Tác chiến đô thị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta đã thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa đòn tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân trên toàn chiến trường miền Nam.

Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng thành phố, nhất là hướng tác chiến trọng điểm Sài Gòn-Gia Định, tác chiến trong nội đô chủ yếu là các đơn vị biệt động thành phố, còn các sư đoàn chủ lực Miền tác chiến ở vòng ngoài. Điều đó tạo ra nét đặc sắc về nghệ thuật tác chiến đô thị trong tác chiến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 
Có thể thấy, so với địch, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta diễn ra trong điều kiện hết sức chênh lệch cả về quân số và vũ khí, phương tiện chiến tranh. Xét về các mặt, phía đối phương có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta hàng trăm lần, số quân Mỹ, chư hầu và ngụy quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) lên đến hơn 1,3 triệu quân, riêng Mỹ là 535.000 quân với vũ khí, trang bị hiện đại bậc nhất thế giới. Trong khi đó, trên toàn miền Nam, chúng ta chỉ có 277.000 quân chủ lực và bộ đội địa phương, cùng lực lượng dân quân, du kích với vũ khí, trang bị thông thường. Rõ ràng, đây là một chiến dịch quân sự không cân sức giữa đôi bên tác chiến. Trong điều kiện đó, quân và dân ta tiến hành chiến dịch bằng sự thông minh, mưu trí, sáng tạo, táo bạo, ngoan cường cùng lòng quả cảm. Căn cứ thực tiễn chiến trường, Bộ tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo tác chiến chiến dịch bằng việc vận dụng sáng tạo, triệt để và hết sức xuất sắc nghệ thuật tác chiến, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh của ông cha ta, được hình thành trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tiến hành đồng loạt trên toàn bộ 64 thành phố, thị xã, huyện lỵ, các căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu trên toàn miền Nam. Hướng tấn công trọng điểm hàng đầu là Sài Gòn-Gia Định, trung tâm kinh tế, chính trị của chế độ ngụy VNCH và các cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh của quân đội Mỹ và chư hầu. Do đây là vị trí trọng yếu, đầu não nên địch bố trí lực lượng, phương tiện dày đặc. Việc cơ động một lực lượng lớn quân chủ lực vào nội thành là không thể. Chính vì vậy, ta xác định sử dụng nghệ thuật tác chiến theo lối đánh hiểm, bí mật, bất ngờ vào các sào huyệt của địch bằng lực lượng biệt động thành phố là hình thức tác chiến phù hợp nhất. Các mục tiêu được lựa chọn là Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Khám Chí Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất và Tòa Đại sứ quán Mỹ… Việc xây dựng lực lượng, chuẩn bị vũ khí và phương tiện được tiến hành hết sức bí mật, bất ngờ gần mục tiêu tấn công từ trước. Chính vì vậy, theo các tài liệu tình báo của Mỹ và VNCH nhận định, Quân Giải phóng đang gấp rút chuẩn bị cho một trận đánh lớn nhưng không biết thời điểm chính xác, đồng thời đánh giá sai mục tiêu tấn công và mức độ của trận đánh. Tính linh hoạt, sáng tạo của nghệ thuật tác chiến đô thị thể hiện ở chỗ, ta chỉ sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ (300 chiến sĩ) đánh thẳng vào các mục tiêu chiến lược, hiểm yếu của địch gây tiếng vang lớn trong nước và trên toàn thế giới. Còn các sư đoàn chủ lực có sức tấn công mạnh, vừa hỗ trợ cho lực lượng tác chiến vòng trong, vừa uy hiếp, khống chế các lực lượng mạnh của quân địch không cho chúng về cứu viện. 
Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được tiến hành theo đúng kế hoạch trên các hướng chiến trường, đặc biệt chiến trường trọng điểm Sài Gòn-Gia Định, làm rung chuyển toàn miền Nam. Quân Mỹ và VNCH bị bất ngờ trước những đòn tấn công bất ngờ, táo bạo, dũng mãnh của Quân Giải phóng vào các sào huyệt của chúng ngay tại Sài Gòn. Phối hợp với lực lượng biệt động thành phố, các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng bộ đội địa phương cũng tổ chức tấn công vào các quận vùng ven nhằm thực hiện kế hoạch bao vây, cô lập Sài Gòn. Vòng ngoài là các Sư đoàn: 5, 7, 9 bộ đội chủ lực Miền, làm nhiệm vụ chặn đường quân Mỹ và ngụy VNCH về Sài Gòn tiếp ứng. Chỉ trong mấy ngày đầu năm, hàng nghìn lính Mỹ, chư hầu và VNCH bị tiêu diệt, nhiều phương tiện chiến tranh và căn cứ quân sự bị phá hủy. Nhà cầm quyền Mỹ choáng váng trước đòn tổng tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ này, bởi trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ và tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam vừa mới huênh hoang cho rằng: “Đã tìm ra ánh sáng ở cuối đường hầm” và đề nghị Quốc hội tăng quân để nhanh chóng bình định miền Nam Việt Nam. Cuộc tổng tiến công đã thức tỉnh nhân dân Mỹ và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới về cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Hàng chục vạn người đã xuống đường phản đối chiến tranh khiến nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra được 52 năm, nhưng những bài học rút ra từ việc sử dụng nghệ thuật tác chiến đô thị vẫn còn hết sức sinh động, sâu sắc trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là những bài học quý giá để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào trong thực tiễn huấn luyện, chiến đấu của Quân đội ta.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến