Chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội, của chính đảng Mácxít – Lênin nít, ngọn cờ tư tưởng lý luận soi đường, dẫn dắt cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, là kết tinh, làm tỏa sáng những giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại. Về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin, là học thuyết về sự phát triển xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn là sự cộng hưởng, nhân lên trí tuệ của nhân loại và dân tộc, vạch ra tính tất yếu, mục tiêu, lực lượng, con đường, điều kiện, phương pháp giành thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.
Từ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, giai cấp công nhân và các đảng cộng sản trên thế giới đã đưa sự nghiệp cách mạng phát triển và giành được những thắng lợi vĩ đại, mở đầu là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Thực tiễn cho thấy, có giai đoạn lịch sử, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hệ thống trên thế giới. Những năm 60, 70 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội trở thành tấm gương, lôi cuốn, cổ vũ các lực lượng xã hội tiến bộ trên thế giới đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc, định hướng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, tuy đang lâm vào khủng hoảng, thoái trào tạm thời nhưng chủ nghĩa xã hội hiện thực, tư tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt, tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Từ khi ra đời đến nay, với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, giành được những thắng lợi to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thế kỷ XXI, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học – công nghệ có bước nhảy vọt, sự bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức, cùng với sự biến đổi mau lẹ, khó lường trên nhiều lĩnh vực, đang là những yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, hối thúc các quốc gia, dân tộc phải đổi mới, chủ động hội nhập, tìm kiếm cho mình triết lý và mô hình phát triển phù hợp. Trong tình hình đó, chủ nghĩa Mác – Lênin, không chỉ là sự quan tâm của những người cộng sản và các nước lựa chọn con đường phát triển chủ nghĩa xã hội, mà còn thu hút sự quan tâm, nghiên cứu, vận dụng của những lực lượng không theo chủ nghĩa Mác – Lênin, xét trên bình diện ý thức hệ. Trong cuốn sách “Tại sao Mác đúng?” của tác giả Tê-ri I-gle-tơn, Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lan-ca-xtơ, Vương quốc Anh, khẳng định: C.Mác là người đầu tiên nhận biết được đối tượng lịch sử được biết đến là chủ nghĩa tư bản, chứng minh nó xuất hiện, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao.
Tuy nhiên, để phủ nhận vai trò, giá trị hiện thực ấy, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu; các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, các đảng cộng sản và công nhân đang đứng trước sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế. Cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản diễn ra gay gắt, phức tạp với nội dung và hình thức mới. Các thế lực thù địch bằng mọi thủ đoạn đã tung hô “cái chết của chủ nghĩa xã hội hiện thực” là “sự cáo chung” của chủ nghĩa cộng sản và cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ là “không tưởng” để biện hộ cho sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Đối với Việt Nam, họ tập trung chĩa mũi nhọn “Hạ bệ thần tượng”, xuyên tạc, phủ nhận hoặc đem đối lập với chủ nghĩa Mác- Lênin khi luận bàn về vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với vận mệnh, con đường phát triển của đất nước ta.
Cùng với sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động, thù địch, ngay trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, không ít kẻ cơ hội đã mang danh “Cộng sản” để chống lại chủ nghĩa xã hội, ra sức cổ xúy cho những quan điểm của giai cấp tư sản và đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tôn sùng nền dân chủ tư sản. Theo họ, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Sự tác động tiêu cực đó đã làm không ít cán bộ, đảng viên hoài nghi, suy giảm niềm tin về giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng.
Với bản lĩnh cách mạng vững vàng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động,…” (1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới,…”(2). Đó là sự khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vừa trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, vừa tôn trọng, phát huy nét đặc thù, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng của dân tộc ta.
Bởi vậy, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa chính trị sống còn, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng – lý luận, mà thực chất là bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, toàn thể nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam được thể hiện dưới hình thức ý thức hệ.
Để tiếp tục đấu tranh bảo vệ và kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản trong giai đoạn hiện nay, cần quán triệt những vấn đề cơ bản sau:
Một là, củng cố niềm tin, nắm vững bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác – Lênin, từ khi ra đời đến nay, đã luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn. Mặc dù, trong tiến trình lịch sử phát triển, bên cạnh những thành công, một số Đảng Cộng sản do xa rời hoặc nhận thức giáo điều những nguyên lý cơ bản, dẫn đến sai lầm về đường lối; suy yếu về chính trị, tư tưởng, tổ chức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện, dẫn đến mất chế độ. Đây là tổn thất to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nhưng đó là sự sụp đổ, tan rã của những mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, chứ không phải là bắt nguồn từ bản chất, hay sự “lạc hậu” (như các thế lực phản động rêu rao) của học thuyết Mác – Lênin.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện xuyên suốt mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: trong 30 năm đổi mới, dựa trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, truyền bá, giảng dạy, giáo dục nâng cao kiến thức về những nguyên lý, quan điểm, lập trường cơ bản trong sự vận động, phát triển, chuyển hóa lẫn nhau, có tính chỉnh thể, gắn với thực tiễn cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm cho Đảng ta, cán bộ, đảng viên, quần chúng được trang bị vũ khí tư tưởng lý luận sắc bén, từ đó tiếp tục biến toàn bộ hoạt động của cách mạng Việt Nam thành quá trình tự giác, tích cực, chủ động; đồng thời, tạo cơ sở khắc phục, thu hẹp nhận thức, quan điểm, lập trường sai trái, tránh bi kịch trung thành mù quáng, giáo điều; khơi nguồn cho sáng tạo, phát triển, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác, kịp thời tình hình để đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn. V.I.Lênin đã chỉ rõ: Chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc với nhiều nội dung mới, hình thức mới. Từ thực tiễn đòi hỏi, quá trình đấu tranh bảo vệ lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải luôn coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận. Mọi lý luận đều bắt nguồn và trở về thực tiễn. Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, do chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên nhiều vấn đề từ thực tiễn cần được tổng kết, đối chiếu, khái quát, đúc kết lý luận, nhất là cần tiếp tục làm rõ hơn đặc trưng thời kỳ quá độ, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm sáng tỏ mô hình, phương hướng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, phương thức giải quyết các mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa tuân theo quy luật kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa…. Đồng thời, làm tốt công tác đánh giá, dự báo tình hình, nhất là xu thế vận động, những nhân tố, luồng tư tưởng, trào lưu lý luận mới có thể phát sinh, tồn tại và phát triển của thế giới đương đại, trong nước. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng đề ra đường lối chiến lược, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ba là, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản luôn phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng thù địch, sai trái. Thực tiễn đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận đã chứng minh: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc chưa bao giờ ngừng nghỉ chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, thậm chí còn được coi là khâu đột phá để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng: Các hiệp định mậu dịch, viện trợ không đi đến đâu, nếu thất bại trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Hiện nay, đối với Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang ráo riết triển khai chiến lược “diễn biến hoà bình”, với mục tiêu làm lu mờ, phai nhạt niềm tin, triệt tiêu sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội.
Do đó, cần tổ chức đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội, xét lại. Cần tập trung vạch trần những thủ đoạn cắt xén, trích dẫn kinh điển, trước tác nhưng thoát ly yếu tố lịch sử, lối tư duy lô gic hình thức, tách rời tính khoa học và tính cách mạng, phủ nhận giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, đối lập chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần giữ vững lập trường, có lý, có tình, có văn hóa, không quy chụp, hạn chế răn dạy và phù hợp với đối tượng trên nhiều mũi, nhiều hướng đấu tranh. Tăng cường bản lĩnh, năng lực của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia lý luận đối thoại, trao đổi với các học giả tư sản, đấu tranh trực diện với những nhóm phản động, thù địch, cơ hội xét lại có tổ chức. Kiên quyết giữ vững, làm chủ trận địa, nền tảng tư tưởng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập, với sự khó xác định giữa chân lý và sai lầm, giữa phát triển sáng tạo và cơ hội xét lại.
Trong điều kiện dân chủ hóa, bảo đảm quyền con người đang trở thành một trong những xu thế thời đại, động lực của phát triển, cần tập trung làm rõ ý nghĩa thực tiễn, sức sống, giá trị nhân loại, giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với sự bùng nổ thông tin mạng toàn cầu, “thế giới phẳng” hiện nay, sự biến đổi và phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và đời sống, với bản lĩnh, niềm tin, vũ khí sắc bén là thế giới quan, phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, trao đổi, tiếp thu thành tựu khoa học, hạt nhân hợp lý, tinh hoa, yếu tố tiến bộ của các trào lưu tư tưởng đương đại, kể cả các trào lưu tư tưởng ở các nước tư bản chủ nghĩa; đồng thời công bố, truyền bá kết quả, thành tựu nghiên cứu lý luận, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòa nhập sâu rộng vào dòng chảy tư tưởng tiến bộ của thời đại.
Bốn là, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế
Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng mà còn là động lực, nguồn năng lượng, căn cốt cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, cũng chính thắng lợi của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam là minh chứng sinh động cho vai trò, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định giá trị nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, Việt Nam không chỉ đi đầu trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, mà đã trở thành tấm gương, tiên phong về sự trung thành, vận dụng sáng tạo, tiếp tục hiện thực hóa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đứng vững trước bão táp khủng hoảng, cơn thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từng bước chiến thắng đói nghèo lạc hậu, quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; trực tiếp góp phần làm thất bại mưu toan đánh sập hệ tư tưởng Mác – Lênin của các thế lực phản động, thù địch khi họ lớn tiếng kêu gọi chúng ta “trở cờ”, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế không chỉ là sự kế tục sự nghiệp cách mạng của các bậc tiền bối, tri ân sự đấu tranh gian khổ, hy sinh của các thế hệ cách mạng, quần chúng nhân dân, mà còn là yêu cầu khách quan của lịch sử, góp phần to lớn làm sáng ngời chân lý, giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản trong giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của những người cộng sản. Do vậy, cần khơi dậy, động viên tinh thần cách mạng, phát huy trí tuệ, quy tụ lực lượng, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế theo đường lối cách mạng của Đảng./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến