MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành văn hóa đạo đức mà điểm nổi bật nhất là sự tôn trong nhân cách, cá tính sáng tạo, là niềm tin vào khả năng làm con người tốt đẹp bằng sức mạnh của văn hóa, khoan dung, tình thương và lòng nhân ái.
Xem xét mối quan hệ giữa tư tưởng đạo đức và đời sống đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy, đạo đức Hồ Chí Minh rộng hơn rất nhiều so với tư tưởng của Người. Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ trên những lời bàn, những luận điểm sâu xa mà rộng lớn hơn là trong hoạt động, trong tranh đấu, trong ứng xử và lối sống, và cả trong sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người vẫn thiên về hành động, nói ít, làm nhiều và suốt đời nêu gương, coi gương mẫu là cách tốt nhất trong phương pháp lãnh đạo. Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn.
Điểm đặc sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là lý luận gắn liền với thực tiễn. Người không chỉ đề ra tư tưởng mà còn thực hành tư tưởng. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác nổi bật ở 5 thực hành lớn:
- Thực hành lý luận, tư tưởng trong thực tiễn.
- Thực hành dân chủ, trong Đảng, trong Nhà nước, trong dân và trong xã hội.
- Thực hành dân vận, vận động quần chúng làm cách mạng.
- Thực hành đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc.
- Thực hành đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Thực hành đạo đức thấm sâu và xuyên suốt mọi thực hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức trong sáng, thanh cao, giản dị, khiêm nhường, khoan hòa, bao dung của Bác là tấm gương soi cho mọi thế hệ, cho muôn đời. Sức thuyết phục và ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quốc tế, nhân loại không chỉ ở tư tưởng mà còn ở đạo đức. Tìm minh triết và minh triết đạo đức Hồ Chí Minh phải chú trọng tìm trong tư tưởng và hơn thế nữa trong cả cuộc đời và sự nghiệp của Người, trong sự thống nhất hiếm thấy giữa tầm vóc vĩ đại của vĩ nhân với nét đẹp giản dị, sự dung dị trong sinh hoạt đời thường của bản thân Người.
Vì chú trọng thực hành nên Người đặc biệt nhấn mạnh phương châm xử thế và phương pháp hành động. Không chỉ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “cương và nhu”, mà còn phải “đúng và khéo”, phải “biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”, chú trọng chữ “hòa, khoan khòa”, chữ “đồng và luôn tìm kiếm sựu đồng thuận”. “Phê bình công việc chứ không xúc phạm con người, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, có lý và có tình”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến