TRƯỜNG KỲ CHỐNG DỊCH

Chiều qua (15-4), tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương để tổ chức phòng, chống.
Trong đó, nhóm địa phương có nguy cơ cao sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm thích hợp, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Với các địa phương còn lại, Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn mình một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ. Đây là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia y tế, các nhà khoa học.
Trước đó, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 (Ban Chỉ đạo) vào sáng 15-4, trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, Ban Chỉ đạo đánh giá nhờ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chúng ta vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng diễn biến dịch bệnh trên thế giới sẽ còn kéo dài. Ở trong nước, diễn biến dịch bệnh và điều kiện giữa các địa phương cũng khác nhau. Do đó, chúng ta không thể “đánh xong một trận rồi về đi cày” mà phải “vững tay cày, chắc tay súng”, tiếp tục thực hiện tốt “hai mũi giáp công” là vừa chống dịch, vừa phải bảo đảm cuộc sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh.
Lịch sử loài người chưa bao giờ thấy một dịch bệnh nào có mức độ tấn công ghê gớm như Covid-19. Chỉ trong vòng mấy tháng, dịch bệnh này đã lây lan ra hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một quốc gia không mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại, song đã phòng, chống đại dịch Covd-19 hiệu quả với phương châm “chống dịch như chống giặc”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong cuộc chiến đấu mới này, cách đánh truyền thống của quân dân cả nước lại được phát huy, nâng lên tầm cao mới.
Nhiều chuyên gia nhận địch, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng công tác phòng, chống thì dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần “trường kỳ chống dịch” giống như trước đây, chúng ta đã “trường kỳ kháng chiến”. Cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong PCD Covid-19. Đương nhiên việc thực hiện cách ly toàn xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm “sức khỏe là trên hết”, “còn người còn của”, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này. Giãn cách xã hội, cách ly, đeo khẩu trang và rửa tay đang là "vacine" hữu hiệu nhất trong PCD Covid-19, không có biện pháp nào tốt hơn.
Không ai có thể biết được bao giờ dịch Covid-19 sẽ qua đi khi nó vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện việc “sản xuất kinh doanh an toàn” trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế trong thời đại dịch. Để trợ giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phương thức này, rất cần Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa và dịch vụ thiết yếu để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất cung ứng các mặt hàng này được thông suốt phục vụ đời sống nhân dân và các yêu cầu của xã hội ngay cả trong trường hợp chúng ta phải siết chặt thêm các biện pháp cách ly hay phong tỏa. Bởi, danh mục mặt hàng thiết yếu theo quan niệm truyền thống rất hẹp, không còn phù hợp.
Các giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ PCD bệnh như triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hóa; họp, học trực tuyến... cũng cần phải được triển khai đồng bộ trong "trường kỳ chống dịch”.
Trường kỳ chống dịch Covid-19, thắng lợi nhất định sẽ thuộc về chúng ta!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến