KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong những năm qua không chỉ đem lại bức tranh toàn gam mầu tươi sáng; bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp mới, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tìm giải pháp để khắc phục những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, hiện thực hóa từng bước những mục tiêu của CNXH. Đó chính là biện chứng của sự phát triển. Thế nhưng, ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch cùng một số phần tử cơ hội, bất mãn, đã ra sức xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng ta. Chúng tung ra đủ thứ luận điệu: “kinh tế thị trường và định hướng XHCN là sự chắp vá”, là “ruột xanh, vỏ đỏ” và “việc chấp nhận phát triển kinh tế thị trường là sự từ bỏ, hay gác lại chủ nghĩa Mác - Lênin”, v,v. Chúng vẫn ráo riết thực hiện sự chống phá, đòi bỏ “định hướng XHCN”. Tất cả những luận điểm ấy đều dựa trên một tư tưởng cơ bản, mà chúng thường dùng đó là: “Kinh tế thị trường đi đôi với CNTB; còn CNXH gắn liền với kế hoạch hóa tập trung, bao cấp”. Từ đây, chúng cho rằng: “chấp nhận phát triển kinh tế thị trường là quá độ đi sang CNTB”!
Cần phải thấy rằng, kinh tế thị trường không đối lập với CNXH mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH. Thực tiễn minh chứng, kinh tế thị trường có khả năng thích ứng với mọi hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Có thể nhận thấy, tính đa dạng của các nền kinh tế thị trường hiện nay tại các quốc gia trên thế giới với sự khác biệt về cơ cấu sở hữu và cấu trúc xã hội. Kinh tế thị trường gắn liền với sản xuất hàng hóa và hoàn toàn có thể được xây dựng tại những quốc gia có những chế độ chính trị - xã hội khác nhau, với các mô hình kinh tế thị trường cụ thể, đa dạng gắn liền với hình thái kinh tế - xã hội và chế độ chính trị xã hội của mỗi nước. Theo đó, Đảng ta lựa chọn mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN để đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân thủ những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Vì vậy, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, người làm chủ là giới chủ tư sản; trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì người làm chủ là đông đảo nhân dân lao động, do nhà nước của dân, do dân, vì dân đại diện quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây chính là sự khác biệt căn bản nhất giữa nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã từng bước hình thành, phát triển và mang lại những kết quả rất tích cực. Thực lực của nền kinh tế tăng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì hợp lý. Việt Nam được đánh giá là nhóm quốc gia có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới. Tính đến cuối 2015, đã có gần 50 quốc gia công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Những kết quả đó là minh chứng hết sức sinh động cho đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Thực tiễn là chân lý. Những luận điệu xuyên tạc đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chẳng thể thay đổi được những thành tựu mà đường lối đó đem lại, nên chắc chắn chúng là vô giá trị

Nhận xét

Bài đăng phổ biến