Chuyển đến nội dung chính

Vẹn tình quân dân...

Cùng với các đơn vị trên cả nước, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cũng là tuyến đầu, là lực lượng tiên phong cùng với các y bác sĩ trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19. Trong đó, Trung đoàn 814, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận 270 công dân chia làm 3 đợt từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 trở về lưu trú và cách ly.

Chuẩn bị chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ
Có lẽ đến giờ, những công việc liên quan đến việc cách ly đã không còn trở nên bỡ ngỡ đối với các chiến sĩ ở đây nữa, bởi đây là đợt thứ 3, Trung đoàn 814 tiếp nhận công dân từ nước ngoài về đơn vị để cách ly theo quy định. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 814 đã sắp xếp tòa nhà 3 tầng với 22 phòng tập trung và hai phòng dự bị cho người cách ly. Mỗi người một nhiệm vụ, người phụ trách điện, nước, người thì đảm nhận nhiệm vụ canh gác 24/24 giờ để đảm bảo không có người cách ly nào có thể ra ngoài. Ở vòng ngoài của khu vực cách ly là lực lượng kiểm soát ra, vào, tiếp nhận nhu yếu phẩm của người nhà gửi vào và ghi chép lịch trình đầy đủ người và số xe ra vào, làm gì, gặp ai... Bên cạnh đó một công việc vô cùng quan trọng là lực lượng y, bác sĩ quân y của đơn vị cũng tham gia cùng với các y, bác sĩ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình hằng ngày lấy mẫu bệnh phẩm, đo thân nhiệt của công dân và cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây.
Vẹn tình quân dân...
Kiểm tra các suất ăn trước khi chuyển tới khu cách ly.
Đến bếp ăn của khu cách ly, tận mắt chứng kiến công việc hậu cần của những chiến sĩ mới thực sự thấy cảm động và ngưỡng mộ sự vất vả của các anh, các chị. Một ngày của nữ nhân viên nuôi quân Nguyễn Thị Tuyên, Ban Hậu cần Trung đoàn 814, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cũng như 4 người đồng đội khác thường bắt đầu lúc 4 giờ để chuẩn bị đồ ăn sáng cho tất cả mọi người. Sau khi đã chuẩn bị đồ ăn sáng xong thì các anh chị lại bắt tay vào việc dọn dẹp bếp và chuẩn bị bữa trưa cho khoảng hơn 100 người. Những công dân ở đây được ăn uống đầy đủ, điều độ; bữa sáng ăn diễn ra lúc 6 giờ, bữa trưa lúc 10 giờ 30 phút và bữa tối lúc 18 giờ. Đồ ăn chia theo suất, được cán bộ, chiến sĩ mang lên từng phòng để tránh tập trung đông người. Chị Tuyên chia sẻ: “Những ngày đầu mới đón công dân, tâm lý mọi người ai cũng hoang mang vì sợ bị lây nhiễm chéo. Mỗi lần đưa cơm vào khu cách ly ai cũng lo lắng, nhưng sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn vệ sinh cá nhân để không lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ nên mọi người dần cũng quen và tập trung vào công việc. Chính thời gian làm việc gần nhau như thế này giúp tôi cùng các anh, chị em trong đơn vị có cơ hội hiểu nhau hơn, cùng vui vẻ, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình và qua đó cũng tạo cảm giác thoải mái, yên tâm đối với những công dân đến đây cách ly”.
Vẹn tình quân dân...
Phát đồ ăn cho công dân trong khu cách ly.
Tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị, tích cực chăm sóc, giúp đỡ người dân tại các điểm cách ly. Điều này đã trực tiếp tạo ấn tượng sâu sắc với những công dân cách ly và người thân của họ. Những cuốn lưu bút của công dân tham gia cách ly từ đợt 1 từ ngày 4-3 đến 18-3 và đợt 2 từ ngày 24-3 đến 7-4 là những cuốn lưu bút đặc biệt, bởi nó là tình cảm của những người dân cách ly gửi gắm tới cán bộ, chiến sĩ nơi đây; đó cũng chính là tình cảm quân dân, tình người, tình đoàn kết dân tộc… Những nét chữ nắn nót, hình ảnh người lính áo xanh và người lính áo trắng được vẽ bằng bút bi, tuy không có nhiều màu sắc sặc sỡ, nhưng là những hình ảnh đẹp nhất mà công dân Nguyễn Ánh Ngọc gửi lại; hay những vần thơ đầy tình cảm của Nguyễn Thị Luyên, quê ở Thái Bình, tại phòng 205: “Đến cách ly mới tỏ tường/ Cơm ăn ngon miệng, ngủ giường ấm êm/ An lành chu đáo ngày đêm/ Ở vui, đi nhớ nặng thêm nghĩa tình”... Đó là tình yêu và hy vọng, là tình cảm của đồng bào dành cho các cán bộ, chiến sĩ và y bác sĩ tại đây khi nhận được sự chăm sóc chu đáo, ân cần, đầy đủ. 
Bạn Phạm Quỳnh Hoa, quê ở Nam Định được cách ly tại phòng 201 lại cho rằng, những ngày gặp gỡ của Hoa với các chiến sĩ tại đây là một cái duyên mà Hoa may mắn được trải nghiệm. Hình ảnh những người chiến sĩ trán lấm tấm mồ hôi vẫn khoác trên mình bộ quân phục xanh mặc cho trời oi bức vẫn đi phát khẩu phần ăn cho mọi người là hình ảnh rất ấn tượng với Hoa sau nhiều năm xa quê hương. Trong lưu bút bạn đã viết: “Người ta thường nói “Đi dân nhớ, ở dân thương” có lẽ bây giờ tôi mới hiểu được ý nghĩa đằng sau câu nói này”.
Vẹn tình quân dân...
Đo thân nhiệt cho công dân cách ly.
Chị Lê Minh Hương (Phú Thọ) đã viết những dòng tình cảm của mình khi nhắc đến các chiến sĩ Trung đoàn 814: “Các chiến sĩ đón tiếp chúng tôi rất chu đáo, chăm sóc từng bữa ăn hằng ngày cho mọi người, cơm dẻo, canh ngọt, người ăn kiêng như tôi có xuất ăn được như ý. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thật giản dị, trân trọng trong lòng chúng tôi, đó là những kỷ niệm đẹp trong đời không bao giờ quên”.
Truyền thống “Vì nhân dân phục vụ” của Quân đội nhân dân Việt Nam lại một lần nữa được lan tỏa trong những ngày tháng cả nước cùng phòng, chống dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có thể còn vất vả và gian nan nhưng những hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đang ngày đêm chống dịch, không quản ngại khó khăn thì chắc chắn chúng ta sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Xin được trích dẫn đoạn cuối của bài thơ mà chị Nguyễn Thị Hồng, quê ở Thanh Hóa tại phòng cách ly 205 đã viết dành tặng cho những cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 814, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình để làm lời kết cho bài viết: “Gian nan nào có quản chi/ Trái tim người lính quên đi thân mình/ Trọn đời trung hiếu hy sinh/ Một lòng sau trước vẹn tình quân dân”. nguồn qdnd

Nhận xét

Bài đăng phổ biến