Tin tưởng vào thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Tạp chí Eurasia Review nhận định, Việt Nam chính là một nhân tố kinh tế mới của ASEAN, đồng thời có tiềm năng trở thành “gã khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tạp chí này cũng bày tỏ tin tưởng vào thành công của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
“Cứ điểm” quan trọng
Theo Tạp chí Eurasia Review, trong một thập niên qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Việt Nam liên tục tăng, dao động trong khoảng từ 6% đến 8%. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với các nước láng giềng trong khu vực khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có chiều hướng giảm. Tạp chí Eurasia Review cho biết, Việt Nam hiện trở thành một trong những “cứ điểm” quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam, từ các “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử như Samsung, LG cho đến các hãng ô tô như Mercedes-Benz...
Tuy nhiên, nói như vậy thôi chưa đủ. “Trong 10 năm qua, Việt Nam còn thầm lặng xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực ICT. Sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam như du lịch trực tuyến, thương mại điện tử... chính là minh chứng rõ ràng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 38% trong giai đoạn 2015-2018”, Tạp chí Eurasia Review khẳng định.
“Viên ngọc tiềm ẩn” trong phát triển ICT
Theo Tạp chí Eurasia Review, lĩnh vực ICT của Việt Nam hiện đang phát triển và giành được sự tín nhiệm của thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trị giá khoảng 71 tỷ USD. “Việt Nam là trung tâm phát triển phần mềm và hạ tầng ICT, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Singapore”, Tạp chí Eurasia Review nhấn mạnh.
Tạp chí Eurasia Review cho rằng có 3 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nổi lên như là một “gã khổng lồ” tiềm năng về ICT. Yếu tố đầu tiên là đội ngũ nguồn nhân lực ICT. Dân số Việt Nam trẻ và có trình độ. Hơn 2/3 dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 40. Việt Nam có nguồn nhân lực ICT lớn thứ hai châu Á với khoảng 300.000 sinh viên ICT tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp gia nhập thị trường việc làm mỗi năm. Yếu tố thứ hai là động lực từ các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước “có sự hiện diện toàn cầu”. Một vài cái tên được Tạp chí Eurasia Review đề cập là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT và Công ty TMA Solutions. Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng là sự hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam xem việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một ưu tiên phát triển, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng. “Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực ICT và cộng đồng khởi nghiệp ICT. Điều này thể hiện rõ trong việc thành lập Công viên Phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh)... Chính phủ có kế hoạch đầy tham vọng về việc xây dựng đô thị thông minh tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Hà Nội”, Tạp chí Eurasia Review cho biết.
Sự lạc quan
Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN-một cương vị mà theo đánh giá của Tạp chí Eurasia Review, Việt Nam trước đây từng đảm nhiệm rất thành công. Vào năm 2010, Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN với những kết quả to lớn như mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Việt Nam đã lựa chọn “Gắn kết và chủ động thích ứng” là chủ đề của Năm ASEAN 2020. Tạp chí Eurasia Review cho biết, cả hai thành tố “gắn kết” và “chủ động thích ứng” đều được áp dụng đối với cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN: Chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Thành tố “gắn kết” thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất của ASEAN trước các thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài. Với thành tố “chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn nâng cao tính chủ động của ASEAN để có thể bảo vệ được lợi ích khu vực trước các biến động. “Với những kinh nghiệm ngoại giao và sự chủ động, tích cực tại các diễn đàn đa phương của Việt Nam, có nhiều sự lạc quan dành cho Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN dưới chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong năm kỷ niệm 25 năm gia nhập tổ chức này”, Tạp chí Eurasia Review nhấn mạnh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến