TƯ TƯỞNG "DÂN LÀ CHỦ VÀ DÂN LÀM CHỦ" QUA BÀI BÁO "DÂN VẬN" CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” để giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận.

Đó cũng là năm mà toàn quân, toàn dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ do Người đứng đầu, đã kết thúc thắng lợi quãng đường 4 năm đầu tiên đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

“Dân vận” là bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết dưới bút danh X.Y.Z đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15-10-1949. Đây là thời điểm, bối cảnh có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng cần phải đi vào chiều sâu, thực chất và thiết thực nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến còn rất cam go của dân tộc.

Bài viết rất ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ gồm hai từ) cho đến dung lượng (với khoảng hơn 600 từ), được thể hiện bằng ngôn ngữ rất mộc mạc, súc tích, gần gũi, phù hợp với quần chúng.

Bài báo có nội dung không dài, văn phong giản dị, dễ hiểu, nhưng tầm vóc tư tưởng mà nó chuyển tải thì lại vô cùng sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng của Người về “dân”, “dân chủ” và “dân vận khéo”.

Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đưa ra những “định nghĩa” có tính hàn lâm, học thuật cao siêu về các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội và văn hóa, nhất là trong bối cảnh nhân dân ta dưới ách áp bức của chế độ phong kiến, thực dân đa phần còn mù chữ, thì lại càng không thể dùng lý luận cao siêu để tuyên truyền, vận động và giải thích cho người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ. Vì vậy, Người thường dùng những từ ngữ rất mộc mạc, giản dị, gần gũi để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành.

Tư tưởng quan trọng mở đầu bài báo của Người chính là: Muốn hiểu rõ, hiểu sâu sắc về dân vận và công tác dân vận thì việc cần làm đầu tiên là phải hiểu cho thật rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của “dân”, đặc biệt là bản chất của nước ta “là nước dân chủ”.

Bác cũng nói rõ lý do, sở dĩ Người viết bài báo này là vì: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ được thể hiện ở nhiều bài viết, bài nói khác nhau của Người, nhưng thể hiện tập trung, trực diện và điển hình nhất chính là ở bài báo “Dân vận”. Tư tưởng chủ đạo, “hồn cốt” của bài viết toát lên nội dung chủ yếu, then chốt về dân vận và công tác dân vận chính là vai trò, vị thế của dân, “dân là chủ dân làm chủ”.

Người nhấn mạnh, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ và dân làm chủ, nghĩa là mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, mọi lợi ích đều vì dân, mọi công việc đều do dân. Người khẳng định, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân.

Tư tưởng đề cao nhân dân, hết lòng vì lợi ích nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm và coi như một chân lý để hành động trong suốt cuộc đời mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến