (càng không phải là chủ nghĩa dân tộc cải lương), mà là chủ nghĩa dân tộc chân chính, theo lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, gắn dân tộc với quốc tế, dân tộc với giai cấp, hướng tới triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người” (4). Khi lựa chọn con đường cách mạng vô sản, ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách đúng đắn và giải quyết sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng Việt Nam. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: “Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam” (5). Đây chính là một trong những cơ sở cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và những quan điểm của Người về vấn đề dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Giá trị tư tưởng của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đến đây, một lần nữa khẳng định, “Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc!” là luận điểm phản động, nhằm xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận điểm sai trái ấy đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực chất luận điểm này, muốn Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn và quyết hy sinh phấn đấu trong gần 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi sự tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đều là sự nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu hoặc cố tình xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Vấn đề này, nếu không được nhận thức đúng đắn, đầy đủ thì hệ lụy sẽ rất khó lường. Nó có thể làm cho chúng ta xa rời mục tiêu chính trị của Đảng; từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự mơ hồ về chính trị, dao động về tư tưởng, mất định hướng trong hành động sẽ là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá VII) khẳng định: “Chủ nghĩa Mác – Lênin, t­ư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết cách mạng và khoa học, là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc ta… Khi các thế lực thù địch ra sức tấn công nền tảng t­ư tư­ởng của Đảng nhằm đẩy chúng ta đi chệch hư­ớng thì đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, t­ư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chính trị, tư­ t­ưởng và lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta” (6). Đại hội XI của Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (7). Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (8). Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, không chỉ góp phần củng cố niềm tin của chúng ta vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn trực tiếp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến