Kiên quyết ngăn ngừa, xử lý, không để bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản lộng hành, gây hại

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có biết bao tấm gương về sự cống hiến, hy sinh, nhiều người được phong tặng danh hiệu anh hùng. Nhưng tôi cho rằng sự hy sinh của nhân dân mới là sự hy sinh lớn nhất và cao quý nhất. Vì vậy, không ai được phép dùng công trạng nhỏ bé của mình để tâng bốc bản thân, có những hành động và phát ngôn bừa bãi. Bài viết trên Báo QĐND về bệnh công thần đã góp phần phê phán kịp thời hiện tượng đó.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi người có một sứ mệnh của mình. Có người có thể lập chiến công trong một giai đoạn nhất định, nhưng lợi dụng để vỗ ngực, kể công thì không nên. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Trong cuộc sống, nếu không giữ được phẩm chất, giữ được truyền thống thì người đó sẽ tự xóa bỏ danh dự của mình.
Làm tướng, khi còn đương chức hay đã về hưu, thì trước hết cũng là một người dân. Hãy làm tròn bổn phận của một người dân đi đã. Anh có quyền đóng góp, có quyền phát ngôn nhưng không được hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, bóp méo hình ảnh đồng chí, đồng đội của mình. Ở tầm của một vị tướng khi phát biểu thì phải đặt lợi ích của quân đội, của nhân dân lên trên, đừng để bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Mình phải giữ được truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, đó là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.
Là một người từng kinh qua trận mạc, tôi không bao giờ mong muốn thế hệ hôm nay phải ra trận. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ quan điểm và đường lối ngoại giao của Đảng, của quân đội. Và tôi thấy chúng ta đã làm rất tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế và đặc biệt là phải dựa vào căn cứ pháp lý, vào luật pháp quốc tế. Các nước dù có là nước lớn đến mấy cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, và hơn ai hết chúng ta hiểu cái giá của mất mát hy sinh khi đất nước có chiến tranh. Vậy tại sao phải hô hào đánh nhau, không đánh mà thắng mới là thượng sách. Tướng cầm quân là phải biết tránh những tổn thất không đáng có cho bộ đội, cho nhân dân.
Cũng không nên vì công thần mà xem thường cán bộ lãnh đạo thế hệ sau. Tướng giỏi về chính trị và có tố chất về quân sự, lại được đào tạo qua trường lớp bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn thì được giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự càng tốt chứ sao? Dù đất nước có khó khăn, tôi vẫn tin là các đồng chí sẽ vượt qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng là một thầy giáo dạy lịch sử đó chứ, nhưng đã chỉ huy quân đội xuất sắc. Quan trọng của người cầm quân là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Làm tướng nếu xây dựng được chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy nhân tài, xây dựng được mối đoàn kết, trên dưới đồng lòng, quân với dân một ý chí thì khó khăn mấy cũng vượt qua.
Quân đội có mạnh đến mấy mà nhân dân không tin yêu thì làm việc gì cũng khó, bài học của Liên Xô là một ví dụ. Vì vậy, tôi rất mừng là thế hệ hôm nay các đồng chí vẫn giữ gìn và phát huy được truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng vì dân mà phục vụ. Tôi luôn tin tưởng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng hiện nay sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.      
Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM VĂN TRÀ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Bệnh công thần rất nguy hiểm, thường đi đôi với kèn cựa địa vị và bất mãn. Kẻ địch thường xuyên lợi dụng triệt để vấn đề này để lôi kéo khiến cán bộ quay lưng, “chuyển hóa” và “trở giáo” với lý tưởng mình đã từng đi theo.
Tiếc rằng lâu nay trong chống “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” chúng ta tập trung nhiều vào các vấn đề như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí mà ít nhắc đến bệnh công thần. Đáng buồn là công thần xuất hiện cả với những người là tướng lĩnh quân đội. Người cán bộ hư hỏng đó là nỗi đau rất lớn với chúng tôi khi nhắc đến. Trong chiến tranh, đồng đội, chiến sĩ của tôi hy sinh, chúng tôi rất đau đớn, nhưng chúng tôi vẫn được an ủi bởi đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do. Tổ quốc, nhân dân sẽ ghi công họ. Nhưng bây giờ có người “chuyển hóa” như thế là mất đi một người tướng, mất mát này là rất đau đớn.
Tôi cũng xin nhắc lại chuyện đồng chí cán bộ nghỉ hưu liên quan đến việc đứng chủ biên một cuốn sách viết xuyên tạc lịch sử, bóp méo lịch sử về biển, đảo, trở thành tài liệu để kẻ thù lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, gây dư luận xấu, phân tán lòng dân... Rồi những phát ngôn rất hàm hồ đối với các đồng chí cán bộ cao cấp của quân đội. Trước hết là không chính xác bởi đó đều là những đồng chí đã tham gia chiến đấu. Do bệnh công thần mà người ta rất tức tối với thế hệ sau, nhất là những người ấy trước đây là cấp dưới, là thế hệ sau nhưng phát triển lên cao hơn. Bởi bệnh công thần nên nghĩ mình là người có công lao to lớn, mình thông minh, dẫn đến chê bai, kèn cựa thế hệ sau mình. Họ không hiểu được rằng: Những phát ngôn hàm hồ ấy sẽ bị kẻ thù lợi dụng để chống phá quân đội, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của quân đội...
Nói vậy là vô ơn bạc nghĩa với quân đội. Quân đội đã rèn luyện, giáo dục, nâng đỡ để ông ta trưởng thành và chính quân đội tôn vinh ông ta để toàn dân, toàn quân biết ông ta là ai.
Tôi nghĩ hành động đó vi phạm nghiêm trọng về luật pháp, bóp méo lịch sử, xúc phạm đến danh dự cá nhân và tổ chức, đặc biệt là xúc phạm cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội; xúc phạm danh dự quân đội. Vì vậy phải xử lý nghiêm minh với trường hợp này.
Cũng vì công thần mà dẫn đến bị các phần tử xấu lôi kéo, lợi dụng và kích động ông nói những vấn đề chưa ai nói, viết những vấn đề chưa ai viết, để các thế lực thù địch tôn ông thành người cấp tiến, đổi mới. Cứ như vậy ông lún sâu vào hư hỏng, sai phạm; thậm chí kết giao với những phần tử cơ hội, phản động, chống phá chế độ, Nhà nước, Quân đội ta.
Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến