Trận chiến đấu quả cảm đánh vào Dinh Độc Lập


Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, sau khi đơn vị cùng nhau vui Tết, Vũ Thị Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa), nữ chiến sĩ biệt động và anh em trong đội trang phục chỉnh tề, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tổng tiến công giết giặc.

Lúc nhận nhiệm vụ, chị và các đồng đội ngỡ ngàng khi được thông báo Đội 5, Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định của chị sẽ đánh vào Dinh Độc Lập. Nhiệm vụ của Chính Nghĩa là trực tiếp tham gia chiến đấu và chăm sóc, cứu chữa các đồng đội bị thương. Dù biết nhiệm vụ là vô cùng khó khăn, lại bị thay đổi đột ngột, nhưng ai cũng háo hức lên đường.
1 giờ 30 phút ngày Mồng 2 Tết Mậu Thân, đội biệt động gồm 15 người lên ba xe tải nhỏ và hai chiếc xe máy xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Chính Nghĩa là chiến sĩ nữ duy nhất trong đội tham gia cuộc tiến công vào dinh. Theo phân công, xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200kg có nhiệm vụ lao vào phá cổng nhưng có lẽ do để lâu nên khối thuốc không nổ. Phát hiện bị tấn công, lực lượng phòng vệ sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, khiến 5 người hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, tốp xe của quân Mỹ kéo đến tiếp viện, tuy nhiên bị cả tổ tiêu diệt. Sau nhiều giờ anh dũng chiến đấu với quân địch, đội 5 thêm 2 chiến sĩ nữa hy sinh. Dù lực lượng mỏng nhưng 8 người còn lại vẫn cố gắng chiến đấu đến gần sáng và hy vọng sẽ có lực lượng chi viện. Chờ đợi nhiều giờ liên tục, thấy tình hình không khả quan, Chính Nghĩa cùng các đồng đội buộc phải rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ.
Quân địch liền tổ chức bao vây, quyết tâm bắt sống các chiến sĩ biệt động. Mặc dù tương quan lực lượng rất chênh lệch, song Chính Nghĩa và các đồng đội đã chiến đấu đầy mưu trí, kiên cường. Cầm cự hơn một ngày, vừa đói, vừa khát, chị và các chiến sĩ vẫn cương quyết không đầu hàng. Khoảng 4 giờ ngày Mồng 3 Tết, quân địch thắt chặt vòng vây, tập trung số lượng lớn, kêu gọi đầu hàng. Biết là khó chống cự, Chính Nghĩa và 6 người còn lại chui qua những lỗ hổng trên tường cao ốc trèo xuống, bí mật đi qua nhiều mái nhà và sau đó leo xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. Quân địch đã truy theo vết máu và phát hiện ra nơi ẩn nấp của tổ. Tất cả đều bị bao vây và bắt giữ, tra tấn dã man nhưng không ai khai nửa lời. Không khai thác được gì, kẻ địch đành đưa các chiến sĩ biệt động đi đày qua hết các nhà tù khét tiếng lúc đó. Năm 1974, nữ chiến sĩ biệt động Chính Nghĩa được thả tự do. Mặc dù trận đánh không thành công nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường, thà chết chứ không chịu khai báo của Chính Nghĩa và đồng đội đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ, nể phục.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến